Đề xuất phương án nghỉ Tết Nguyên đán 10 ngày
Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam cho biết đã ký tờ trình góp ý vào phương án nghỉ tết âm lịch Đinh Dậu 2017. Theo đó Tổng LĐLĐ đề xuất phương án nghỉ tết 10 ngày, theo tin trên TTXVN.
Lý do chọn 10 ngày vì xuất phát từ nhu cầu thực tế của người lao động, nhất là công nhân tại các khu công nghiệp ở xa, cả năm chỉ về quê dịp tết nên nghỉ 10 ngày giúp lao động có thời gian di chuyển, không căng thẳng tàu xe và thăm thân nhân”, ông Mai Đức Chính cho biết.
Còn nếu theo phương án nghỉ 7 ngày, thì người lao động đi làm vào thứ 6 (3/2/2017) rồi lại nghỉ tiếp 2 ngày cuối tuần. Thực tế, nếu chọn phương án 7 ngày thì ngày thứ 6 đi làm thì nhiều khu công nghiệp sẽ ít công nhân đến làm việc vì họ sẽ xin nghỉ phép để nghỉ tiếp 2 ngày cuối tuần. Do đó, với người lao động phương án nghỉ tết 10 ngày sẽ hợp lý hơn. Điều quan trọng là sau khi nghỉ tết, chúng ta phải vào làm việc đúng thực chất, nghiêm túc, chứ vài ngày lại đi chúc tết thì không đúng”, ông Mai Đức Chính nhận định.
Trước đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa chính thức trình Chính phủ 2 phương án đề xuất lịch nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 gồm 7 ngày và 10 ngày.
Đối tượng áp dụng lịch nghỉ Tết do Bộ này đề xuất là cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.
Theo tờ trình, phương án thứ nhất, số ngày nghỉ Tết Nguyên đán là 5 ngày, người lao động sẽ nghỉ từ thứ Năm ngày 26/1 đến thứ Tư 1/2 (tức 29 tháng Chạp năm Bính Thân đến mùng 5 tháng Giêng năm Đinh Dậu). Tuy nhiên, do mùng 1, mùng 2 Tết Âm lịch rơi vào hai ngày cuối tuần, công chức được nghỉ bù vào mùng 4, mùng 5 Tết. Tổng cộng có 7 ngày nghỉ và không hoán đổi.
Với phương án thứ hai, người lao động nghỉ từ ngày 30 tháng Chạp năm Bính Thân đến hết ngày mùng 9 tháng Giêng năm Đinh Dậu (tức ngày 27/1 đến hết ngày 5/2). Việc hoán đổi ngày làm việc sẽ xen kẽ giữa các ngày nghỉ, công chức đi làm thứ Bảy 11/2 và nghỉ thứ Sáu ngày 3/2 để kỳ nghỉ kéo dài 10 ngày liên tục.
Hiện tại, Bộ LĐTB&XH đang nghiêng về phương án thứ nhất. Bởi theo cơ quan này, phương án nghỉ 7 ngày là hài hòa, vì số ngày nghỉ trước Tết là 2 ngày không quá ngắn và nghỉ sau Tết là 5 ngày không quá dài.
Bên cạnh đó, dịp Tết Dương lịch năm 2017 dự kiến nghỉ 3 ngày (31/12/2016 đến hết 2/1/2017) do ngày Tết Dương lịch rơi vào ngày Chủ nhật nên sẽ nghỉ bù vào ngày thứ Hai 2/1.
Trong khi đó, dịp giỗ tổ Hùng Vương, Bộ LĐTB&XH cũng đưa ra 2 phương án nghỉ là 1 ngày hoặc 4 ngày. Phương án đầu tiên là nghỉ đúng 1 ngày mùng 10/3 Âm lịch (6/4). Phương án thứ hai hoán đổi ngày nghỉ, công chức đi làm bù vào thứ Bảy một tuần sau đó để được nghỉ liên tục 4 ngày cuối tuần từ thứ Năm đến hết Chủ nhật (6 đến 9/4). Bộ LĐTB&XH ủng hộ phương án thứ hai.
Trong khi đó, dịp Quốc khánh 2/9 vào thứ Bảy, công chức được nghỉ bù vào thứ Hai, ngày 4/9, tổng cộng nghỉ liên tiếp 3 ngày.
Như vậy, nếu Chính phủ thông qua phương án nghỉ 7 ngày Tết Âm lịch và không hoán đổi ngày nghỉ dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, công chức sẽ được nghỉ tổng cộng 18 ngày. Nếu theo phương án hai, số ngày nghỉ lễ, Tết sẽ tăng lên 24.
End of content
Không có tin nào tiếp theo