Thị trường

Đề xuất tăng vốn điều lệ cho công ty quản lý nợ xấu

Ngân hàng Nhà nước vừa trình Chính phủ cho phép tăng vốn điều lệ đối với Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

 Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên trả lời báo chí (V.V.T)

Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 29-10, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết Ngân hàng Nhà nước vừa trình Chính phủ cho phép tăng vốn điều lệ đối với Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). 
 
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết Chính phủ đã bàn rất nhiều về xử lý nợ xấu.
 
Theo đó, ở các nước thì người ta ít nhiều có dùng ngân sách để xử lý nợ xấu. Còn với Việt Nam xử lý trong điều kiện ngân sách không thể chia sẻ được. Cho nên VAMC xin cơ chế để có hành lang thông thoáng hoạt động.
 
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã dành nhiều thời gian để giải đáp câu hỏi liên quan đến ý kiến một đại biểu Quốc hội cho rằng những số liệu về nợ xấu được công bố hoàn toàn không đúng thực chất.
 
Cụ thể, bà Hồng cho biết theo báo cáo của các tổ chức tín dụng (TCTD) đến cuối tháng 9-2014 nợ xấu là 3,88%, trong khi đó tại thời điểm cuối tháng 6 nợ xấu là 4,17%, cuối tháng 7 là 4,11%, tháng 8 là 3,9%.
 
Về phía NHNN có kênh riêng để tính nợ xấu, và theo cách tính của NHNN thì kể từ khi triển khai Đề án xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng từ năm 2012 đến tháng 10-2014, cả nước đã giảm tỷ lệ nợ xấu từ 17% xuống còn 5,43%.
 
Giải thích việc có hai con số khác nhau nêu trên (3,88% và 5,43%), bà Hồng nêu ví dụ với khoản nợ xấu được cơ cấu nhiều lần thì TCTD đánh giá khoản nợ đó không phải là nợ xấu.
 
Nhưng với vai trò quản lý, Cơ quan thanh tra giám sát NHNN có thể đánh giá các khoản nợ cơ cấu nợ lại nhiều lần vẫn có tiềm ẩn nợ xấu.
 
Do đó, dẫn đến có sự chênh lệch số liệu về nợ xấu giữa các TCTD và NHNN.
 
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, thời gian qua NHNN đã tiến hành nhiều biện pháp giải quyết nợ xấu.
 
Việc đầu tiên là NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu.
 
Để cho các khoản nợ xấu không phát sinh thêm, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng khi mở rộng tín dụng phải đi đôi với an toàn thanh khoản.
 
Biện pháp nữa là NHNN đã trình Chính phủ Nghị định 53 về thành lập Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng VAMC. Công ty VAMC được thành lập trong điều kiện không có nguồn lực tài chính, vốn điều lệ chỉ có 500 tỷ đồng.
 
Qua một năm triển khai, hiện nay NHNN đang tiến hành rà soát vướng mắc của VAMC. Quá trình thực hiện nhiệm vụ của VAMC có khó khăn, hiện NHNN đang đánh giá và thấy rằng vướng mắc chủ yếu liên quan đến các quy định của pháp luật.
 
Bên cạnh đó, vì nợ xấu ở VN có tài sản đảm bảo bằng bất động sản khá lớn, nên việc xử lý tài sản đảm bảo gặp khó khăn.
 
Thời gian qua NHNN đang trình Chính phủ để sửa đổi nghị định 53 theo hướng tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tăng quyền cho VAMC, đề xuất tăng vốn điều lệ cho VAMC để tăng khả năng mua bán nợ xấu theo giá thị trường, còn việc vướng mắc liên quan đến quy định pháp luật thì NHNN trình cấp có thẩm quyền xem xét.
 
Có nhiều sai phạm ở Ngân hàng Đại Dương
 
Trả lời câu hỏi về vụ việc liên quan đến ông Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Dương), Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết trong quá trình giám sát và thanh tra đối với các tổ chức tín dụng nói chung, cũng như với Ngân hàng Đại Dương nói riêng, NHNN cũng đã phát hiện những sai phạm trong hoạt động lãnh đạo của cá nhân ông Hà Văn Thắm.
 

Trước đó, trong quá trình thanh tra, giám sát, NHNN đã phát hiện ra những sai phạm và đã đề nghị Ngân hàng Đại Dương khắc phục sau thanh tra. Trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, NHNN thấy rằng Ngân hàng Đại Dương chưa khắc phục những sai phạm và lại phát sinh thêm những sai phạm mới. NHNN đã chuyển cho cơ quan điều tra và hiện nay cơ quan điều tra đang trong quá trình điều tra tất cả sai phạm của ông Hà Văn Thắm. Khi có kết luận của cơ quan điều tra, NHNN sẽ thông báo, thông tin công khai. 

Theo Tuổi trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo