Xã hội

Đề xuất thêm đại tướng công an

Tại phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật của Chính phủ hôm nay (20/3), 2 Bộ Công an và Quốc phòng xin ý kiến Chính phủ về các điểm vênh nhau giữa 2 dự thảo luật Công an nhân dân sửa đổi và luật Sĩ quan QĐND sửa đổi.

Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang trình bày dự thảo luật cho biết trong lực lượng này hiện mới chỉ có chức vụ Bộ trưởng là có trần cấp bậc hàm là Đại tướng.

Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang bên lề một phiên họp QH
 
Luật Công an nhân dân dự kiến quy định thêm chức vụ Thứ trưởng là Phó Bí thư Đảng ủy Công an TƯ cũng có thể là Đại tướng, vì trong thực tế đây là nhân vật thứ hai trong lực lượng, thay mặt chỉ đạo khi Bộ trưởng đi vắng, phù hợp thực tiễn và tương quan với quân đội, ông Trần Đại Quang nói.
 
Đối với hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM, số lượng cán bộ công an lớn (Hà Nội xấp xỉ 20.000, TP.HCM 25.000), dự luật muốn chức vụ Giám đốc Công an Hà Nội và TP.HCM có thể lên đến trung tướng.
 
Giảm 3,1% số lượng tướng quân đội
 
Trình bày dự thảo luật Sĩ quan QĐND, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho biết đã đưa vào luật những chức vụ có trần cấp tướng như yêu cầu của Bộ Chính trị, không để ở các văn bản dưới luật như trước.
 
Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh
 
Dự thảo luật cũng bỏ quy định cấp bậc quân hàm cao nhất là thiếu tướng đối với các chức vụ như tổng giám đốc các tổng công ty loại một, tức là các tổng công ty này sẽ không có tướng nữa, cũng như tham mưu trưởng quân khu quân chủng bộ đội biên phòng, tổng cục.
 
Như vậy, theo dự thảo luật, số lượng cấp tướng so với nhu cầu cấp tướng của các văn bản pháp luật đang thực hiện sẽ giảm 3,1%, ông Phùng Quang Thanh cho biết.
 
Luật cũng quy định thẩm quyền phong thăng quân hàm cấp tướng của Chủ tịch nước theo Hiến pháp 2013.
 
Dự thảo cũng bỏ quy định sĩ quan ở lực lượng quân sự địa phương, cấp tỉnh, huyện, thuộc địa bàn trọng yếu về quân sự quốc phòng và có quá trình cống hiến xuất sắc thì được phong quân hàm cao hơn một bậc. Lý do bỏ là việc xác định địa bàn trọng yếu về quân sự quốc phòng là khó thực hiện trong thực tế, gây tâm tư, thắc mắc chính trong quân đội và các địa phương.
 
Vênh nhau 
 
Luật Công an nhân dân sửa đổi dự kiến Giám đốc Công an một số địa phương có thể lên đến thiếu tướng. Đó là Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ - 3 đô thị loại 1 trực thuộc trung ương, có vị trí quan trọng và số lượng cán bộ công an đông, và Nghệ An, Thanh Hóa, Đồng Nai - 3 tỉnh lớn, đông dân.
 
Trong khi đó, dự thảo luật Sĩ quan QĐND sửa đổi giữ nguyên trần cấp bậc quân hàm đại tá cho người đứng đầu lực lượng quân đội của 6 tỉnh thành này.
 
Theo Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, điều này để đảm bảo công bằng với các địa phương khác, đặc biệt là các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, nếu luật Công an nhân dân dự kiến sửa đổi như trên thì sẽ có độ vênh, khó cho chính quyền và đảng bộ địa phương, nên Bộ trưởng Quốc phòng muốn Chính phủ thảo luận kỹ hơn vấn đề này.
 
Một điểm vênh nữa là nguyên tắc "cấp trưởng cao hơn cấp phó" mà Bộ Chính trị yêu cầu.
 
Cụ thể, luật Công an nhân dân sửa đổi dự kiến: Ở các tổng cục, cấp bậc hàm cao nhất đối với tổng cục trưởng là trung tướng, nhưng không có chức vụ chính ủy như quân đội. Bộ Công an muốn có một tổng cục phó đồng thời là phó bí thư đảng ủy, phụ trách công tác đảng và tổ chức cán bộ, của tổng cục, cũng có trần cấp bậc hàm là trung tướng, trong khi các cấp phó khác vẫn thấp hơn cấp trưởng.
 
Trong khi đó, cấp tổng cục phó trong quân đội vẫn chỉ có thể lên đến thiếu tướng. Có ý kiến  quân đội nên cân nhắc điều khoản tương tự như công an, nhưng Bộ trưởng Phùng Quang Thanh không đồng tình.
 
"Sẽ rất khó vì trong quân đội ngoài 6 tổng cục còn có các cấp tương đương như quân khu, quân chủng, biên phòng. Nếu cấp phó đều lên được trung tướng cả thì trưởng phó như nhau, quá nhiều, ngồi họp đeo quân hàm đỏ rực cả", ông Phùng Quang Thanh nói.
 
Ông yêu cầu duy trì nề nếp của quân đội, thống nhất cấp phó các tổng cục cao nhất là tới thiếu tướng.
Vietnamnet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo