Đề xuất tịch thu phương tiện của người vi phạm: Người dân nói gì?
Xung quanh đề xuất tịch thu phương tiện, bao gồm cả ô tô và xe máy, nếu người điều khiển vi phạm về nồng độ cồn quá cao, hoặc xe máy lưu thông vào đường cao tốc đang có nhiều ý kiến chưa thống nhất. Nhiều người cho rằng quy định này sẽ khó thực thi vì xe máy, ô tô là tài sản thuộc sở hữu cá nhân. Trong khi đó, vi phạm Luật Giao thông đường bộ chỉ là vi phạm phải xử phạt hành chính. Vậy khi tịch thu phương tiện của người vi phạm Luật giao thông liệu có trái luật?
Tại văn bản mới đây gửi Chính phủ về việc cho phép thực hiện một số quy định xử phạt vi phạm hành chính nhằm kéo giảm tai nạn và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia (UBATGTQG) đề xuất cho phép các Bộ, ngành, địa phương thực hiện thí điểm một số quy định xử phạt, áp dụng từ ngày 15/3. Cụ thể, nếu có nồng độ cồn trên 80mg/100ml hoặc vượt quá 0,4mg/l khí thở, lái xe ôtô sẽ bị tước giấy phép 2 năm và tịch thu phương tiện, đồng thời phải thi lại Luật giao thông đường bộ trước khi được cấp lại giấy phép.
Hình thức xử phạt này áp dụng cho cả người vi phạm điều khiển môtô, xe gắn máy và các loại xe tương tự môtô. Đề xuất của UBATGTQG vừa đưa ra đã nhận được nhiều luồng ý kiến trái chiều.
Nhiều người bày tỏ sự đồng tình vì cho rằng, cần phải làm nghiêm như vậy mới có tính chất răn đe, khiến người tham gia giao thông ý thức được hành vi vi phạm của mình, từ đó hy vọng sẽ góp phần thay đổi nhận thức, hành vi trong tham gia giao thông.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng ở Đông Anh, Hà Nội, việc UBATGTQG đề xuất tịch thu phương tiện của người vi phạm là cần thiết vì ý thức của nhiều người tham gia giao thông hiện nay còn rất kém. Có thể, khi bị tịch thu xe họ sẽ thấy sốc, nhưng đó sẽ là bài học để họ buộc phải nhớ khi tham gia giao thông:
“Tôi thấy Luật pháp phải xử lý nghiêm vấn đề này vì theo tôi uống rượu mà lái xe ô tô là không được. Thứ hai là đường cấm cũng không nên vào, nếu vào nên thu xe, kể cả xe máy vì xe máy là phương tiện vi phạm nhiều nhất. Theo tôi, đây là một biện pháp để răn đe để người dân chấp hành tốt. Khi thực hiện phải làm quyết liệt, làm đến nơi chứ đang làm mà bỏ lửng là không được”, ông Hùng nói.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng cần cân nhắc thêm. Ông Nguyễn Văn Hồng ở Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng, trước khi đưa quy định này vào thực tiễn, cần tuyên truyền cho người dân hiểu, nắm được.
Theo ông Hồng, nhiều người dân do không nắm được quy định cấm đi xe vào đường cao tốc nên vô tình vi phạm luật. Cũng có người, chiếc xe máy là phương tiện mưu sinh của cả gia đình, nếu bị tịch thu chỉ vì vô tình phạm luật thì cũng chưa phải là hợp tình. Bởi vậy, theo ông Nguyễn Văn Hồng. quan trọng nhất, cái gốc ở đây là phải giáo dục ý thức chấp hành luật lệ giao thông.
“Trước hết, giáo dục ý thức chấp hành luật lệ giao thông là cơ bản nhất. Giáo dục ý thức cho con người khi tham gia giao thông ngay từ nhỏ cho đến lớn, khi tham gia giao thông phải luôn chấp hành. Biện pháp tịch thu phương tiện là bất đắc dĩ, phải thi hành đối với những trường hợp không chấp hành. Với những trường hợp không chấp hành cứ chiểu theo pháp luật mà thực hiện cho nghiêm túc”, ông Hồng nêu quan điểm.
Tuy nhiên, cũng có luồng ý kiến cho rằng, việc tịch thu xe máy đi vào đường cao tốc, hay tịch thu phương tiện khi vi phạm nồng độ cồn là không hợp lý và vi phạm pháp luật hiện hành.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, việc tịch thu phương tiện của người vi phạm giao thông là trái Luật. Theo ông Tuấn, một nguyên tắc khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là không được trái với Hiến pháp năm 2013, cũng như Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Giao thông đường bộ. Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, tài sản sử dụng hợp pháp muốn bán phải được sự đồng ý của chủ sở hữu. Nếu họ vi phạm giao thông thông thường thì chỉ có thể phạt tiền, tước giấy phép lái xe.
“Việc xử phạt, tạm thu giữ phương tiện sẽ được nhiều người đồng tình vì việc làm này là đúng. Tuy nhiên việc tịch thu tài sản của công dân phải do Tòa án hoặc Viện Kiểm sát phê chuẩn, không phải ngành nào cũng có quyền làm việc này. Vì vậy, chúng ta chỉ nên xử phạt, thậm chí phải xử phạt thật nặng, thật nghiêm để chấn chỉnh hành vi vi phạm pháp luật của con người. Nhưng ngược lại, việc thu giữ tài sản theo Luật là không được phép và điều này đã được Hiến pháp quy định rõ”, ông Nguyễn Anh Tuấn chỉ rõ.
Những biện pháp mạnh đưa ra để đảm bảo trật tự an toàn giao thông là cần thiết. Nhưng gia tăng hình thức xử phạt, trong đó có hình thức tịch thu xe, cần phải được thảo luận kỹ trước khi ban ban hành. Bởi ô tô, xe gắn máy là một tài sản lớn đối với người dân. Khi tịch thu tài sản của người dân, cần phải tuân thủ đúng các trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, lúc đó Luật mới thực sự đi vào cuộc sống.
End of content
Không có tin nào tiếp theo