Đề xuất tịch thu xe vi phạm giao thông: Tính khả thi không cao
Tăng mức phạt, vi phạm chắc gì đã giảm
Tiến sĩ Trần Thế Quân - Cục phó Cục Pháp chế và Cải cách Hành chính, Tư pháp (Bộ Công an) cho rằng, cần phải xem xét kỹ về tính hợp hiến, hợp pháp, cũng như tính khả thi về đề xuất tịch thu xe. “Đâu phải cứ tăng mức xử phạt thật mạnh là vi phạm giảm. Bởi nó còn liên quan đến nhiều giải pháp khác nữa như giáo dục, tuyên truyền, xử phạt, nhận thức của cả người dân”, ông Quân nói.
Cũng theo ông Quân, nếu áp dụng biện pháp tịch thu xe sẽ đẩy pháp luật đến sự bất bình đẳng, khi cùng là một hành vi nhưng có người bị tịch thu, xử phạt theo giá trị xe đến hàng chục tỷ đồng, nhưng có người chỉ mất vài trăm triệu đồng. Đó là chưa kể theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì mức xử phạt tối đa trong lĩnh vực trật tự an toàn xã hội, giao thông đường bộ ở mức 40 triệu đồng.
“Luật hình sự cũng chỉ quy định tịch thu phương tiện khi người đó phạm tội nghiêm trọng và có sử dụng phương tiện đó. Nhưng nếu phương tiện đó bị chiếm đoạt của người khác thì người ta vẫn trả lại cho chủ sở hữu. Ở đây chỉ là vi phạm hành chính chưa tới mức hình sự, mà lại tịch thu thì là điều hết sức phải suy ngẫm”, ông Quân nói. Ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, đang chuẩn bị văn bản để báo cáo lãnh đạo Bộ Tư pháp về đề xuất tịch thu phương tiện đối với một số hành vi vi phạm giao thông như uống rượu bia... mà Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đưa ra.
Theo ông Sơn, hiện có khá nhiều luồng ý kiến trái chiều trong dư luận về đề xuất trên. Có ý kiến cho rằng đề xuất trên phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, góp phần ngăn chặn tai nạn giao thông. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng nó không phù hợp với Hiến pháp, không khả thi… “Tất cả những cái đó đều phải được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng. Bởi Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt hiện nay chưa có quy định nào cho phép tịch thu phương tiện đối với các lỗi trên. Muốn tịch thu thì phải sửa Nghị định. Khi sửa đổi thì phải có đánh giá mức tác động của các quy định, nhất là tính phù hợp, tính khả thi khi áp dụng trong thực tiễn”, ông Sơn nói.
Xem lại việc xử phạt đã nghiêm chưa
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nói rằng, các quy định về xử phạt đối với hành vi sử dụng bia rượu hiện nay đối ô tô cao nhất cũng là 15 triệu đồng, xe máy là 3 triệu đồng và tước bằng lái xe 2 tháng. Mức xử phạt trên cũng không hẳn là nhẹ. Vậy vấn đề vì sao ý thức người dân chấp hành các quy định chưa cao? Nguyên nhân chính là do các cơ quan thực thi pháp luật chưa làm nghiêm, chưa xử lý cương quyết. Nếu cơ quan chức năng làm nghiêm, xử lý triệt để, vi phạm sẽ giảm đáng kể.
Ông Hùng cho rằng, nếu đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia được thông qua thì nhiều doanh nghiệp vận tải có thể sẽ lâm vào tình trạng phá sản. Bởi không phải lúc nào họ cũng có thể kiểm soát, ngăn chặn được hành vi uống rượu của tài xế. Khi đó, chiếc xe, tài sản của doanh nghiệp sẽ bị tịch thu và rất khó để họ có thể đòi được lái xe trả lại tiền.
Để giải quyết vấn đề trên, ông Hùng cho rằng trước hết Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cần phải nghiên cứu, khảo sát xem các cơ quan chức năng đã thực sự quyết tâm, quyết liệt trong việc xử phạt vi phạm rượu bia hay chưa? Nếu xử phạt nghiêm rồi mà vi phạm vẫn còn nhiều thì lúc đó hãy tính đến chuyện tăng mức tiền phạt, tăng thời gian cấm điều khiển phương tiện, thậm chí là phạt tù, chứ không phải là tịch thu phương tiện.
“Vậy vấn đề vì sao ý thức người dân chấp hành các quy định chưa cao? Nguyên nhân chính là do các cơ quan thực thi pháp luật chưa làm nghiêm, chưa xử lý cương quyết. Nếu cơ quan chức năng làm nghiêm, xử lý triệt để, vi phạm sẽ giảm đáng kể”.
Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam
End of content
Không có tin nào tiếp theo