Xã hội

Đến lúc phải chấm dứt “bệnh hoành tráng”

"Con gà tức nhau tiếng gáy, thấy tỉnh bên cạnh có nhà văn hóa, sân vận động, bảo tàng to thì tỉnh mình phải xây to hơn, hoành tráng hơn mà không nghĩ sử dụng thế nào".

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội LÊ NHƯ TIẾN nói như vậy sau khi đọc các bài báo Tuổi Trẻ phản ánh về những công trình văn hóa đầu tư ngàn tỉ, trăm tỉ nhưng hoang tàn, bỏ không hoặc cho thuê làm việc khác... (Tuổi Trẻ từ ngày 7 đến 14-7).

Ông Tiến nói: 
 
"Tôi có cảm giác lãnh đạo nhiều địa phương áp đặt các thiết chế văn hóa mà họ tự nghĩ ra cho người dân nên không ít công trình xây xong sử dụng không hiệu quả như nhiều công trình ở Tây nguyên hay nhà biểu diễn đa năng ở Đà Nẵng như Tuổi Trẻ nêu”.
 
"Nhiều người gọi đây là bệnh hoành tráng, dùng tiền ngân sách không xót, thậm chí còn có lợi ích nhóm nào đó trong quá trình xây dựng, dự án càng to thì phần trăm càng lớn" Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến
* Khi lập dự án, xin tiền ngân sách để xây dựng công trình văn hóa nọ, nhà văn hóa kia thì các bản thuyết minh mục đích, ý nghĩa đều rất hay...
 
- Trước hết cần phải khẳng định rằng chủ trương đầu tư cho văn hóa, trong đó có việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể hiện sự quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước ta, điều này đã được thể hiện trong nhiều nghị quyết của Đảng và của Quốc hội.
 
Nhà văn hóa, bảo tàng, rạp chiếu phim, thư viện... là những thiết chế văn hóa quan trọng, cần thiết phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân. Tuy nhiên, như các bạn đề cập, trong thời gian qua xây dựng các nhà văn hóa, trung tâm văn hóa, bảo tàng rõ ràng là có vấn đề.
 
Cá nhân tôi cũng được nghe phản ảnh và chứng kiến ở không ít nơi người ta dùng tiền ngân sách để xây dựng những công trình quá lớn, không chỉ riêng văn hóa mà cả lĩnh vực thể thao, quy mô quá lớn nhưng không lường trước được quy mô, nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân.
 
Đâu phải cứ xây trung tâm văn hóa, xây nhà hát, xây sân vận động to thì người dân, du khách sẽ đến. Văn hóa phải ăn sâu, bén rễ vào từng nhà, từng cộng đồng, không thể ép thiết chế văn hóa đến với cộng đồng mà phải khơi dậy văn hóa tại cộng đồng đó, phù hợp với không gian sinh tồn, tâm lý, truyền thống thì thiết chế đó mới sống được.
 
 Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến - Ảnh: V.Dũng
 
* Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, một dự án có tổng số vốn, quy mô rất lớn, nhưng mỗi năm chỉ vài ba lần đón khách tập trung khi có sự kiện và có tiền ngân sách, các đoàn văn công ở các tỉnh về biểu diễn, rồi sau đó lại rơi vào cảnh trống vắng, ít khách, công trình xuống cấp... Ông suy nghĩ gì về dự án này?
 
- Tôi có vài lần lên thăm dự án này, ban đầu thì cơ quan có trách nhiệm cũng trình bày quy mô, ý tưởng rất hay, là nơi hội tụ văn hóa của các dân tộc nhưng có cảm giác mình đang mang văn hóa ở đâu đó bê về và đặt vào đây.
 
Tôi nghĩ văn hóa phải có cội nguồn, gốc rễ. Như người dân Ê Đê, Gia Rai từ Tây nguyên không thể nào ra đây ở được, đồng bào Khmer Sóc Trăng cũng không thể cư trú tại Đồng Mô (Hà Nội)...
 
Con người, văn hóa tộc người không thể thoát ly cuộc sống của tộc người đó, gắn bó với thiên nhiên, truyền thống, văn hóa, không gian sinh tồn...
 
Và nếu chúng ta xây dựng thiết chế văn hóa mà không có cái hồn cốt bên trong thì chỉ là cái xác nhà, không thu hút được du khách thì những cái xác nhà ấy để lâu sẽ xuống cấp, hư hại, vô hồn.
 
54 dân tộc anh em sống trong các điều kiện tự nhiên, văn hóa, không gian sinh tồn rất khác nhau, thật khó có thể đem tất cả về nén vào một chỗ mà đòi hỏi nó phải tồn tại sống động được.
 
Báo chí, dư luận đã phản ánh về tình trạng của dự án rất đáng để suy nghĩ và tôi tin rằng cơ quan quản lý sẽ rút kinh nghiệm, tìm ra giải pháp phù hợp cho dự án này. Theo tôi, đến nay chúng ta mới đầu tư khoảng 30% tổng số vốn.
 
Lúc đầu đặt ra mục đích, ý nghĩa thì hay nhưng đi vào thực tế thấy chưa phù hợp. Như vậy đây là thời điểm nên tạm thời dừng lại, cơ quan tham mưu cho Chính phủ nên tổ chức hội thảo để phân tích, điều chỉnh quy mô, tầm mức đầu tư và cả hình thức đầu tư nữa.
 
Ví dụ, cái làng văn hóa ấy đặt trong tổng thể quy hoạch du lịch khu vực Đồng Mô như thế nào, nó không thể “sống” một mình được. Ở đó phải có du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, dịch vụ chữa bệnh, các trường nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực...
 
Làng văn hóa muốn “sống” được thì sau khi Nhà nước bỏ tiền ra đầu tư, nó phải tự “nuôi” được bản thân mình bằng thu hút khách, các hoạt động dịch vụ chứ không thể cứ sống mãi bằng bầu sữa ngân sách.
 

 Thiết chế văn hóa phải phù hợp với cộng đồng


Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội LÊ NHƯ TIẾN:


“Hãy nhìn vào những nhà văn hóa rất nhỏ thôi ở khu dân cư, tổ dân phố, thôn, bản... thì sẽ thấy. Chúng tôi có đi khảo sát ở đó trẻ em có tủ sách, người già có nơi chơi cờ, thanh niên có nơi vui chơi giải trí.


Thiết chế văn hóa phù hợp, gắn bó với cộng đồng, do chính người dân thụ hưởng, đóng góp xây dựng, hoàn thiện thiết chế, thiếu gì người ta bổ sung ủng hộ.


Trong khi đó, như báo Tuổi Trẻ nêu, có những công trình đầu tư 90 tỉ, bán 50 tỉ vì xây xong không sử dụng được, thậm chí thiết kế không phù hợp. Tình trạng này xuất hiện đâu đó trong cả nước.


Tôi cũng từng nghe có tỉnh xây bảo tàng nghìn tỉ xong nhưng họ không biết để gì trong đó, hiện vật chỉ chiếm một diện tích rất nhỏ.


Nhiều người gọi đây là “bệnh hoành tráng”, dùng tiền ngân sách không xót, thậm chí còn có lợi ích nhóm nào đó trong quá trình xây dựng, dự án càng to thì phần trăm càng lớn”.

 Bảo tàng Hà Nội hoạt động kém hiệu quả


TP Hà Nội đã kỳ vọng Bảo tàng Hà Nội sẽ là một bảo tàng hoạt động hiện đại và năng động. Vì thế, tổng số vốn được đầu tư cho bảo tàng lên đến hơn 2.910 tỉ đồng, trong đó phần trưng bày chiếm hơn 789 tỉ.


Thế nhưng, trong đợt kiểm tra giám sát giữa năm 2014, Ban văn hóa - xã hội HĐND TP Hà Nội đã đánh giá hoạt động khai thác của bảo tàng trong bốn năm qua là chưa tương xứng với công năng sử dụng và mục tiêu của dự án, gây lãng phí.


Cụ thể, phần trưng bày trong nhà thì sơ sài, nghèo nàn chưa sinh động, thiếu hiện vật độc đáo có giá trị thẩm mỹ, giá trị lịch sử cao để thu hút người xem.


Hiện vật trưng bày chưa cân đối với không gian trưng bày, chưa khai thác hết diện tích của công trình và chưa tạo được nét riêng của thủ đô Hà Nội.


Phần trưng bày ngoài trời vẫn bỏ trống. Thế nên, lượng khách đến tham quan bảo tàng không đông, ít người biết đến bảo tàng.


Ngoài ra, đây cũng là một trong số các đơn vị đi vào hoạt động đã lâu nhưng chưa ban hành và tổ chức thực hiện quy chế quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, chưa xây dựng phương án tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ tài chính.

Tuổi trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo