Đến lúc xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới
Thử hình dung, khách hàng ở Việt Nam có thể nhanh chóng (và dễ dàng) tìm chiếc điện thoại iPhone đảm bảo chất lượng và có giá tốt nhất từ Mỹ, thông qua Google Shopping hay những nhà cung cấp dịch vụ tương tự, đặt và nhận hàng tại Việt Nam. Rõ ràng mô hình này sẽ mang lại lợi ích lớn cho người tiêu dùng, giúp họ chọn đúng và tốt nhất hàng hoá ở cả hai yếu tố chất lượng và giá cả.
Tuy vậy, để đảm bảo giao dịch xuyên biên giới, nhà cung cấp dịch vụ còn phải giải quyết các bài toán lớn khác: thanh toán điện tử và giao nhận xuyên biên giới. Google đã phát triển Google Checkout chấp nhận tất cả các loại thẻ quốc tế. Các trung gian thanh toán điện tử như PayPal cũng mở rộng kết nối với các trung gian thanh toán ngay tại các nước để hình thành một hệ thống thanh toán xuyên biên giới thống nhất; giao nhận xuyên biên giới có những tên tuổi như FedEx, DHL, Geodis Wilson... Vấn đề là các nhà cung cấp dịch vụ sẽ kết hợp ra sao để giải quyết bài toán chi phí đến người tiêu dùng.
Nhìn vào Việt Nam
CyberAgent đầu tư vào mạng bán hàng trực tuyến Tiki.vn Quỹ đầu tư mạo hiểm CyberAgent của Nhật cuối tuần rồi đã công bố đầu tư vào website thương mại điện tử Tiki.vn, là công ty thứ mười của Việt Nam trong mạng lưới đầu tư của quỹ này. CyberAgent đánh giá Tiki ở tiềm năng phát triển thành mạng thương mại điện tử B2C hàng đầu tại Việt Nam nhờ đạt mức tăng trưởng tốt kể từ khi thành lập. Tiki.vn ra đời năm 2010, website này ban đầu chuyên bán sách tiếng Anh trực tuyến, sau đó mở rộng sang sách tiếng Việt, thiết bị đọc sách Kindle, iPad, quà tặng và gần đây thử nghiệm các sản phẩm thời trang dành cho giới trẻ. Như vậy, trong vòng gần tháng qua CyberAgent đã công bố đầu tư vào ba công ty sau khi đã đầu tư vào bảy công ty khác gồm VNG, Vật Giá, Baokim, VGame, VMG, CleverAds và Di Động Xanh. Mục tiêu của CyberAgent là giải ngân quỹ 50 triệu đôla Mỹ đến năm 2013 với mức đầu tư ban đầu từ 200.000 đến 1 triệu đôla Mỹ cho mỗi dự án. |
Tại Việt Nam đã có thử nghiệm mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới. Mô hình chính thống cả về nguồn hàng và thanh toán như ChoDienTu với eBay và PayPal.
Ở đó, nguồn hàng từ eBay.com được đồng bộ hoá tại eBay.vn và niêm yết bằng VND. Nhà cung cấp dịch vụ sẽ đảm bảo việc thanh toán và giao nhận xuyên biên giới cho người tiêu dùng tại Việt Nam.
Đây là bước khởi đầu để Việt Nam tham gia thị trường giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới, tuy vậy kênh thương mại này vẫn đang chỉ một chiều: người Việt Nam có thể mua hàng từ Mỹ, nhưng người Mỹ chưa dễ mua hàng từ Việt Nam.
Một mô hình khác là đặt hàng – mua hộ tại các trang web như muahangmy, aloola, hangnhat… Các công ty nhận tiền đặt cọc, sau đó mua hộ hàng tại các nước khác và gởi đến người mua.
Phần lớn hàng hoá mua theo mô hình này được vận chuyển theo dạng xách tay, giá cả mềm hơn nhưng không thể thường xuyên và cũng khó đảm bảo chất lượng như hàng hoá mua trực tiếp từ nhà cung cấp.
Yếu tố chính của thương mại điện tử xuyên biên giới là cung cấp đủ thông tin để người tiêu dùng có thể chọn lựa được nguồn hàng từ khắp nơi trên thế giới, thay vì bị giới hạn địa phương.
Bên cạnh đó, thương mại điện tử xuyên biên giới còn chú trọng đến việc đảm bảo giao dịch end-to-end (từ nguồn đến đích) để đảm bảo quá trình giao dịch diễn ra đơn giản, xuyên suốt mà người tiêu dùng không cần phải biết đến những chi tiết như giao nhận, thuế quan hay bảo hiểm hàng hoá…
Sau ba năm phát triển, mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn. Dù nhu cầu lớn nhưng nếu thiếu hạ tầng hoàn chỉnh về thanh toán điện tử, hệ thống giao nhận cũng như cam kết chất lượng từ các nhà cung cấp thì người tiêu dùng chưa thể an tâm.
Ngoài ra, việc chấp nhận thanh toán điện tử qua tài khoản ATM hay thẻ tín dụng chưa phát triển mạnh tại Việt Nam, đang là khó khăn lớn cho nền thương mại điện tử Việt Nam nói chung.
Bài toán của doanh nghiệp Việt
Tại hội thảo Xúc tiến thương mại điện tử Việt – Nhật cuối năm 2011, nhiều nhà đầu tư Nhật mong muốn phối hợp với các đối tác Việt Nam xây dựng hệ thống thương mại điện tử xuyên biên giới. Họ nhận định đây là xu thế tất yếu và mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng khi doanh nghiệp Nhật có thể bán hàng trực tiếp đến người dùng Việt Nam mà không vấp phải các rào cản giao thương truyền thống.
Nhà cung cấp cam kết đảm bảo chất lượng sản phẩm (vì được bán trực tiếp) và mức giá tốt nhờ cắt giảm các chi phí trung gian. Nhà cung cấp thay vì đầu tư tốn kém vào các kênh phân phối truyền thống tại thị trường họ tham gia (ví dụ doanh nghiệp Nhật đầu tư vào hệ thống phân phối Việt Nam), có thể giảm giá bán và chia sẻ thêm lợi nhuận cho nhà cung cấp hạ tầng thương mại điện tử xuyên biên giới.
Nhu cầu và sự chuẩn bị của các nhà cung cấp nước ngoài vào Việt Nam cũng là cơ hội cho thương mại điện tử xuyên biên giới trong nước phát triển. Bài toán khó hiện vẫn là chi phí đầu tư lớn cho hạ tầng thương mại điện tử xuyên biên giới mà không đơn giản một vài công ty là có thể đứng ra xây dựng.
Điều này còn đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ giữa bốn nhà: nhà cung cấp nước ngoài; nhà phân phối thương mại điện tử trong nước; nhà cung cấp giải pháp giao nhận; và giải pháp thanh toán điện tử. Cho đến nay, Việt Nam vẫn còn thiếu một đầu tàu thương mại điện tử đủ mạnh để liên kết các thành tố này và chuẩn hoá được mô hình.
Sau cùng, cần môi trường thương mại điện tử song phương để người tiêu dùng các nước có thể mua hàng Việt Nam. Mô hình này đã được áp dụng thành công trên thế giới như eBay – NetPrice (thương mại điện tử song phương Mỹ – Nhật); Alibaba – NetPrice (thương mại điện tử song phương Trung – Nhật)…
Theo SGTT
End of content
Không có tin nào tiếp theo