Đến năm 2015 các chiến lược tái cấu trúc TTCK phải làm cho xong
Ông Trần Đắc Sinh, Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh nói rằng, dù khó khăn chồng chéo, nhưng bằng mọi giá, sau 3 năm nữa phải có một thị trường lành mạnh, cơ sở hạ tầng đầy đủ để phục vụ nhà đầu tư và để liên kết với các nước trong khu vực.
Chúng ta đã làm gì để hoàn chỉnh, ổn định thị trường như ông nói?
Ông Trần Đắc Sinh: Năm rồi, Bộ Tài chính, UBCKNN, với sự góp ý của hai Sở giao dịch TP.HCM và Hà Nội, của các công ty chứng khoán và nhà đầu tư…, cũng đã ban hành nhiều văn bản, giúp được thị trường tốt hơn, minh bạch hơn và như vậy đã hạn chế được nhiều về việc kẻ xấu lợi dụng khe hở của thị trường.
Thời gian qua cơ quan quản lý cũng đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ thị trường. Từ đồ án tái cấu trúc TTCK cho đến những vấn đề cụ thể, như kéo dài thời gian giao dịch, đưa lệnh MP vào thị trường, rút ngắn thời gian thanh toán… đã hỗ trợ cho thị trường tạo ra một kết quả tương đối tốt trong bối cảnh nền kinh tế suy kiệt, DN suy kiệt, thị trường suy kiệt…
Tuy nhiên qua đây ta cũng thấy rõ: DN nào thực sự tốt thì nhà đầu tư không chê. Chỉ có cổ phiếu xấu, DN không tốt mới bị chê. Hiện bức tranh thị trường đang phản ánh như thế.
Hiện chúng tôi đang tập trung làm sao kích thích cho được thị trường. Thị trường có 2 loại, sơ cấp và thứ cấp. Thị trường sơ cấp là phát hành, huy động vốn; thị trường thứ cấp là tạo ra thanh khoản.
Tạo ra thị trường thanh khoản tốt thì sẽ có thị trường sơ cấp phát hành tốt. Hiện chúng tôi đang nghiên cứu để năm 2013 đưa ra các sản phẩm làm cho thị trường thứ cấp thanh khoản tốt hơn, nhộn nhịp hơn. Trên cơ sở đó thì hoạt động IPO, cổ phần hóa mới tốt hơn được, mới có người mua người bán. Khi đó giá cổ phiếu mới tốt lên, người ta mới thấy kỳ vọng vào các loại cổ phiếu khi DN huy động vốn bằng cách phát hành.
Về công ty niêm yết thì theo sửa đổi, tới đây sẽ nâng lên một chuẩn mực mới, cao hơn. Cụ thể là vốn điều lệ phải đạt 120 tỷ đồng, các điều kiện về lợi nhuận, về tính đại chúng phải cao hơn, chất lượng công bố thông tin phải tốt hơn.
Cần phải xác định TTCK là một quá trình xây dựng lâu dài. Thời điểm đầu mới lập thị trường, chúng ta yêu cầu tiêu chí khá nhẹ để DN có cơ hội tiếp cận thị trường, nhưng đến lúc này các chuẩn mực phải được nâng cao, để có được thị trường chất lượng, lớn mạnh.
Vì sao chúng ta phải làm vậy? Một, là hàng hóa vào siêu thị bậc cao thì phải có chất lượng tốt, phải là hàng hiệu. Hai là, ta chuẩn bị kết nối với thị trường các nước ASEAN. Ta vừa nhỏ bé, lại vừa chuẩn mực đang thấp, thì phải đưa dần chuẩn mực lên để kết nối với ASEAN. Các nước như Singapore, Malaysia, Thái Lan… họ đã được trước mình xa lắm. Ta phải ngang tầm với họ về tiêu chuẩn, kỹ thuật… thì mới kết nối với họ được.
Bên cạnh Bộ Tài chính chỉ đạo hiện đại hệ thống công nghệ để ngang tầm các thị trường khác trong khu vực, và UBCK rất quyết liệt để thực hiện. Hy vọng có cơ sở hạ tầng tốt để phục vụ cho nhà đầu tư tốt, có một TTCK hiện đại thì sẽ thu hút được nguồn lực trong nhân dân và các nguồn lực ở nước ngoài.
Cần thời gian bao lâu để căn bản hoàn thành những việc sắp xếp lại thị trường, thưa ông?
Ông Trần Đắc Sinh: Đến năm 2015 các chiến lược tái cấu trúc TTCK phải làm cho xong.
Phải ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để ngăn chặn những kẽ hở, ngóc ngách của TTCK. Vì đây là chợ, chợ thì trăm người bán, vạn người mua, nên cũng có ma mãnh, cũng đủ thứ chuyện cả. Vấn đề là chúng ta phải xây dựng một khung pháp lý đủ mạnh, đủ để răn đe, đồng thời phải chặt chẽ, chi tiết. Như vậy mới đem lại lòng tin cho thị trường.
Vừa rồi trong chừng mực nào đó rõ ràng ta cũng đã làm giảm đi niềm tin. Những CTCK lừa đảo lấy tiền của nhà đầu tư, công ty niêm yết không công bố thông tin, kiểm toán sai lệch…Những vấn đề đó phải được chỉnh sửa.
Nhưng TTCK có phát triển và mạnh mẽ, bền vững hay không, thì ngoài những nỗ lực trong quản lý, kỹ thuật…, còn phụ thuộc vào yếu tố rất căn bản là nền kinh tế. Cơ sở nào để ta có niềm tin là đến 2015 tình hình kinh tế sẽ khá lên, để TTCK cũng khá lên song hành?
Ông Trần Đắc Sinh: Tôi không phải là người dự báo kinh tế vĩ mô, nhưng được chia sẻ lại tôi vẫn tin với quyết tâm và cách làm của Đảng và Chính phủ, hy vọng trong vài ba năm tới nền kinh tế tăng trưởng và đi lên trở lại. Khi nó tăng trưởng đi lên thì thị trường vốn, TTCK cũng theo đó mà phát triển. Đương nhiên trong rổ hàng trăm, lúc đó lên đến cả ngàn công ty niêm yết, không phải DN nào cũng đi lên cả. Mà vẫn có lĩnh vực khó khăn.
Ví dụ vận tải tàu biển còn liên quan đến xuất nhập khẩu, đến phát triển kinh tế của toàn thế giới. Hoặc địa ốc, phải có cải thiện dân sinh, phải nâng cao thu nhập bình quân đầu người, thì người dân mới có tiền mua nhà. Hiện giá nhà như thế này không ai mua cả, mua rất ít, dẫn đến địa ốc trầm lắng, nợ xấu khủng.
Tuy nhiên nhìn tổng thể nền kinh tế sẽ phát triển, đi lên, và TTCK cũng sẽ lấy lại được vị trí của mình.
Thị trường lao dốc và ế ẩm, CTCK thất thu, thì cán bộ nhân viên của Sở có bị giảm lương, giảm thu nhập, giảm nhân công không?
Ông Trần Đắc Sinh: Có hết, có luôn! Ví dụ như doanh thu 5.000 tỷ đồng, CTCK thu phí được nhiều thì ta thu được nhiều. Vậy nên khi chỉ còn mấy trăm tỷ đồng giao dịch thôi thì thu ít đi. Hiện các CTCK còn phải cố giữ khách hàng bằng cách giảm mức thu phí giao dịch xuống còn 0.15 đến 0,2 %, tức giảm gấp chục lần trước đây. Nói chung các khoản chi tiêu đều tiết kiệm hết mức. Sở không tổ chức các cuộc chiêu đãi như trước đây nữa. Thu nhập của nhân viên Sở đương nhiên phải giảm. Thưởng tết mọi năm thì được 2 tháng lương, nay có thể chỉ một tháng lương thứ 13 thôi. Và lương cũng giảm. Không thu được phí thì tiền đâu chi trả lương cao?
Xin cảm ơn ông !
Nhật Minh (Theo Infonet)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo