Xã hội

Đến nôi sinh ra cá chép đỏ Thủy Trầm

Làng Thủy Trầm, thôn Thủy Trầm, xã Tuy Lộc, là trung tâm của làng nghề cá chép đỏ. Khắp cánh đồng là các ao cá chia thành từng ô san sát. Vào Thủy Trầm những ngày giáp ông Công ông Táo là lúc sôi động nhất khi cả làng thu hoạch cá để kịp đưa đi khắp nơi trên cả nước

Ngôi nhà khang trang của anh Tiếp phần lớn là nhờ tiền nuôi cá mà có

 

Xây biệt thự nhờ cá chép đỏ

 

Ở Khu 3 của thôn, cảnh tượng đầu tiên thấy được là trên mỗi ao có ba – bốn người đang kéo lưới. Những mẻ lưới liên tiếp được kéo lên, bên trong  hàng trăm chú cá chép màu đỏ rực, to chừng ba ngón tay nhảy loạn xạ.

 

Tiếng máy bơm nổ cùng tiếng nói cười ồn ĩ vang cả vùng đồng quê trung du này.

 

Ngay đầu làng, một ngôi nhà mang dáng dấp biệt thự vươn lên giữa ruộng đồng dễ gây chú ý  với khách phương xa lần đầu đến đây. Chủ nhân của nó là một nông dân chính hiệu và còn khá trẻ- Trần Văn Tiếp, 32 tuổi.

 

Tiếp cũng là một trong những chủ cơ sở nuôi và buôn cá chép đỏ trong làng.

 

Ngôi nhà ba tầng khang trang, tọa lạc ngay đầu làng được anh xây dựng từ năm ngoái ngay cạnh ao của nhà. Học hết lớp 6, anh Tiếp theo nghiệp gia đình, gây dựng sự nghiệp cũng từ con cá.

 

Hiện giờ, anh Tiếp sở hữu 5 sào ao nuôi cá chép đỏ, với 6 bể cá xây sát nhau thành hàng ngang dùng để “ép” cá  đói. Anh Tiếp bảo làm thế để khi việc vận chuyển cá  không bị chết. 

Không khí hối hả thu hoạch cá những ngày gần 23 tháng Chạp

 

Nuôi cả năm, bán một ngày

 

Các “kỹ sư” ở Thủy Trầm cho biết, thời điểm nuôi cá chép đỏ cho ngày ông Công ông Táo thường bắt đầu từ giữa năm, tầm tháng 5, tháng 6. Mỗi năm cũng chỉ thu hoạch một vụ.

 

Cá chép đỏ có vẻ không khó nuôi lắm, các ao nuôi cá nước cứ đục ngầu, đặc trưng ô nhiễm của hầu hết các làng quê Việt Nam bây giờ. Tuy nhiên cả làng Thủy Trầm vẫn dùng để nuôi mà cá vẫn sống khỏe.

 

Giá bán buôn cá chép đỏ tại ao khoảng 100 nghìn đồng/kg, mỗi cân khoảng 30-50 con. Với 5 sào ao, mỗi năm anh Tiếp thu hoạch được khoảng 2 tấn cá. “  Mình thu được khoảng 200 triệu vụ này, trừ các khoản cũng lãi  dăm chục  triệu”, anh Tiếp nói.

 

Đứng ở góc bể với hàng nghìn con cá chép đang đợi đưa đi khắp cả nước, anh Tiếp chỉ ngôi nhà khang trang bảo phần lớn là nhờ tiền nuôi cá mà có

 

Ở Thủy Trầm,  nhà nuôi ít khoảng 20-30kg cá thì gần đến ngày 23 tháng Chạp, họ sẽ tự mang đi khắp nơi để bán lẻ, doanh thu còn cao nữa.

 

Nghề nuôi cá chép đỏ ở đây được gọi là "nuôi cả năm, bán một ngày", anh Sĩ một hộ nuôi cá khác bảo.

 

Nhà anh Tiếp có truyền thống nuôi cá lâu đời nhất làng. “ Ngày xưa, lúc nhỏ xíu đi theo bố lấy cá từ Hà Nội về nuôi”, anh Tiếp kể, nhà anh nuôi cá từ thời đó. Sau này mọi người trong làng mới nuôi theo.

Anh Tiếp khoe thành quả năm nay của mình

 

 Cá chép đỏ hậu sinh từ ao cá Bác Hồ?

 

Ông Trần Văn Sáu, bố anh Tiếp là người đưa cá chép đỏ về nuôi đầu tiên. “Nghề nuôi cá ở làng cũng ngót 30 năm nay”, ông Trần Văn Sáu nhớ lại ngày ông đi tìm cá đem về làng gây giống. Ngày đó, ông Sáu cất công đi khắp nơi xin được con cá màu đỏ về nuôi vì thấy đẹp.

 

Ông kể rằng, trước đây Bác Hồ sang Nhật Bản được tặng hai con cá chép đỏ gọi là cá Côi và thả vào ao cá Bác Hồ bây giờ. Lâu dần, một số con bị bạc màu nên bị thải loại ra ngoài.

 

Ngồi trên chiếc giường gỗ trong chòi cá, khuôn mặt gầy gò, hằn vệt thời gian ông nhớ lại, “Khi đó là năm 1986, tôi về trại Trôi để mua cá chuối, cá trôi chứ không có ý định mua cá đỏ".

 

Thấy cá đẹp nên sợ bán đắt, mãi đến ngày thứ 4 mới liều hỏi xin”. Vậy mà người ta vui vẻ cho thật. Họ lấy lưới bắt cá lên, ông Sáu “nhúp bốn con mang về”. Thế nhưng trên đường về bị chết một con. 

 

Đem ba con cá còn lại về nuôi oái oăm lại là ba con đực. Ông Sáu thả chung vào ao cá chép trắng, dần dần quá trình thụ tinh với cá chép trắng cho ra những con có màu loang lổ.

 

Ông Sáu chọn ra những con đỏ nhất thả vào ao riêng. Kiên nhẫn lại tạo cũng mất dăm năm mới ra được con cá có màu đỏ thuần như bây giờ.

 

Chưa ai phong ông là ông tổ của làng nghề cá chép đỏ mà đi trên đê sông Hồng đoạn chảy qua huyện Cẩm Khê, Phú Thọ, ai cũng thấy tấm biển to vuông vắn ngay cổng làng với hàng chữ “Làng nghề sản xuất cá chép đỏ Thủy Trầm”.

 

Nhưng gặp dăm người từ trai làng đến cụ già đều chỉ ông lão 75 tuổi này là người có công đầu trong việc nhân nuôi, phát triển cá chép đỏ ra cả vùng quê này.  

 

Ông Sáu kể buổi đầu đem bán cá, người  mua khen đẹp. Em vợ ông ngày đó mang cá lên Hà Giang bán “năm đó thấy có lãi”. Sau này con, cháu, anh, em thi nhau nuôi. Sau 5 năm, mọi người mới ồ ạt nuôi.

 

Tự phát thành làng nghề

 

Phong trào nuôi cá chép đỏ ở Thủy Trầm có lẽ mới thực sự bùng nổ khoảng mươi năm nay, khi dân ta chọn làm “phương tiện” để tiễn cụ Táo về trời

 

Khi đã về già, ông Sáu vẫn nuôi một sào ao, “bán ra cũng được chục triệu”, ông Sáu cho biết.

 

Đến giờ, con cá đỏ của làng Thủy Trầm đi khắp mọi miền từ Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Lạng Sơn, vào đến tận Đà Nẵng. 

 

“Ngay như năm ngoái, dịp giỗ tổ Hùng Vương, Ban quản lý Đền Hùng cũng về lấy ba tạ cá chép đỏ”, ông Nguyễn Công Trạch, một trong người nuôi cá của làng khoe.  

 

Toàn bộ thôn Thủy Trầm, hầu hết đất ruộng đều chuyển sang ao nuôi cá đỏ. Mắt lim dim sau gọng kính lão, ông Trạch điểm lại, cho đến nay, có khoảng 180 hộ đang sống dựa vào con cá chép đỏ. Tính riêng vụ năm nay, toàn xã cũng được khoảng 50 tấn.  

 

Xưa kia, trong xã có bốn thôn thì thôn Thủy Trầm nghèo nhất. Ấy vậy từ khi có cá chép đỏ “ làm cho tất cả thay đổi, giờ thôn Thủy Trầm kinh tế mạnh nhất trong xã”, ông Trạch cười.  

 

Cá chép đỏ làm thay đổi hẳn bộ mặt vùng quê nghèo, xã có hẳn tấm biển với vẻ vinh dự gọi là làng nghề để muôn nơi biết đến. Tiếc là nếu đúng như dân nói, vinh dự đấy vẫn chưa vào thực tế bằng các hoạt động hỗ trợ cụ thể của chính quyền địa phương

 

Hồng Trang
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo