Pháp luật

Dẹp nạn in lậu

Hiện nay, cả nước vẫn còn khoảng 1.100 cơ sở in chưa được quản lý một cách toàn diện và đầy đủ bằng các quy định pháp luật chuyên ngành in vì không thuộc diện phải có giấy phép hoạt động in. Tuy nhiên những cơ sở này đều có khả năng in được xuất bản phẩm.

Và đây chính là những đầu mối để tiếp tay cho hoạt động in lậu sách, gây thiệt hại về kinh tế cho các nhà xuất bản làm ăn chân chính, xâm hại quyền tác giả, cũng như ảnh hưởng tới quyền lợi của người tiêu dùng khi mua phải sách kém chất lượng.

 

"Khoảng trống" pháp lý cần lấp đầy

 

Trao đổi với phóng viên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Một trong những nguyên nhân của thực trạng trên là do pháp luật về xuất bản nói chung, cũng như pháp luật về hoạt động in, phát hành còn thiếu chặt chẽ và chưa được quy định thống nhất trong Luật Xuất bản hiện hành. 

 

Do vậy, vấn đề này đã được sửa đổi, bổ sung thống nhất trong dự thảo Luật Xuất bản, In, Phát hành (sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ ba năm 2012.

 

Trước hết, đối với hoạt động in, đây là lĩnh vực có vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa xã hội, là một trong ba khâu của hoạt động xuất bản (gồm xuất bản, in, phát hành) đã được xác định trong Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

 

Tuy nhiên, về hành lang pháp lý đối với hoạt động in, trong thời gian qua vẫn còn một số “khoảng trống” cần sớm được bổ sung, hoàn thiện. Cụ thể, hiện nay cả nước có khoảng trên 1.500 cơ sở in công nghiệp, nhưng mới chỉ có khoảng 400 cơ sở in thuộc diện phải có giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm theo quy định của Luật Xuất bản hiện hành.

 

Còn hơn 1.100 cơ sở hoạt động in các sản phẩm khác chịu sự điều chỉnh của Nghị định số 105/2007/NĐ-CP ngày 21/6/2007 của Chính phủ thì chỉ thực hiện việc đăng ký kinh doanh, được chứng nhận về an ninh - trật tự là có thể hoạt động. Và gần như các cơ sở in này đứng ngoài pháp luật chuyên ngành in, không chịu sự quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động in.

 

Ông Hòa bày tỏ lo ngại, trong số 1.100 cơ sở in không bị quản lý hoạt động chuyên ngành in thì hầu hết các cơ sở này đều có khả năng in được xuất bản phẩm. Đây chính là những đầu mối để tiếp tay cho hoạt động in lậu sách đã trở thành vấn nạn trong thời gian qua mà cơ quan quản lý nhà nước không nắm được, khó quản lý.

 

In lậu đã gây thiệt hại về kinh tế rất lớn cho các nhà xuất bản làm ăn chân chính, đúng pháp luật, cũng như xâm hại nghiêm trọng quyền tác giả, ảnh hưởng tới quyền lợi của người tiêu dùng khi mua phải sách kém chất lượng.

 

Hơn nữa, trước nguy cơ cao về an ninh trật tự xã hội, các cơ sở in không được cấp phép hoạt động chuyên ngành còn là nơi dung túng, tiếp tay cho việc sản xuất bao bì, nhãn mác hàng hóa giả, in lậu các văn bằng, chứng chỉ, “sổ đỏ”, các giấy tờ có giá, hóa đơn tài chính… thậm chí gây hại đến quyền lợi của người tiêu dùng như in bao bì dược phẩm giả. Đây chính là khe hở pháp lý để cho nạn in lậu, in trái phép tồn tại và không loại trừ có cả việc in lậu, in trái phép xuất bản phẩm. 

 

 

Cần thống nhất khung pháp lý với các cơ sở in

 

Từ thực trạng trên, ông Hòa cho rằng, để khắc phục những tồn tại này, đòi hỏi phải quy định một cách thống nhất về khung pháp lý, điều chỉnh đồng bộ đối với các loại cơ sở in bằng các điều kiện cụ thể về thành lập và hoạt động in, về điều kiện nhận và đặt in sản phẩm.

 

Đồng thời, pháp luật phải quy định về cấp giấy phép hoạt động in, giao chức năng thanh tra, kiểm tra chuyên ngành cho cơ quan quản lý và nâng mức xử phạt hành chính để tăng sức răn đe, thậm chí tăng nặng chế tài xử lý đối với các hành vi xuất bản, in, phát hành trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng", ông Hòa nêu ý kiến.

 

Ông Hòa cho biết thêm, theo dự thảo Luật Xuất bản, In, Phát hành đang trong quá trình hoàn thiện trình Quốc hội khóa XIII, đã có quy định cho phép tổ chức, cá nhân được thành lập doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật để hoạt động in khi đáp ứng đủ các điều kiện cụ thể và phải có giấy phép hoạt động in.

 

Trong đó, chủ sở hữu cơ sở in phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có văn bằng hoặc chứng chỉ nghiệp vụ về in do cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành in cấp. Đồng thời, việc thành lập và hoạt động của cơ sở in phải phù hợp với quy hoạch phát triển ngành xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm toàn quốc,…

 

Các cơ sở in phải lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động in gửi đến cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản, in, phát hành. Việc cấp giấy phép được thực hiện trong thời hạn 7 ngày làm việc, giấy phép hoạt động in có thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp,…Ông Hòa cho rằng, đây chính là điểm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở in.

 

Dự thảo còn có những quy định cụ thể, đối với từng trường hợp cơ sở in nhận in các loại sản phẩm như: quy định về in xuất bản phẩm, in tài liệu không kinh doanh, in ấn phẩm báo chí, tem chống giả, chứng minh thư, hộ chiếu, văn bằng, chứng chỉ, bao bì hàng hóa, nhãn hàng hóa, in tiền, giấy tờ có giá…  Ví dụ: Cơ sở in chỉ được phép nhận in tem chống giả khi có văn bản ban hành tem và mẫu tem của tổ chức, cá nhân đặt in.

 

Bên cạnh những chính sách tạo điều kiện phát triển hoạt động in xuất bản phẩm, dự thảo còn đề xuất những quy định về xử lý những vi phạm trong hoạt động in. Cụ thể: Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động in có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động in sẽ bị phạt tiền, bị đình chỉ in sản phẩm đang in, bị đình chỉ hoặc cấm hoạt động in, bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.

 

Trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Nếu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động in thì bị xử lý theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Nếu hành vi vi phạm có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật về hình sự.

 

Với những nội dung đã được sửa đổi, bổ sung trên, ông Hòa nhận định: sau khi Luật Xuất bản, In, Phát hành được Quốc hội thông qua, sẽ tạo lập hành lang pháp lý thống nhất, để vừa hạn chế được nạn in lậu, in giả vừa góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động in nói riêng và hiệu quả của hoạt động của toàn ngành Xuất bản, In, Phát hành. 

 

Theo Chinhphu

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo