Thị trường

Dệt may Việt Nam: Châu Phi vẫn là thị trường tiềm năng

Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công thương) dự báo mức kim ngạch này cho năm 2013, tăng trưởng 20%

Theo dự báo của IMF, năm 2013, châu Phi sẽ duy trì được mức tăng trưởng ít nhất là 5%, thậm chí tăng lên 6% nhờ giá dầu thô vẫn giữ ở mức cao và một phần do tiêu dùng trong nước tăng. Trong số 20 nước trên thế giới dự báo có mức tăng trưởng cao nhất giai đoạn 2013-2017 thì châu Phi có tới 13 đại diện (Lybia, Guinea, Nam Sudan, Rwanda, Gambia, Cote d’Ivoire, Ghana, Zambia, Mozambique, Cộng hòa Congo, Tanzania, Kenya và Ethiopia), trong đó phần lớn là các quốc gia có tiềm năng dầu lửa. Nền kinh tế của châu Phi sẽ ngày càng phát triển dựa trên nội lực và bớt phụ thuộc vào kinh tế châu Âu. Tình hình chính trị đang ổn định trở lại và môi trường kinh doanh được cải thiện.

 Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, năm 2011, số dân đô thị của châu Phi là 414 triệu người, chiếm gần một nửa dân số của cả khu vực. Dự báo đến năm 2050, số dân đô thị châu Phi sẽ lên tới 1,2 tỷ người trong đó Nigieria chiếm 200 triệu. Năm 2012, có 65 triệu người châu Phi có mức thu nhập trên 3000 USD/năm và con số này sẽ tăng lên 100 triệu người vào năm 2015. Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước và nhập khẩu.
 
Về ngoại thương, theo số liệu mới nhất của WTO, năm 2011, tổng kim ngạch xuất khẩu của châu Phi ra thế giới đạt 594 tỷ USD, tăng 17% so với năm 2010, bằng 3,3% kim ngạch xuất khẩu của thế giới, trong đó châu Á là đối tác lớn thứ hai, chiếm 146 tỷ USD (24,5%). Về nhập khẩu, năm 2011, kim ngạch đạt 538 tỷ USD, tăng 19% so với 2010, bằng 3,1% tổng giá trị nhập khẩu của thế giới, trong đó nhập khẩu từ châu Á đạt 152 tỷ USD (28,3%).
 
Tỷ trọng của châu Phi trong trao đổi thương mại với thế giới vẫn còn thấp, khoảng 3,2% năm 2011 tuy nhiên quan hệ thương mại với các nước châu Á đang ngày càng phát triển. Các nước xuất khẩu lớn nhất ở châu Phi gồm có Nigeria, Nam Phi, Algieria với kim ngạch trung bình từ 75 tỷ USD trở lên. Các nước nhập khẩu quan trọng nhất là Nam Phi, Ai Cập và Nigeria với kim ngạch từ 55 tỷ USD trở lên. Đây cũng là những thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam tại châu Phi trong những năm qua.
 
Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang những thị trường này đều có sự tăng trưởng mạnh, trung bình trên 20%/năm do nhu cầu tiêu dùng tăng và sản xuất hàng hoá trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Ngoài ra, Bờ Biển Ngà, Ghana, Angola, Senegal, Mozambique, Maroc, Cameroon, CH Guinea, Kenya, Tanzania, Ethiopia, v.v... cũng là những thị trường xuất khẩu đầy triển vọng cho hàng hoá của Việt Nam, nhất là đối với mặt hàng gạo, cà phê, hạt tiêu, điện thoại di động, dệt may, giày dép, máy vi tính, thuỷ sản, v.v...
 
Ước tính tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Châu Phi năm 2012 đạt 2,6 tỷ USD, giảm 26% so với năm 2011. Nếu không tính mặt hàng đá quý và kim loại quý (do Nhà nước không khuyến khích xuất khẩu mặt hàng này) thì kim ngạch xuất khẩu sang châu Phi năm 2012 vẫn tăng 21% so với năm 2011 và nhập khẩu giảm 10%.
 
8 thị trường lớn có mức tăng trưởng xuất khẩu là Ai Cập, Algieria, Ghana, Nigeria, Bờ Biển Ngà, Angola, Mozambique và Maroc. Hai thị trường có kim ngạch xuất khẩu sụt giảm là Nam Phi và Senegal, do giảm xuất khẩu mặt hàng vàng bạc đá quý (Nam Phi) và gạo (Senegal).
 
10 thị trường nói trên chiếm tới 82% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang toàn khu vực châu Phi 55 nước. Các mặt hàng xuất khẩu chính sang thị trường khu vực này vẫn là gạo, cà phê, hạt tiêu, thủy sản, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại, phương tiện vận tải và phụ tùng, máy móc thiết bị, sản phẩm dệt may và giày dép.
 
Với những thuận lợi của thị trường châu Phi trong năm 2012, dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang châu Phi năm 2013 sẽ đạt khoảng 3,12 tỷ USD, mức tăng trưởng 20%. Về nhập khẩu, kim ngạch ước đạt 1,3 tỷ USD, tăng khoảng 30%./.
 
 
Nhật Minh (Theo VOV Online)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo