Tài chính - ngân hàng

Đi mua hay đi ngắm hàng?

Có lẽ giá hàng hóa chỉ tăng mà không giảm nên trong bốn ngày nghỉ lễ, hình ảnh những bà nội trợ vào siêu thị đắn đo với từng món hàng không phải chuyện lạ lùng.

Khách hàng chọn mua hàng tại một siêu thị ở TP.HCM chiều 4-1

Bốn ngày nghỉ lễ, chị Nguyễn Thị Nga (nhân viên văn phòng, phường Tân Hưng Thuận, Q.12, TP.HCM) và gia đình không đi đâu. 

 
Cầm một ít tiền thưởng vào siêu thị, chị Nga bảo: “Quay đi ngoảnh lại cũng ngót hơn phân nửa rồi, xót quá nhưng chẳng mua được món gì nhiều”.
 
Năm nay, công ty chỗ chị làm thưởng Tết dương lịch được 1 triệu đồng, đến siêu thị chị nhìn quanh thứ gì cũng thấy nhà mình thiếu, từ thức ăn, đồ vệ sinh nhà cửa, đồ dùng cá nhân cho chồng, con trai... Tuy nhiên, nhắm thấy không đủ, chị chỉ lựa mua vài món ăn cho ngày lễ.
 
“Em nhìn xem, một con gà, một hộp sữa cho thằng con, rau củ nấu nướng, một ít trái cây là bay mất hơn 500.000 đồng rồi” - chỉ vào giỏ hàng mua sắm ngày lễ, chị Nga nói.
 
Rồi chị kể tiếp vài năm trước cầm 1 triệu đồng vào siêu thị là thấy rủng rỉnh, mua món gì, thứ gì không phải suy nghĩ quá nhiều. Nhưng bây giờ, cầm gấp đôi số ấy đi mua, cầm thứ gì trên tay cũng phải đắn đo, tính toán suy nghĩ, nhấc lên đặt xuống chán chê mới quyết định mua hay không.
 
Không chỉ siêu thị, hằng ngày đều đều chị Nga ra chợ sớm sắm bữa ăn cho gia đình trước khi đi làm, thế nhưng vừa qua dù giá xăng đã giảm rất mạnh nhưng hàng hóa ở chợ chưa có mặt hàng nào giảm giá.
 
Chị Nga dẫn chứng một bó rau muống mấy năm trước chỉ vài ngàn cho cả nhà ăn, bây giờ gần 10.000 đồng/kg rau muống cũng cho từng ấy người ăn.
 
Tính đến thời điểm này, bản thân các siêu thị cũng nói rằng việc giảm giá hàng hóa chỉ diễn ra ở một số rất ít nhóm hàng chứ không phải trên diện rộng, doanh nghiệp vẫn đưa ra hàng loạt lý do khiến họ chưa thể giảm giá hàng hóa. Còn ngoài chợ, gần như mọi thứ vẫn trơ trơ, không có gì lay chuyển.
 
Không riêng chị Nga, bước chân ra chợ hay vào siêu thị, rất nhiều bà nội trợ đều than thở: phải chi giá hàng hóa giảm, ít nhiều gì cũng kích thích bà nội trợ đi mua sắm nhiều hơn, khi đó không chỉ người mua mà người bán cũng vui vì hàng bán được nhiều hơn.
 
“Mỗi thứ giảm chút chút sẽ làm cho gánh nặng mua sắm của người dân bớt đi, giỏ hàng đầy lên chứ không phải dè dặt, so đo như bây giờ” - một bà nội trợ nói.
 
Có lẽ chính vì giá hàng hóa chỉ tăng mà không giảm nên trong bốn ngày nghỉ lễ, đặt chân vào nhiều siêu thị, hình ảnh những bà nội trợ đắn đo với từng món hàng không phải chuyện lạ lùng.
 
Hình ảnh người công nhân, sinh viên, bà nội trợ gạt đi những món hàng ít cần thiết hơn vì ví tiền không đủ chỗ cho cả xe hàng xuất hiện ngày một nhiều tại các điểm mua sắm. Và không ít người bước chân vào siêu thị chỉ để... ngắm, ngó nghiêng, thay vì mua sắm như người ta vẫn nghĩ vào mỗi dịp lễ, tết.
Theo TT
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo