Nhiệm vụ tài chính-ngân sách nhà nước những tháng cuối năm 2014 đặt mục tiêu vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2014 khoảng 8-10%.
Theo đó, các bộ, cơ quan khẩn trương triển khai thực hiện Nghị định của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó tổ chức thực hiện kịp thời, có hiệu quả các chính sách hỗ trợ và khuyến khích hoạt động đánh bắt thủy sản xa bờ nhằm thúc đẩy ngành thủy sản phát triển nhanh, mạnh, hiệu quả, phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là trên các lĩnh vực gia nhập thị trường, xuất nhập khẩu, tiếp cận nguồn vốn, tín dụng, thuế và hải quan, đất đai, bất động sản, đầu tư, xây dựng, tài nguyên môi trường, lao động... tạo điều kiện thuận lợi ở mức cao nhất cho doanh nghiệp hoạt động.
Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương triển khai các giải pháp điều hành tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; đẩy mạnh xử lý nợ xấu.
Chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động tiếp cận doanh nghiệp để tư vấn cho vay các dự án, phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả; khuyến khích áp dụng các hình thức đánh giá tín nhiệm để tăng cường khả năng cho vay tín chấp, cơ cấu lại các khoản vay vốn lãi suất cao trước đây.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương khẩn trương hoàn thiện hướng dẫn về ưu đãi, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
Xây dựng giải pháp hỗ trợ thuế hoặc cơ chế thanh toán bù trừ đối với những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đang gặp khó khăn về vốn do nguyên nhân tồn kho, chưa được thanh quyết toán, giảm mức phạt chậm nộp thuế; tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa, hiện đại hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế trong thực hiện quyền và trách nhiệm đối với Nhà nước...
Trong khi cả nước đặt mục tiêu thu ngân sách vượt dự toán 8-10%, tại 1 số địa phương việc thu ngân sách lại được dự đoán là sẽ gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể như các tỉnh Đông Nam Bộ như Tây Ninh, Bình Phước đang cho biết ngân sách sẽ giảm mạnh so với dự toán do nông sản tồn kho, giảm giá.
Theo đó, thu ngân sách từ nội địa trên địa bàn tỉnh Tây Ninh 6 tháng đầu năm 2014 chỉ được 1.471,556 tỷ đồng, đạt 39,88% dự toán, giảm 4,94% (so cùng kỳ năm 2013).
Nguyên nhân là do một số doanh nghiệp có khoản thu lớn như doanh nghiệp chế biến cao su, doanh nghiệp chế biến mía đường còn khó khăn, giá cà phê, cao su, mía đường xuống thấp và tình hình tiêu thụ sản phẩm chậm, dẫn đến doanh thu giảm nên thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp phát sinh giảm.
Tại Bình Phước, giá bán mủ cao su giảm 23% so với dự toán mà Bộ Tài chính giao nên thu ngân sách từ những doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này giảm 280 tỷ đồng.
Ngoài ra, chính sách miễn thu thuế GTGT theo quy định mới của bộ Tài chính cũng khiến cho tỉnh Bình Phước thất thu hơn 550 tỷ đồng. UBND tỉnh Bình Phước ước tổng ngân sách thu được giảm khoảng 898 tỷ đồng so với dự toán.
Việc các mặt hàng nông sản giảm giá diễn ra ở hầu hết các sản phẩm nông sản chủ lực như cao su, gạo... phần lớn do thị trường xuất khẩu của các mặt hàng này chủ yếu là Trung Quốc, việc Trung Quốc hạn chế, dừng thu mua khiến hàng tồn kho tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp tới giá bán của các sản phẩm này.
Còn tại Quảng Nam 2 công ty vàng Phước Sơn, Bồng Miêu mới đây đã được Bộ Tài chính Tổng Cục thuế hủy quyết định truy thu 250 tỷ thuế xuất khẩu vàng và tiếp tục đề xuất xin được miễn 300 tỷ các khoản thuế nợ đọng trong thời gian trước đó.
Điều này, theo đại diện Cục thuế Quảng Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, việc 2 công ty vàng khai thác và xuất khẩu đến 6,9 tấn vàng ra nước ngoài nhưng không làm các nghĩa vụ thuế đối với ngân sách địa phương, ngân sách nhà nước gây thất thu lớn cho ngân sách của tỉnh.
Trong năm 2013, thu ngân sách nhà nước đã từng được dự báo là hụt thu sau 9 tháng tuy nhiên, đến những tháng cuối cùng thu ngân sách đã vượt chỉ tiêu đề ra.
Cụ thể, sau 9 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã báo cáo Quốc hội về khả năng năm 2013 hụt thu khoảng 25.200 tỷ đồng; nếu tính cả khoản xử lý ghi thu - ghi chi ngoài dự toán (38.430 tỷ đồng) thì hụt 63.630 tỷ đồng.
Ngân sách năm 2013 được dự báo hụt thu chưa từng có, Chính phủ đề xuất và được Quốc hội chấp thuận nâng mức bội chi ngân sách nhà nước 2014 lên 5,3% GDP và phát hành bổ sung 170.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ. Nhưng kết quả thu ngân sách bất ngờ đạt 105% dự toán.
Theo Đất Việt