Đĩa sinh học Bio Disc len lỏi theo con đường đa cấp
“Đĩa sinh học Bio Disc” đang theo con đường bán hàng đa cấp tiếp tục thâm nhập thị trường Việt Nam với giá hơn 14 triệu đồng, mà phải mua ít nhất bốn miếng thì chữa trị mới hiệu quả.
Kênh truyền hình nhà nước Pháp France 24 mới đây gọi thẳng thừng lối làm ăn của hãng Quest Net, nhà cung cấp đĩa sinh học Bio Disc - thực chất là miếng kiếng tròn nằm gọn trong lòng bàn tay - là một trò lường gạt.
Theo quảng cáo “không bảo chứng” của Công ty Quest Net, đĩa này “tạo ra trường năng lượng tác động lên nước” giúp “giảm stress, cải thiện giấc ngủ, cải thiện thị giác, trẻ hóa tế bào” và “vô hiệu hóa bức xạ trường điện từ của sóng điện thoại di động, tivi, tủ lạnh…”.
Chữa bệnh bằng... niềm tin
Trở lại sản phẩm Bio Disc/Chi-Pendant hiện vẫn đang rao bán ở Việt Nam với giá hơn 14 triệu đồng (mà qua các nhân viên bán hàng đa cấp, giá có thể lên đến 60 triệu đồng). Các đại lý bán hàng thường mập mờ quảng cáo đây là sản phẩm của Đức do “Dr. Ian Lyons” phát minh ra. Thế nhưng không ai biết đích xác nhân vật này xuất thân từ đâu, làm việc cho labo nào, cộng sự là ai, đã công bố công trình nghiên cứu gì.
Schott AG ở Đức là hãng thủy tinh công nghiệp, chỉ xác nhận đã sản xuất tấm kính Bio Disc theo đặt hàng của Ian Lyons chứ không hề xác nhận các tác dụng theo quảng cáo của QNet là “tạo ra trường năng lượng tác động lên nước” giúp “giảm stress, cải thiện giấc ngủ, cải thiện thị giác, trẻ hóa tế bào” và “vô hiệu hóa bức xạ trường điện từ của sóng điện thoại di động, tivi, tủ lạnh…”. Tương tự, bạn có quyền đặt Schott làm gạt tàn thuốc lá nhưng nếu bạn rao nó có khả năng ngừa ung thư phổi thì trò lường gạt của bạn không liên quan tới Schott.
Frazier trong bài viết gây tranh cãi trên tạp chí Forbes cũng hiểu rằng chuyện hoang đường như vậy khó lòng qua được cửa xét duyệt của nhà chức trách quản lý thị trường. Để lý giải cho mức giá trên trời nhưng công dụng thực tế lại không tương xứng, ông trùm Eswaran xếp các sản phẩm của mình cùng loại với những mặt hàng xa xỉ. Cái mà ông ta bán cho khách không chỉ là chức năng sử dụng của món hàng mà quan trọng hơn là “sự hài lòng”, “hy vọng”.
Theo Frazier, nhiều nghiên cứu khẳng định rằng tin tưởng vào hiệu quả thần bí của những sản phẩm như trên có thể khiến một người thấy “khỏe và tự tin hơn”. Nghĩa là một viên đá nhặt ngoài bãi biển có tác dụng chữa bệnh tương đương với Bio Disc/Chi-Pendant, miễn là bạn có... niềm tin.
Chiến thuật “cỏ dại”
Muốn thâm nhập thị trường mới, QNet tổ chức hội thảo ở các khách sạn lớn, có khi đẩy lên hàng sự kiện đình đám, kích thích tâm lý làm giàu nhanh chóng của đám đông nhằm tạo dựng những chân rết đầu tiên. Vòng xoáy mạng lưới sẽ tự động lo phần việc còn lại. QNet chỉ cần chờ chuyển lợi nhuận ra ngoài biên giới trước khi mạng lưới đạt mức giới hạn.
Từ Đông sang Tây, những người cáo buộc luôn muốn chứng minh QNet hoạt động theo lược đồ “kim tự tháp ảo”, tức lừa đảo và bất hợp pháp. Chứng cớ có nhiều. Nhưng Eswaran là một ông trùm khôn ngoan không dễ buông bỏ mỏ vàng còn nhiều tiềm năng. QNet áp dụng chiến thuật “cỏ dại” tương đối đơn giản, tùy môi trường mà thích nghi: Hoạt động hợp pháp ở những nơi chưa có quy định luật pháp chặt chẽ trong lĩnh vực kinh doanh đa cấp; một khi gặp rắc rối với chính quyền sở tại, lập tức đi tìm xứ khác khai thác.
Điển hình là tại Mỹ, QNet khởi sự bằng việc triển khai mạng lưới bán các đồng tiền vàng sưu tập trong cộng đồng thổ dân da đỏ. Kế tiếp, hãng tiến hành đa dạng hóa sản phẩm với quỹ đầu tư đa cấp huy động 27 triệu USD từ hơn 2.000 người, rồi rốt cuộc bị Ủy ban Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) xin lệnh tòa ngăn chặn vào tháng 5-2008. Cùng năm này, xảy ra một vụ đổ bể tương tự nhưng nghiêm trọng hơn là trường hợp quỹ đa cấp 50 tỉ USD của Bernard Madoff.
Ở nhiều nước khác, QNet tiếp tục duy trì và mở rộng hoạt động. Thể lệ kinh doanh “đĩa thần lực” Bio Disc 2 ở Việt Nam năm 2014 không khác mấy so với mô tả trên báo Người Lao Động hồi năm 2006 cũng như so với phương thức được áp dụng tại Burkina Faso năm 2010, theo tường trình của France 24.
Bị kêu án tại Ấn Độ và Dubai, đã có thị trường Uganda và Kenya trám vào. Bị cấm tại Rwanda, Nepal, Sri Lanka, Iran, Sudan, ông trùm Eswaran cho bắt rễ ở Bờ Biển Ngà, Afghanistan, Burkina Faso và Thổ Nhĩ Kỳ.
Vijay Eswaran ý thức rõ sức mạnh của thông tin và Internet. Không phải ngẫu nhiên mà ông ta tích lũy được khối tài sản 500 triệu USD. Ông có đội ngũ dư luận viên biết sử dụng hữu hiệu nhiều diễn đàn, mở ra hằng hà sa số các website và trang blog để đáp trả tất cả cáo buộc, đồng thời biết cách thao túng kết quả của công cụ tìm kiếm, dẫn người duyệt web tới những trang ngoại vi ca tụng và biện hộ cho QNet.
Đỉnh điểm là bài thuật lại hành trình làm giàu của ông trùm được cộng tác viên Donald Frazier gửi đăng trên Forbes Asia. Cũng cần mở ngoặc thêm, tác giả bài báo trước tiên là một tay tiếp thị chuyên nghiệp, theo bản lý lịch tự khai. Frazier không trực tiếp khen ngợi sản phẩm của QNet. Mặt khác, Forbes cũng cảnh báo “bài viết phản ánh quan điểm riêng của cộng tác viên”. Thế nhưng các dư luận viên vẫn xem đây như là vật bảo chứng cho uy tín của tập đoàn kinh doanh đa cấp. Sự vụ sau đó dẫn tới cuộc bút chiến giữa cá nhân Frazier và MoneyLife, tờ báo tài chính ở Mumbai quyết tâm vạch trần thủ đoạn gạt tiền đại chúng của QNet.
Kinh doanh đủ mọi mặt hàngQNet hay Quest Net là một công ty kinh doanh đa cấp đủ mọi mặt hàng từ tài chính, du lịch cho tới các sản phẩm “thần bí” như “đĩa sinh học Bio Disc”, “mặt dây chuyền năng lượng” Chi-Pendant. Hãng do ông trùm gốc Mã Lai Vijay Eswaran thành lập năm 1998, đặt trụ sở tại Hong Kong nhưng hoạt động chính ở các xứ nghèo, đông dân vùng Trung Á, Tây Phi, Ấn Độ và Đông Nam Á.Đa cấp “hợp pháp” và “bất hợp pháp”Nói cho công bằng, không hẳn tất cả hình thức buôn bán theo lối trực tiếp rỉ tai đều bất hợp pháp. Người ta phải xem xét mục đích và cấu trúc của mạng lưới nhiều tầng đó. Đặc điểm chung của các loại hình kinh doanh đa cấp là chấp nhận trích hoa hồng từ thu nhập của cấp dưới đem chia cho các cấp cao hơn trong hệ thống bán hàng.Tổ chức mạng lưới theo lược đồ “kim tự tháp ảo” bị cấm tại nhiều quốc gia. Sản phẩm đem ra giao dịch trong trường hợp này có giá bán vượt xa giá trị sử dụng. Số lượng người tiêu dùng đầu cuối, mua về thực sự để dùng, rất ít.Nguồn tiền nuôi cả hệ thống chủ yếu lấy từ lượng hàng bán cho những người tham gia mạng lưới với hy vọng họ tiếp tục chiêu mộ thêm các mạng lưới cấp dưới rồi lại hưởng phần trăm từ những người vừa được tuyển này. Tiền mua hàng thực chất là phí nhập hội. Ai không chiêu mộ đủ con số cần thiết đương nhiên bị mất tiền.Tuy nhiên, nếu thiết kế thỏa một số điều kiện để được xếp vào loại “tiếp thị đa cấp” (Multi-Level Marketing), mạng lưới kinh doanh sẽ được coi là hợp pháp. Giá trị sản phẩm có ít nhiều tương xứng với giá bán thì tỉ lệ người tiêu dùng đầu cuối mới chiếm phần lớn trong cơ cấu doanh thu.
Pháp luật Online
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo