Dịch bệnh thủy sản gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng
Dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị các tỉnh, thành phố bố trí kinh phí phòng chống dịch bệnh thủy sản năm 2015.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2014, tổng sản lượng thủy sản cả nước ước đạt 6,3 triệu tấn, giá trị xuất khẩu đạt mức kỷ lục 7,92 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2013, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế của cả nước và đem lại nhiều lợi nhuận cho người dân.
Nhưng tình hình dịch bệnh thủy sản vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi, năm 2014, cả nước có tới 59.579ha nuôi tôm bị thiệt hại chiếm 8,75% diện tích nuôi; bệnh trên tôm hùm xuất hiện tại 15.000 lồng; bệnh trên cá tra xuất hiện ở 1.500ha; trên 1.000ha diện tích nuôi ngao bị thiệt hại và thiệt hại ở các loài thủy sản khác là 941ha.
Theo báo cáo, tính đến ngày 25/2/2015, cả nước mới chỉ có 17/63 tỉnh, thành phố phê duyệt kế hoạch và bố trí gần 39 tỷ đồng để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh thủy sản. Trong đó, 11 tỉnh, thành phố có kế hoạch nhưng không bố trí kinh phí triển khai thực hiện và còn nhiều địa phương chưa có kế hoạch hoặc có kế hoạch mà chưa bố trí kinh phí triển khai hoặc bố trí lượng kinh phí rất thấp, không đủ triển khai có hiệu quả.
Các tỉnh đã có kế hoạch và bố trí kinh phí để chủ động triển khai phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2015 gồm: Tỉnh Quảng Ninh (hơn 14 tỷ đồng); tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên Huế (hơn 1 tỷ đồng); tỉnh Phú Yên, tỉnh Bến Tre (hơn 2 tỷ đồng); tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu (hơn 1,6 tỷ đồng); tỉnh Cà Mau (gần 5 tỷ đồng)…
Một số loại dịch bệnh trên nuôi trồng thủy sản như đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp trên tôm nuôi nước lợ, dịch bệnh trên cá tra vẫn diễn biến phức tạp, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng của người nuôi và ngân sách nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu thủy sản.
Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành văn bản số 1753/BNN-TY đề nghị các địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2015.
Do đó, việc xây dựng kế hoạch trên nhằm triển khai có hiệu quả việc phòng, chống dịch bệnh thủy sản, giảm thiểu thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản và đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu thủy sản, sản phẩm thủy sản từ Việt Nam.
T. Hiền
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hội chợ đặc sản 2024: Cầu nối đưa sản phẩm Việt vươn xa
Xăng giảm giá
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Cột tin quảng cáo