Đích danh “thủ phạm” gây ô nhiễm nguồn nước ở TP Sơn La
Hơn 10.000 hộ dân của thành phố Sơn La đang vô cùng lo lắng vì hàng ngày phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm.
Xí nghiệp cấp nước số 1 thành phố Sơn La hiện đang cấp nước cho gần 11.000 hộ dân và các cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện trên địa bàn thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La. Tuy nhiên, nguồn nước cấp cho 60% dân cư của thành phố này đang bị ô nhiễm, do các cơ sở chế biến cà phê ở đầu nguồn xả thải trực tiếp ra dòng suối đổ về hang chứa nước của thành phố.
Điều đáng nói là sự việc này đã xảy ra từ năm 2012, nhưng chưa được xử lý dứt điểm và ngày càng gây ô nhiễm nặng. Thời điểm này, khi mùa thu hoạch chế biến cà phê đã đến, hơn 10.000 hộ dân của thành phố Sơn La đang vô cùng lo lắng vì hàng ngày phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm. Vậy thực tế của tình trạng này như thế nào? Các ngành chức năng của tỉnh Sơn La sẽ vào cuộc thế nào và đến bao giờ hơn 10.000 hộ dân của thành phố mới được sử dụng nguồn nước không ô nhiễm?
Cơ sở chế biến cà phê xả thẳng nước thải ra nguồn nước
Mới bắt đầu vào vụ thu hoạch cà phê, nhưng cơ sở thu mua chế biến nông sản của ông Bùi Văn Công ở bản Đông Hưng, xã Muổi Nọi, huyện Thuận Châu đã làm việc gần như hết công suất. Cơ sở này có quy mô lớn nhất khu vực huyện Thuận Châu, với diện tích 12.000m2 đất được xây dựng hết từ nhà kho, sân phơi, dây chuyền chế biến, ao chứa nước thải…
Ông Chủ cơ sở này cho biết: Đầu vụ, mỗi ngày cơ sở chế biến 100 tấn quả cà phê tươi. Mỗi tấn cà phê tươi khi chế biến thì phải sử dụng từ 2 đến 4 m3 nước. Như vậy mỗi ngày cơ sở này sẽ thải ra ít nhất 200 m3 nước thải. Tuy nhiên khi chúng tôi tiếp xúc thực tế tại nhà ông, vỏ cà phê đổ ngay ra vệ đường quốc lộ 6 gây ra mùi hôi thối nồng nặc. Một bể chứa nước thải khoảng 200m3 đen kịt, bám đầy ruồi muỗi.
Cơ sở này chỉ đơn thuần mới có bể chứa nước thải, chứ không hề có hệ thống xử lý nước thải. Trong khi đó, cơ sở này đã từng bị kiểm tra khi xả thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước và UBND tỉnh Sơn La đã ra thông báo số 205 ngày 3/12/2012 cho chính quyền địa phương đình chỉ hoạt động do gây ô nhiễm môi trường.
Vậy mà đến nay đã qua 3 vụ chế biến cà phê, khi được hỏi về việc xử lý chất thải, nước thải và các biện pháp bảo vệ môi trường thì chủ cơ sở này vẫn vô tư nói: “Là nước thải thì nó có mùi. Tôi chỉ biết đào 3, 4 cái hố, chuyển nước thải từ hố nọ sang hố kia. Xử lý nước thải thì xây dựng rất tốn kém, nên chỉ biết trước mắt là làm để chứa được thôi”.
Đối với một chủ cơ sở thu mua chế biến hàng trăm tấn cà phê mỗi ngày mà quan niệm về bảo vệ môi trường và xử lý chất thải vẫn chỉ đơn giản như vậy, thì đối với các hộ dân trồng và tự sơ chế cà phê thì ý thức ra sao? Khi chúng tôi đến, gia đình ông Đàm Văn Hằng, bản Tân Tiến, xã Bon Phặng, huyện Thuận Châu cũng đang sát cà phê. Ông Hằng cho hay: Nhà có 1,5 ha cây cà phê, mỗi năm thu được khoảng 30 tấn quả tươi. Cũng như các hộ khác trong bản, ông đầu tư máy sát và tự sơ chế. Nước thải thì cứ thải trực tiếp ra ngay con mương trước cửa. Nước thải chảy đi đâu thì ông không quan tâm.
Theo thống kê của các xã: Chiềng Cọ, Chiềng Đen (thành phố Sơn La) và Muổi Nọi (Thuận Châu), 3 xã đầu nguồn nước của thành phố Sơn La thì hiện có trên 3.000 hộ trồng cà phê. Năm nào được giá thì người dân bán quả cho các cơ sở chế biến cà phê trên địa bàn; còn năm nào giá không cao thì nhiều hộ tự sơ chế từ 3 đến 5 tấn cà phê, có điểm hơn chục tấn mỗi ngày. Ngoài các hộ tự chế biến, trên địa bàn các xã nói trên có tới 4 cơ sở chế biến cà phê quy mô lớn, công suất hàng trăm tấn cà phê quả mỗi ngày.
Điều đáng nói là các cơ sở này không hề có hệ thống xử lý chất thải, chỉ đơn thuần là bể chứa và đều nằm sát suối nên khi có mưa, nước lũ tràn vào các bể ủ cà phê, vỏ sát cà phê, bể chứa nước thải… tất cả cuốn theo dòng nước và chảy vào hang chứa nước của thành phố. Đi dọc quốc lộ 6 đoạn chạy qua địa bàn 3 xã trên, có rất nhiều vỏ cà phê được chất đống lấp cả rãnh thoát nước bên đường, chỉ cần mưa lớn là những đống rác này sẽ trôi về suối đầu nguồn. Tại các cơ sở chế biến lớn dù đã đào ao để chứa nước thải, nhưng ao luôn trong tình trạng quá tải, quá trình thẩm thấu rất lâu nên khi phân hủy, vỏ cà phê đã tạo ra nước bẩn và bốc mùi xú uế bao trùm toàn bộ cơ sở và khu vực dân cư lân cận.
Ông Đào Duy Thạo, một người dân ở bản Đông Hưng, xã Muổi Nọi, huyện Thuận Châu nói: “Chúng tôi rất bức xúc chuyện nước thải ra suối, mùi hôi thối không chịu được. Về nước thải, khi mưa xuống tất cả có đường chảy ra suối”.
Mới vào đầu vụ thu hoạch cà phê, xong tình trạng sơ chế cà phê đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường xung quanh, đặc biệt là gây ô nhiễm nặng cho nguồn nước sinh hoạt của hơn 10.000 hộ dân thành phố Sơn La.
Vậy các ngành chức năng của tỉnh Sơn La sẽ vào cuộc thế nào để xử lý dứt điểm tình trạng này? Chúng tôi sẽ cung cấp trong bài thứ 2./.
VOV Online
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo