Xã hội

Dịch sởi và nền y tế quá mong manh

Đau xót, bất lực khi nhìn thấy những đứa trẻ đang vật lộn với bệnh dịch. Và còn đau hơn khi thấy nền y tế của chúng ta thật dễ tổn thương

Khi dịch sởi bùng phát cướp đi sinh mạng của 125 đứa trẻ vô tội (tính đến ngày 21.4) chúng ta mới nhận thấy sự mong manh dễ tổn thương của hệ thống y tế, chăm sóc và khám chữa bệnh ở đất nước mình. 

Bệnh viện Nhi Trung ương quá tải trong dịch sởi
 
Những ngày sống cùng virus sởi ở Hà Nội vẫn chưa chấm dứt, sáng tới cơ quan, tất cả các ông bố bà mẹ dù muốn hay không cũng đều phải cập nhật tình hình bệnh sởi, vẫn phải lắng nghe những con số trẻ tử vong mỗi ngày. Và đáng buồn là nó mỗi ngày một tăng lên, kéo theo hàng trăm bi kịch đau đớn cho mỗi gia đình có trẻ em thiệt mạng.
 
Nỗi đau dịch sởi cũng ngập tràn trên các mạng xã hội, các facebooker đứng ra quyên góp tiền để mua máy thở, máy tiêm đến tặng cho các bệnh viện để cứu trẻ. Con số tiền đang tăng dần lên, chiều 21.4, facebooker Minh Do thông báo “nhóm mình đã quyên góp được khoảng 800 triệu, và đã phát được 18 máy bơm tiêm tự động và 4 máy thở CPAP. Bọn mình cũng đã đặt tiền mua thêm 6 máy thở CPAP, hy vọng sẽ về kịp trong tuần này để giao thêm cho các viện”.
 
Trên trang cá nhân của nhà văn Nguyễn Quang Vinh thông báo: Một bà mẹ có con nhỏ vừa mất vì bệnh sởi, đã nén nỗi đau, tình nguyện đóng góp 50 triệu đồng để mua máy thở cứu những đứa trẻ đáng thương khác.
 
Tôi và rất nhiều người đã mừng đến rơi nước mắt khi đọc được những dòng thông báo này. Nó cho thấy con người chúng ta đã không vô cảm với nỗi đau của đồng loại. Nó cho thấy chúng ta đã và đang làm tất cả những gì có thể để chống lại căn bệnh quái ác này, giành lại những đứa trẻ từ tay thần chết.
 
Thật khó có thể diễn tả được cảm xúc của những người làm báo chúng tôi trong những ngày này. Đau xót, bất lực khi nhìn thấy những đứa trẻ đang vật lộn với bệnh dịch. Và còn đau hơn khi thấy nền y tế của chúng ta thật dễ tổn thương.
 
Có ai hình dung nổi bệnh sởi- một căn bệnh nhiều nước trên thế giới đã tuyên bố loại bỏ hoàn toàn nhờ tiêm chủng lại trở thành tử thần cướp đi sinh mạng của 125 đứa trẻ. Bao nhiêu cuộc đời, bao nhiêu niềm hy vọng của cha mẹ, người thân các bé đã tắt lịm.
 
Trên các trang cá nhân, nhiều bác sĩ đã thẳng thừng đổ lỗi cho truyền thông làm cho người dân sợ hãi văc- xin dẫn đến dịch bệnh vượt ngoài tầm kiểm soát. Nhưng nói cho cùng, đây cũng chỉ là câu chuyện “con gà- quả trứng”. Nếu ngành y tế làm tốt chức năng của mình, gây được lòng tin vững chãi nơi người dân, thì báo chí có dễ bề “lung lạc” họ hay không?
 
4 nguyên nhân nguyên nhân khiến dịch sởi nặng, nhiều trẻ tử vong đã được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ ra gồm: trẻ không được tiêm vắc xin, bệnh viện quá tải, lây nhiễm chéo và thời tiết không thuận lợi.
 
Tất nhiên để cho số trẻ tử vong tăng cao như vậy là chuyện “cái sảy nảy cái ung”. Vì sao trẻ không được tiêm đủ, vì sao bệnh viện quá tải, hai lý do này không phải chuyện ngày một ngày hai mà là hệ quả của rất nhiều những tồn tại trước đó của ngành y, tất nhiên không loại trừ trách nhiệm của những bậc phụ huynh đã không tuân thủ lịch tiêm chủng cho con mình.
 
Quay trở lại với chuyện người dân quyên góp tiền mua máy thở, máy tiêm tặng cho bệnh viện. Bên cạnh việc nó khẳng định truyền thống tương thân tương ái, “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” rất đáng quý của người Việt, thì ngẫm ra tôi cứ thấy phi lý thế nào.
 
Phi lý ở chỗ mới chỉ một dịch bệnh thế này, mà thiết bị y tế của chúng ta đã không chống đỡ nổi, nhiều trẻ đã phải được nối dây để thở chung máy, thì những dịch bệnh khủng khiếp hơn, chúng ta sẽ ứng phó ra sao?
 
Sẽ còn bao nhiêu thiết bị y tế cần có người dân chung tay đấu cật để góp tiền mua, đem đến tặng cho bệnh viện cứu người mỗi khi có dịch bệnh bùng phát nữa?
 
Ngân sách hàng năm chi cho y tế là một khoản không nhỏ nếu tính trên mặt bằng một đất nước có GDP đầu người thấp như Việt Nam, nhưng vấn đề Bộ Y tế, các địa phương đã chi tiêu, quản lý ngân sách thế nào cho hiệu quả để phục vụ sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho người dân thì vẫn là một câu hỏi lớn.
 
Hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng của chúng ta đang quá mong manh, đang trở nên dễ bị tổn thương bởi những dịch bệnh tưởng chừng đã được khống chế. Tất nhiên trách nhiệm của người đứng đầu là bà Bộ trưởng, không ai phủ nhận. Tuy nhiên, ở tầm chiến lược phát triển cao hơn nữa, chúng ta đã liệu đã có những đầu tư tương xứng cho việc chăm sóc sức khỏe của người dân hay chưa? Ngân sách năm 2013 bị bội chi tới 195,4 nghìn tỷ đồng, trong con số đó, có biết bao nhiêu khoản đã bị lãng phí vào xây dựng trụ sở cơ quan mua sắm thiết bị văn phòng, trong khi dân vẫn phải nằm chung giường, chung máy thở.
 
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII vào tháng 11/2013, đại biểu Danh Út (đoàn Kiên Giang) cho rằng: “Tổ chức bộ máy như hiện nay đang qúa cồng kềnh, kém hiệu quả, lãng phí cán bộ công chức, ngân sách chi trả lương ngày càng tăng. Hiện nay không còn bộ nào, chỉ có 4 thứ trưởng như Quyết định 36 của Chính phủ đề ra. Có bộ có đến 9 thứ trưởng, 4 bộ có 7 thứ trưởng, 9 bộ có 6 thứ trưởng, 7 bộ có 5 thứ trưởng. Bộ máy như vậy sao không tăng chi ngân sách được”. Nhưng bây giờ có lẽ không phải là lúc để đổ lỗi cho nhau nữa, trước cái chết của 125 bệnh nhi trong dịch sởi, ai có thể thờ ơ.
 
Tất cả hãy nhận lấy phần trách nhiệm của mình, trách nhiệm của những bậc làm cha làm mẹ đã chưa tuân thủ đúng lịch tiêm chủng cho con. Trách nhiệm của những công chức nhà nước đã không hoàn thành nghĩa vụ trước dân.
 
Hãy đừng để có thêm những dịch bệnh mất mát sinh mạng lớn như vậy nữa. 125 đứa trẻ vô tội đã trả giá cho sai lầm của người lớn chúng ta bằng mạng sống của các em rồi đó.  
Báo Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo