Xã hội

Dịch sốt xuất huyết: Vì sao phun hóa chất vẫn nhiều muỗi?

Mặc dù Hà Nội đã tích cực ra quân phun thuốc phòng chống dịch sốt xuất huyết nhưng nhiều người dân phản ánh phun hóa chất vẫn nhiều muỗi.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo chống dịch bệnh chiều ngày 25/8, Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các chuyên gia dịch tễ trả lời câu hỏi của người dân Hà Nội: “Tại sao phun hóa chất muỗi không chết, liệu có phải do hóa chất không có hiệu lực?”.

Phun hóa chất phòng chống dịch sốt xuất huyết. Ảnh Thanh niên. 

Trả lời câu hỏi của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, ông Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, khẳng định, giám sát độc lập của Viện tại 3 phường Thịnh Liệt (Hoàng Mai), Thanh Lương (Hai Bà Trưng) và Khương Thượng (Đống Đa) cho thấy, chỉ số muỗi sau phun hóa chất bằng 0. Nghĩa là, sau phun muỗi trưởng thành đều chết hết, theo tin tức trên báo TTXVN.

"Vấn đề nằm ở chỗ bọ gậy chưa được xử lý triêt để. Đơn cử, tại phường Thịnh Liệt chỉ số chứa bọ gậy trước diệt là 26%, nhưng sau diệt bọ gậy vẫn còn 12%. Tại Thanh Lương, trước 40%, sau diệt bọ gậy là 30%. Như vậy, chỉ số bọ gậy có giảm nhưng chưa triệt để và đây chính là nguồn phát sinh muỗi , ông Trần Như Dương khẳng định.

Về nguyên tắc, phun hóa chất chỉ diệt được ngay đàn muỗi trưởng thành mang vi rút để cắt đứt đường truyền.Nếu diệt không triệt để và còn bọ gậy thì chỉ sau vài giờ, những đàn bọ gậy già tuổi sẽ nở thành muỗi và lại tràn vào nhà. Điều này lý giải vì sao người dân cho rằng việc phun hóa chất không hiệu quả, phun rồi mà muỗi vẫn còn. 

Về hóa chất đang được sử dụng tại Hà Nội, ông Dương khẳng định, Deltamethrin mà Hà Nội đang sử dụng là hóa chất đầu tay được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo dùng trong diệt muỗi phòng chống sốt xuất huyết. Deltamethrin đã được đánh giá kỹ lưỡng trong những năm vừa qua cả về hiệu quả và tính an toàn. 

Hàng năm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đều tiến hành khảo nghiệm hiệu quả của hóa chất Deltamethrin trên thực địa. Kết quả cho thấy hiệu lực diệt muỗi đạt 98%, tức là đạt hiệu lực tốt theo đánh giá của WHO.

 

Kết quả giám sát mật độ muỗi trước – sau phun hóa chất do Viện sốt rét kí sinh trùng Trung ương thực hiện tại phường Thanh Xuân Nam, Khương Đình cũng cho kết quả tương tự, báo Dân trí đưa tin.

Tại phường Thanh Xuân Nam chỉ số mật độ mỗi 0,37 con trước phun, xuống còn 0,7 sau phun. Bọ gậy từ 10% xuống 7% sau can thiệp.
“Chỉ số bọ gậy giảm không nhiều, lý giải tại sao sau phun lại vẫn có muỗi, do còn các ổ bọ gậy mới, nở ra thành đàn muỗi mới”, đại diện Viện Sốt rét kí sinh trùng Trung ương cho biết.

“Thuốc Hà Nội đang dùng cũng giống thuốc các tỉnh thành trong cả nước. Thuốc này WHO mới nhất khuyến cáo, là thuốc đầu bảng sử dụng hiện nay trong diệt muỗi truyền sốt xuất huyết”, TS Dương khẳng định.

GS Nguyễn Thanh Long nhận định dù Hà Nội đã chững lại, nhưng vẫn đang trong giai đoạn căng thẳng của dịch SXH. “Chúng ta phải chạy đua với thời gian để ngăn chặn dịch bệnh. Ví như tại trường học có một ổ dịch, muỗi đốt mang mầm bệnh lại truyền cho các trẻ khác thì sẽ lan truyền rất nhanh. Không riêng Hà Nội mà cả nước cần phải tập trung, quyết liệt diệt bọ gậy, diệt muỗi để ngăn chặn SXH”, GS Long chỉ đạo.

“Chúng tôi đặt câu hỏi, tại sao SXH vẫn tăng, bởi chúng ta chưa diệt hết được bọ gậy. Để diệt bọ gậy, là nhiệm vụ của đội xung kích, người dân, các cấp chính quyền, không có cách nào khác. Phải quyết liệt, mạnh mẽ hơn để tăng hiệu quả diệt bọ gậy”, GS Long nói.

 

Nên đọc
Trân Châu (Tổng hợp theo báo Dân trí, TTXVN)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo