Xã hội

Dịch vụ hành chính công: Dân lo ngại “hối lộ mới được việc”

Kết quả khảo sát mới nhất của Trung tâm nghiên cứu phát triển cộng đồng (CECODES), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho thấy, hiệu quả quản trị và dịch vụ công ở tất cả các tỉnh đã không có những cải thiện đáng kể. Người dân đặc biệt lo ngại về nạn tham nhũng, về sự minh bạch trong bồi thường đất đai và sự tham gia của họ trong đời sống chính trị xã hội từ cấp cơ sở.
 
 
“Lót tay” ở mọi nơi
 
Sáng 14.4 tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng (CECODES), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chương trình Phát triển LHQ tại VN đã công bố kết quả khảo sát Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở VN (PAPI) năm 2014. Qua phỏng vấn gần 14.000 người dân ở cả 63 tỉnh, thành về kinh nghiệm thực tiễn của họ, khảo sát cho thấy, cải cách quản trị công diễn ra chậm chạp ở cả 6 nội dung, từ Sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Tính công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình, cho tới các nội dung Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công.
 
Trong chỉ số nội dung về tham nhũng, báo cáo cảnh báo rằng người dân rất lo ngại về mức độ phổ biến và nghiêm trọng của tham nhũng trong khu vực công ở VN. “Mặc dù năm 2014 có nhiều sáng kiến chống tham nhũng, song người dân vẫn cho rằng hối lộ là vấn đề nổi cộm” - ông Jairo Acuna - Alfaro, chuyên gia tư vấn của LHQ về chống tham nhũng, một trong những tác giả của báo cáo, cho biết. 
 
Gần 50% số người dân được hỏi trên toàn quốc cho rằng cần có “lót tay” để xin được vào cơ quan nhà nước, 24% phải hối lộ khi làm thủ tục cấp chứng nhận sử dụng đất, 30% phụ huynh phải bồi dưỡng thêm cho giáo viên, 12% phải hối lộ để được phục vụ ở bệnh viện. Những đánh giá này của người dân về thực tế “phải đưa hối lộ mới được việc ở cơ quan công quyền” có giảm so với con số năm 2013, song không nhiều. 
 
Báo cáo ghi nhân, các nhà lãnh đạo VN nhận thức rõ, tham những là một trong những căn bệnh trầm kha gây ảnh hưởng tiêu cực tới hệ thống chính trị, mà cụ thể là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định trong một cuộc tiếp xúc cử tri năm 2013: Tham nhũng vặt như “ngứa ghẻ phải gãi rất khó chịu nhưng cũng rất khó kiểm soát”.
 
PAPI 2014 bổ sung thêm câu hỏi mới về Minh bạch bồi thường đất đai. Khảo sát cho thấy trong năm qua số người dân bị thu hồi đất đã ít hơn so với năm trước đó. Những người bị mất đất vẫn tập trung ở khu vực Tây Bắc, còn ở Đồng bằng Sông Cửu Long, khu vực đông nam và trung Nam Bộ, người dân cho biết mức độ thu hồi đất thấp hơn.
 
Báo cáo PAPI lưu ý, đa số người trả lời cho biết, họ hoặc họ hàng của họ bị mất đất đã nhận được tiền bồi thường, song hơn 20% cho biết họ không được đền bù bằng bất kỳ hình thức nào, và chỉ 36% những người bị mất đất trong năm qua cho biết họ nhận được bồi thường xấp xỉ giá thị trường. Báo cáo dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới năm 2011: Tới 80% người dân ở 3 tỉnh được chọn khảo sát cho biết, mức bồi thường nhận được không thể đủ mua quyền sử dụng đất ở mảnh đất khác có diện tích tương đương.

“Chi phí về kinh tế và chính trị”
 
Để cải thiện chỉ số PAPI trong năm 2015, các tác giả của báo cáo nhấn mạnh việc huy động sự tham gia của người dân vào đời sống chính trị và công cuộc phát triển ở địa phương. Chỉ số Sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở sụt giảm điểm nhiều nhất trong 6 nội dung được khảo sát. 
 
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hỗ trợ Cộng đồng nhắc lại: “Những sự vụ gây xôn xao vừa qua như chặt cây xanh ở Hà Nội, lấp sông Đồng Nai, người dân đều không được tham gia từ đầu. Họ chỉ biết khi sự việc đã xảy ra và điều đó gây ra nhiều chi phí về kinh tế và chính trị”. Ông cho rằng, các cơ chế đã có như Ban thanh tra nhân dân hay Ban giám sát cộng đồng là không hiệu quả, cần tìm các kênh khác để kết nối với người dân. Chuyên gia Acuna-Alfaro nhấn mạnh, trước thềm các cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân nhiệm kỳ 2016 - 2020, “tiếng nói của người dân cần được lắng nghe và họ cần được chủ động đóng góp vào các chính sách ở cấp cơ sở”.
 
Ông Acuna-Alfaro cũng thúc giục các tỉnh mạnh tay ngăn ngừa “những tập quán tham nhũng dù nhỏ những vẫn tồn tại dai dẳng” ở VN. Về vấn đề mới đưa vào khảo sát năm nay là Minh bạch trong bồi thường đất đai, ông đặt câu hỏi, thực tế người dân thấy việc thu hồi đất giảm, song nhiều hộ không hài lòng về sự minh bạch và giá đền bù cho thấy, liệu đây là kết quả của việc thi hành Luật Đất đai sửa đổi năm 2013, hay là “sự án binh bất động” của các địa phương trước Đại hội Đảng?
 
Báo cáo PAPI được ông Nguyễn Tất Giáp - PGĐ Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - đánh giá là khoa học, rõ ràng, và hiệu quả trong việc góp phần hoạch định và thực thi chính sách, tăng cường hiệu quả quản trị ở VN.
 
Từ kinh nghiệm của Quảng Trị - tỉnh có chỉ số PAPI cao, bà Trần Hồng Hạnh - thạc sĩ về hành chính công, làm việc tại UBND tỉnh Quảng Trị - cho biết, tỉnh “xem PAPI là tấm gương soi để có những cải thiện chính sách quyết liệt” về quản trị và dịch vụ công. Quảng Trị đã lập đường dây nóng trong cuộc họp HĐND tỉnh, để người dân có thể đặt câu hỏi trực tiếp và lãnh đạo tỉnh trực tiếp giải quyết. “Công việc với người dân không cần đầu tư nhiều ngân sách, mà cần sự tận tâm của công chức, để tạo môi trường hành chính công thân thiện phục vụ người dân” - bà Hạnh nói
 
 
Theo Lao động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo