Thị trường

Dịch vụ ngân hàng qua di động: “Miếng mồi béo bở” trong ngành tài chính châu Á

Dịch vụ ngân hàng qua di động đang bùng nổ trên toàn cầu, đặc biệt tại khu vực châu Á. Từ các ứng dụng ngân hàng tới ví di động được sử dụng rộng rãi trong các cửa hàng, nhu cầu thanh toán qua di động ngày càng tăng lên nhờ tính tiện dụng của dịch vụ này.

Theo hãng nghiên cứu thị trường Juniper Research, doanh thu từ dịch vụ thanh toán bằng di động toàn cầu được dự đoán sẽ đạt 507 tỷ USD, tăng 40% so với năm 2013.

Ở châu Á, có thể dễ dàng bắt gặp các khách hàng thực hiện giao dịch thanh toán ở các cửa hàng hay chuyển tiền bằng di động. Sự bùng nổ dịch vụ thanh toán di động ở châu Á là do số lượng người sử dụng điện thoại trong khu vực này tăng lên nhanh chóng cùng với nỗ lực khai thác thị trường đầy tiềm năng này của các ngân hàng và công ty viễn thông.

Vài năm trở lại đây, châu Á là khu vực sử dụng di động nhiều nhất trên thế giới. Theo số liệu của Liên minh Viễn thông Quốc tế, năm 2013 đã có hơn ½ số thuế bao di động của thế giới năm 2013 được đăng ký ở khu này này.Thomas Zink - Giám đốc nghiên cứu IDC Financial, cho biết: “Nguyên nhân chính nằm ở khách hàng châu Á, họ thường là những người trẻ hơn và sống ở đô thị nhiều hơn những khách hàng Mỹ hoặc châu Âu”.

Zink cũng dẫn ra một vài nguyên nhân quan trọng khác giúp thị trường di động châu Á phát triển nhanh, trong đó có sự gắn kết với công nghệ cao, hay văn hóa bản địa ở các quốc gia này thường coi trọng việc sử dụng di động như một biểu tượng của tầng lớp. Đặc biệt, ở các thị trường đang phát triển, sự thiếu thốn cơ sở hạ tầng Internet đáng tin cậy đã khiến khách hàng sử dụng di động nhiều hơn.

Theo số liệu năm 2012 của Ngân hàng Thế giới, Campuchia là nước ở châu Á có tỷ lệ người dân sử dụng tài khoản ngân hàng thấp nhất (3,6%), tiếp theo Pakistan (10%), Indonesia (19,5%), và Việt Nam (21%).

Đáng chú ý, chỉ có 33% người dân ở khu vực Đông Nam Á từ 15 tuổi trở lên có tài khoản ngân hàng. Như vậy, có tới 67% người dân ở khu vực này vẫn chưa tiếp cận được với các dịch vụ của ngân hàng. Đây chính là một trong những “miếng mồi béo bở” nhất cho các công ty trong lịch vực thương mại di động.

Đặc biệt, ở các vùng nông thôn nơi khả năng tiếp cận với các ngân hàng thấp hơn, lĩnh vực được gọi là “cận ngân hàng” - các nền tảng cung cấp dịch vụ chuyển tiền và thanh toán qua di động - nhanh chóng phát triển.

Easypaisa là một trong những dịch vụ di động như thế đã thành công ở Pakistan. Được tung ra năm 2009 bởi Ngân hàng Tài chính Tameer Micro và Telenor Pakistan, dịch vụ này cho phép khách hàng đăng ký một tài khoản di động và có quyền truy cập tới tất cả dịch vụ ngân hàng mà không cần phải trực tiếp tới các chi nhánh của ngân hàng để thực hiện giao dịch.

Sau khi khách hàng đăng nhập vào tài khoản, họ sẽ nhận được một chiếc điện thoại đã được kích hoạt và một mã mật khẩu, tương tự như mật khẩu của một thẻ ATM. Để thanh toán hóa đơn hoặc chuyển khoản, khách hàng sẽ mang tiền mặt tới một hãng bán lẻ đã được ủy quyền để hoàn tất giao dịch cho họ. 

Tính tới cuối năm 2012, Easypaisa đã xử lý hơn 100 triệu giao dịch với giá trị thanh toán lên tới 1,4 tỷ USD.

Điểm đáng chú ý là cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực thanh toán di động này khác nhau giữa các quốc gia do sự khác biệt giữa quy định của các chính phủ.

Ở Ấn Độ, Ngân hàng Trung ương yêu cầu các hãng viễn thông và ngân hàng cùng hợp tác với nhau, và ngân hàng sẽ là người giữ giấy phép cho các nền tảng giao dịch.

Năm ngoái, Ngân hàng Trung ương Indoneisia cũng đã kêu gọi các ngân hàng thương mại và các nhà điều hành mạng di động hợp tác để tung ra dịch vụ kết hợp ở các vùng nông thôn.

Nhắc tới thị trường thanh toán di động ở châu Á không thể không nhắc tới Trung Quốc với sự cạnh tranh khốc liệt của ba ông lớn công nghệ là Tencent, Alibaba và Baidu.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết năm 2013 có 1,67 tỷ giao dịch di động được thực hiện, tăng 200% so với năm 2012. Doanh thu từ lĩnh vực này năm 2013 đạt 192,8 nghìn tỷ USD.

Cũng theo giám đốc nghiên cứu Thomas Zink của hãng IDC: “Tiếp thị theo bối cảnh, cung cấp cho khách hàng cái mà cần đúng thời điểm, đúng địa điểm và nắm bắt được đúng nhu cầu cá nhân sẽ là chiến lược hàng đầu trong trận chiến thương mại trong tương lai. Để thành công, các hãng không chỉ tăng doanh thu từ việc tăng số lượng giao dịch, mà còn cần phải tạo ra nguồn thu mới từ các dịch vụ giá trị gia tăng cùng với giao dịch đó”.

Dương Hương
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo