Điểm chuẩn giảm mạnh: Vào trường không đủ năng lực chắc chắn sẽ bị loại
Trong bối cảnh chung điểm trúng tuyển xét từ kết quả thi THPT quốc gia thấp hơn so với năm ngoái, khối ngành sức khỏe, điểm chuẩn các trường cũng giảm khoảng từ 3 - 5 điểm tùy từng ngành, từng trường.
Những trường trong top đầu như Trường ĐH Y Hà Nội cũng nằm trong quy luật chung này. Ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội chia sẻ, hai lý do chính dẫn đến việc điểm chuẩn giảm, đó là đề thi THPT quốc gia năm nay khó hơn và điểm cộng ưu tiên thấp hơn năm ngoái.
“ĐH Y luôn là trường có điểm chuẩn cao, năm nay vẫn nằm trong top những trường có điểm chuẩn cao nhất, nhưng mức điểm chuẩn cũng thấp hơn năm ngoái nhiều” – ông Nguyễn Hữu Tú cho hay.
Việc có ngành lấy xuống 18 điểm, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y cho rằng, "trường luôn có những ngành mà mức điểm thấp hơn khá nhiều so với ngành khác, như cử nhân Y tế công cộng. 18 điểm cũng không phải quá thấp, cũng là điểm sàn chất lượng của trường nên có ngành lấy 18 điểm không có gì đặc biệt".
Đối với khối ngành kinh tế, Trường ĐH Ngoại thương, 24,1 là mức điểm chuẩn cao nhất của trường (giảm hơn 4,15 điểm so với năm 2017) cho các khoa như kinh tế, kinh tế quốc tế và luật; khoa kinh doanh quốc tế và quản trị kinh doanh. Nhiều ngành trong trường giảm từ 3 - 4 điểm. Bà Bùi Liên Hà - Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội - cho rằng, điều này đúng như dự đoán trước đó và phù hợp với mức phổ điểm của năm nay.
Các trường khối quân đội - công an đều giảm từ 2 đến 8 điểm so với năm 2017. Học viện Quân y lấy điểm chuẩn tổ hợp A00, đối với thí sinh nam miền Bắc là 20,05 (29 điểm, năm 2017); thí sinh nam miền Nam là 20,6 (27,25 điểm, năm 2017); Thí sinh nữ miền Bắc là 25,65 (29,5 điểm, năm 2017); thí sinh nữ miền Nam là 26,35 (30 điểm, năm 2017). Có những trường đại học địa phương, đại học vùng mức điểm trúng tuyển có ngành chỉ là 13 - 14.
Việc đưa ra mức điểm chuẩn trúng tuyển của mỗi trường giảm nhiều hơn tăng, cũng đã thể hiện mặt bằng kiến thức của thí sinh và năng lực học tập của thí sinh.
Trước băn khoăn việc có thể có thí sinh đỗ được vào trường nhờ gian lận điểm thi, ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội – khẳng định: "Vào trường ĐH Y cần năng lực thực sự mới có thể theo học, nếu không sẽ bị loại bỏ trong quá trình học. 6 năm học với hàng chục kì thi, thậm chí nhiều hơn, không có năng lực chắc chắn không vượt qua được. Các kì thi của trường hầu hết là thi trắc nghiệm khách quan trên máy nên không thể có bất cứ tác động nào”.
Trường ĐH Giao thông Vận tải cũng khẳng định không có chuyện vào đại học bao nhiêu sẽ ra trường được bấy nhiêu. Ông Nguyễn Thanh Chương – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải cho biết, một khóa của trường lấy đầu vào khoảng 3.500 sinh viên nhưng chỉ khoảng 2.700 đến 2.800 được ra trường. Trong một năm, bình quân một khóa của trường loại khoảng 60 - 80 sinh viên.
Theo quy định, từ 7/8 đến trước 17 giờ ngày 12/8, thí sinh sẽ phải đến các trường xác nhận nhập học. Sau khi hết hạn xác nhận nhập học, các trường sẽ tổng hợp kết quả thí sinh xác nhận nhập học, cập nhật lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và quyết định dừng xét tuyển hay tiếp tục xét tuyển bổ sung. Những trường còn thiếu chỉ tiêu sẽ thực hiện xét tuyển bổ sung từ ngày 22/8/2018. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo