Điểm nghẽn thoái vốn ngân hàng
Tiến độ tái cấu trúc ngân hàng có phần chậm lại còn vì một lý do là Chính phủ chưa quyết định việc thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước ở một số ngân hàng theo Nghị quyết 15. Đây được cho là điểm nghẽn để Ngân hàng Nhà nước tái cấu trúc một số ngân hàng trong giai đoạn tiếp theo.
Theo TS.Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), giai đoạn I của lộ trình tái cấu trúc hệ thống tổ chức tín dụng theo Quyết định 254 của Chính phủ đã đạt được ưu điểm là không dùng đến ngân sách khi sử dụng lực lượng thị trường nhưng mặt trái lại tiềm ẩn những rủi ro về sở hữu chéo.
Hai mặt của đồng xu
Cập nhật tình hình hoạt động ở 9 ngân hàng trong diện tái cấu trúc giai đoạn I cho thấy, SCB sau khi hợp nhất 3 ngân hàng (SCB, Đệ Nhất, Đại Tín của nhóm cổ đông lớn trong ngành bất động sản) thì đến nay, ngân hàng này đã có lợi nhuận.
Tương tự, TPBank với sự tham gia của cổ đông Doji, sau khi xử lý xong khoản nợ xấu tích tụ khoảng 1.500 tỷ đồng, ngân hàng này xuất hiện với bộ nhận diện thương hiệu mới.
Đại diện TPBank cho biết, lợi nhuận lũy kế 6 tháng đầu năm 2014 của TPBank đạt 263 tỷ đồng, tương đương 120% so với kế hoạch đề ra và đạt 60% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Tăng trưởng tín dụng ở mức 8,8%. Trong đó dư nợ cho vay các tổ chức kinh tế và cá nhân tăng 16,3%, tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp 1,66%, giảm 0,3% so với đầu năm...
Với SHB, sau khi thâu tóm Habubank (ngày 28/8/2012), phải ôm cục nợ xấu lên tới 21,32% thì sau một năm chật vật xử lý (đến 30/9/2013), nợ xấu chỉ còn 7%. Đến nay, nợ xấu từ Habubank vẫn còn “phảng phất” trong báo cáo tài chính của SHB khi tính đến hết quý 2/2014, nợ xấu ở mức 4%. Tuy nhiên, lũy kế 6 tháng đầu 2014, ngân hàng này đã đạt lợi nhuận trước thuế 505,4 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước.
Một trường hợp khác là PvcomBank ra đời sau khi hợp nhất Ngân hàng Phương Tây, mặc dù tổng tài sản lên tới khoảng 100 nghìn tỷ đồng nhưng cũng phải ôm một gánh nặng nợ xấu của Ngân hàng Phương Tây.
Loại trừ các khoản nợ đặc thù từ việc hợp nhất nói trên đang tạm đặt ra một bên thì kết quả lợi nhuận sau thuế của quý 2/2014 là 34,37 tỷ đồng (Báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất PvcomBank quý 2/2014). Riêng với GPBank, sau nhiều vòng đàm phán, đến nay đã có sự tham gia của cổ đông United OverSeas Bank (Singapore) theo phương án tự tái cơ cấu.
Nhìn lại quá trình tái cấu trúc giai đoạn I, ông Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, ưu điểm lớn nhất là Ngân hàng Nhà nước không dùng đến ngân sách, chủ yếu do các ngân hàng tự nguyện sáp nhập hoặc sử dụng nguồn vốn tư nhân, vốn nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo: “Việc sáp nhập ngân hàng cổ phần này với ngân hàng cổ phần khác có sự đứng sau của của các ông chủ tập đoàn tư nhân dù tiết kiệm được ngân sách nhưng lại tiềm ẩn rủi ro tín dụng do sở hữu chéo nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ”.
Tái cấu trúc chờ doanh nghiệp nhà nước thoái vốn
Tại Điểm 4, Điều 3 Nghị quyết 15/NQ/CP ngày 6/3, Thủ tướng chỉ đạo: “Đối với việc thoái vốn tại các công ty đầu tư tài chính, các ngân hàng thương mại của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có thể giao các ngân hàng thương mại nhà nước mua lại hoặc chuyển Ngân hàng Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu”.
Để triển khai chỉ đạo này thì Bộ Tài chính phải có tờ trình để Chính phủ phê duyệt quyết định hoặc giao cho ngân hàng thương mại nhà nước chi phối vốn mua lại hoặc giao cho Ngân hàng Nhà nước đại diện chủ sở hữu.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn chưa có quyết định của Chính phủ và vì thế, những ngân hàng trong diện phải thoái phần vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư, vẫn đang trong tình trạng chờ đợi. Có thể điểm qua một số trường hợp như Petrolimex sở hữu 40% PGBank, PVN sở hữu 52% PvcomBank, EVN sở hữu 16% ABBANK...
Theo ước tính, lượng vốn mà các tập đoàn, tổng công ty thoái vốn khỏi các ngân hàng mà họ đang nắm giữ có thể lên tới vài chục nghìn tỷ đồng theo mệnh giá. Trên thực tế, chỉ khi có quyết định của Chính phủ thì Ngân hàng Nhà nước mới có thể thực hiện được lộ trình tái cơ cấu đối với những ngân hàng này theo hướng sáp nhập, mua lại...
Trước sự chậm trễ này, ông Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM cho rằng, Chính phủ cần chỉ đạo, đôn đốc các tập đoàn, tổng công ty và các doanh nghiệp nhà nước chủ động thực hiện cơ cấu lại, thoái vốn khỏi các tổ chức tín dụng theo lộ trình đã phê duyệt; tích cực tham gia vào quá trình xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng mà tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước có cổ phần, vốn góp.
Nhớ lại, đầu năm 2014, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, dự kiến trong 2014, sẽ xử lý khoảng 6-7 ngân hàng thông qua hình thức hợp nhất, sáp nhập nhưng nay đã gần hết quý 3/2014 mọi chuyện vẫn im ắng. Chưa kể, trong số các tổ chức tín dụng mà tập đoàn, tổng công ty thoái vốn, ngoài các ngân hàng, còn có khá nhiều công ty tài chính vẫn chưa được để mắt đến.
Theo ông Nguyễn Đức Thành (Trung tâm Nghiên cứu và chính sách Đại học Kinh tế Hà Nội), một trong những mục tiêu của lộ trình tái cấu trúc ngân hàng trong năm 2013 và 2014 là thu hẹp bớt số lượng ngân hàng, loại bỏ những đơn vị yếu kém. Tuy nhiên, việc chậm trễ hối thúc các “ông lớn” thoái vốn đã trì hoãn lại tiến trình nói trên.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ
PGBank đẩy mạnh ký kết hợp tác cùng doanh nghiệp địa phương