Xã hội

Điểm sáng trong công tác an toàn vệ sinh lao động

Tần suất tai nạn lao động giai đoạn 2006-2010 tại Lào Cai giảm 10%/năm và được duy trì tốt cho đến nay.

Là một trong những tỉnh miền núi, vùng cao biên giới có nguồn khoáng sản đa dạng, phong phú, tập trung nhiều dự án trọng điểm của cả nước, Lào Cai đã và đang thu hút một lượng lớn lao động. Hiện toàn tỉnh có khoảng 1.600 doanh nghiệp sử dụng trên 42.000 lao động, trong đó có gần 5.000 lao động hoạt động trong các ngành nghề nguy hiểm, nặng nhọc, có nguy cơ tai nạn và mắc các bệnh nghề nghiệp cao như khai thác, chế biến mỏ, chế biến vật liệu xây dựng…

Tập huấn tốt, giảm vi phạm ATLĐ

Với đặc thù đó, nhưng theo Sở LĐ-TB&XH Lào Cai, công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trên địa bàn tỉnh được cải thiện rõ rệt. Đó là tần suất tai nạn lao động giai đoạn 2006-2010 bình quân mỗi năm giảm 10%, tần suất tai nạn lao động chết người mỗi năm giảm 11,6% và được duy trì tốt cho đến nay.
Khai thác đá là một trong nhiều nghề nguy cơ cao về tai nạn lao động

Có được kết quả trên, nhờ nhận thức rõ những nguy cơ tai nạn mà người lao động có thể gặp phải trong lao động sản xuất, tỉnh đã luôn quan tâm, sát sao chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo hộ lao động (BHLĐ), ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ (PCCN).

Đến nay, Sở LĐTBXH Lào Cai cho biết, tỉnh đã bồi dưỡng huấn luyện nghiệp vụ ATVSLĐ cho 15.810 lượt người sử dụng lao động, cán bộ quản lý, làm công tác ATVSLĐ và người lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở và khu vực sản xuất nông nghiệp, nông thôn; tổ chức khám, quản lý sức khoẻ định kỳ cho 115.501 lượt người lao động làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

Đồng thời, tỉnh đã tổ chức đo kiểm tra môi trường lao động tại các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp có nhiều yếu tố độc hại, nguy hiểm với tổng số 12.462 mẫu, trong đó có 1.987 mẫu không đạt tiêu chuẩn, chủ yếu là các yếu tố vi khí hậu, bụi và tiếng ồn, từ đó kịp thời đưa ra các giải pháp khắc phục góp phần cải thiện môi trường, điều kiện lao động.

Ngoài ra, các ngành, địa phương đã chủ động phối hợp tổ chức trên 200 cuộc thanh tra, kiểm tra về thực hiện pháp luật ATVSLĐ - PCCN tại hơn 3.000 lượt doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, tập trung chủ yếu ở các ngành nghề có nhiều yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, dễ gây cháy nổ. Qua thanh tra, kiểm tra đã kịp thời phát hiện và xử lý những trường hợp vi phạm, ra 29 quyết định xử phạt hành chính những hành vi vi phạm nghiêm trọng, nộp Kho bạc nhà nước 160,1 triệu đồng. 

Tuyên truyền ATLĐ phải đi vào chiều sâu

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Sở LĐTBXH Lào Cai, công tác thực hiện pháp luật về ATVSLĐ - PCCN của tỉnh vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục. Đó là việc triển khai chỉ đạo thực hiện ở một số ngành, địa phương, doanh nghiệp còn chậm, hiệu quả mang lại chưa cao; công tác tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật về BHLĐ, ATVSLĐ tuy đã được quan tâm hơn nhưng chưa thật sự có chiều sâu, phương thức và nội dung chưa thực sự phong phú.

Đáng chú ý nữa, một số doanh nghiệp chưa nắm bắt hết được hệ thống pháp luật về lao động, ATVSLĐ; công tác quản lý của một số ngành chức năng và địa phương chưa thật sâu sát; việc chấp hành chế độ báo cáo định kỳ về công tác ATVSLĐ, tai nạn lao động ở một số doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân chưa bảo đảm theo quy định, nội dung báo cáo còn sơ sài, thiếu chính xác và tính hệ thống...
Để thực hiện tốt chương trình ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh, ngoài việc tập trung tăng cường công tác thanh tra, quản lý nhà nước, hướng dẫn tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về ATVSLĐ - PCCN, chủ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải nghiêm túc, chủ động nắm bắt và triển khai thực hiện các chế độ, tiêu chuẩn, quy phạm về ATVSLĐ - PCCN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời không ngừng cải thiện điều kiện, môi trường làm việc, tạo điều kiện để người lao động được làm việc trong môi trường an toàn nhằm giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.../.

 

 

Hồng Lĩnh (Theo VOV)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo