Quốc tế

Điểm yếu của Trung Quốc trên Biển Đông

Lâu nay người ta nói nhiều đến sức mạnh quân sự của Trung Quốc, chính sách bành trướng của Bắc Kinh trên Biển Đông, o ép các nước trong khu vực. Vậy thì Trung Quốc không có điểm yếu nào về vấn đề Biển Đông sao? Xin thưa là có.

Đó là khẳng định của Ngô Phi-tiến sĩ phát thanh truyền thông Đại học Matxcơva, chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế và an ninh chiến lược.

 

Theo chuyên gia này, Trung Quốc có 2 vấn đề lớn nhất đối với các đảo ở Biển Đông: một là, Trung Quốc không có điều luật bảo vệ lợi ích của mình tại Biển Đông, Trung Quốc chủ yếu dựa vào hiệp thương song phương với các nước liên quan, một khi các nước này nuốt lời, Trung Quốc cũng không có biện pháp nào chống lại;

 

Hai là, Trung Quốc chưa đối mặt với vấn đề Mỹ đề xuất “phi quân sự hóa Biển Đông”, song Mỹ lại đóng quân hoặc có liên minh quân sự với Philippines, Thái Lan hay Singapore, nếu như sau này Trung Quốc khống chế toàn bộ Biển Đông, Mỹ và Trung Quốc sẽ ở vào trạng thái đối đầu quân sự toàn diện tại đây.

 

Cựu Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ Joseph Wilson Prueher cho biết lần này Biển Đông xuất hiện vấn đề, Mỹ chủ yếu là bên quan sát, và quan tâm chính của Mỹ có 3 điểm: Thứ nhất, thái độ của các nước Đông Nam Á đối với Trung Quốc như thế nào?

 

Trong tương lai các nước Đông Nam Á có liên minh phát triển lực lượng quân sự với Mỹ hay không? Thứ hai, liệu Triều Tiên có nhân lúc bạo loạn lần này gây ra khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên hay không? Mức phối hợp của lãnh đạo Kim Jong Un với Mỹ có cao hơn thời kỳ ông Kim Jong-Il hay không?

 

Thứ ba, năng lực của Trung Quốc khi đồng thời khống chế bán đảo Triều Tiên và Biển Đông như thế nào? Sự khảo sát của Mỹ đến nay cơ bản đều đã có câu trả lời đầy đủ.

 

 

Trong vấn đề Biển Đông, nếu không thể giải quyết một cách căn bản, thì Trung Quốc chỉ có thể áp dụng chiến tranh quy mô vừa và nhỏ để giải quyết các vấn đề gặp phải trên biển.

 

Trung Quốc đang ở vào giai đoạn kinh tế phát triển nhanh, quân sự cũng trong giai đoạn được nâng cao, vậy trong bối cảnh Mỹ và các nước Đông Nam Á chưa thấy rõ được “lá bài tẩy” của Trung Quốc, liệu Trung Quốc có sử dụng lực lượng quân sự của mình để biến thành thách thức hay không?

 

Sau khi trỗi dậy hoàn toàn, liệu Trung Quốc có sử dụng biệp pháp quân sự trong vấn đề Biển Đông hay không? Điều này đang trở thành tiêu chí chủ yếu để Trung Quốc xử lý các công việc quốc tế trong tương lai.

 

Nếu bình tĩnh xử lý thì giới hạn đỏ của biện pháp này nằm ở đâu? Mềm nắn rắn buông? Trong quá trình phát triển cải cách kinh tế trước đây, Trung Quốc chưa hề dấy binh tại Biển Đông.

 

Trước năm 2008 dưới thời Trần Thủy Biển, khi đối mặt với thách thức Đài Loan độc lập, Trung Quốc cơ bản giao lưu với Quốc Dân đảng và Dân Tiến đảng là chính, giới hạn cuối cùng của Trung Quốc đối với Đài Loan không rõ ràng, giới hạn cuối cùng của việc sử dụng vũ lực cũng chưa rõ ràng, sau khi luật chống Đài Loan độc lập ra đời, “lá bài tẩy” của Trung Quốc mới dần hiện rõ, điều kiện Trung Quốc tấn công Đài Loan là chỉ cần “Đài Loan tuyên bố độc lập, hoặc nội bộ Đài Loan xuất hiện vấn đề, nội loạn”.

 

Ba năm gần đây, vấn đề của Trung Quốc tại Biển Đông chủ yếu là thái độ ngoại giao luôn lặp lại. Lúc đầu, lợi ích cốt lõi của Trung Quốc chủ yếu liên quan vấn đề Tây Tạng, Tân Cương và quan hệ hai bờ.

 

Mặc dù rất nhiều tổ chức nhân quyền Mỹ quấy rối Tây Tạng và Tân Cương, một số tổ chức chính trị Mỹ cũng quấy nhiễu vấn đề Đài Loan, song Chính phủ Mỹ luôn giữ thái độ không can thiệp đối với vấn đề Tây Tạng và Tân Cương, trong vấn đề Đài Loan cũng chủ yếu dừng lại ở Đạo luật quan hệ Đài Loan. Mặc dù trong rất nhiều trường hợp Trung Quốc cho rằng Mỹ thực hiện chính sách hai mặt, song cơ bản Mỹ vẫn không thách thức lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.

 

Sau khi Trung Quốc đưa Biển Đông vào lợi ích cốt lõi của mình, các nước Đông Nam Á 3 năm gần đây đẩy mạnh việc nhập khẩu vũ khí, Ấn Độ và Đông Nam Á đều có lí do tốt nhất để nhập khẩu vũ khí, khiến lực lượng quân sự các nước này bắt đầu lớn mạnh.

 

Lợi ích của Mỹ liên quan tới vấn đề Biển Đông cũng rất rõ ràng, giới cấp cao Mỹ từng nhấn mạnh Mỹ sẽ là khách hàng lớn nhất đối với dầu lửa và khí đốt tự nhiên ở Biển Đông trong tương lai.

 

Trung Quốc từng đưa ra “gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác”, song liệu Trung Quốc có đóng quân tại các đảo ở Biển Đông, để sau đó phát triển các đảo bãi thành căn cứ tiếp tế cho các chiến hạm hay không?

 

Nếu có, nó sẽ tạo ra mối đe dọa đối với quân đội Mỹ đồn trú tại Philippines và Đông Nam Á. Các vấn đề này cho thấy cả Trung Quốc và Mỹ đều chưa rõ giới hạn cuối cùng của đối phương trong quá trình đàm phán.

 

Nếu như Trung Quốc sử dụng quân sự đối với các đảo ở Biển Đông, bao gồm cả đảo Hoàng Nham, xét về lâu dài thì “hại nhiều hơn lợi”, chủ yếu là bởi điều kiện chiến tranh vẫn chưa chín muồi.

 

Do đang trỗi dậy nên trong quan hệ đối ngoại, Trung Quốc thường quen dùng phương thức ngoại giao tiền bạc, mua chuộc và buôn bán, song vấn đề lớn nhất của ngoại giao tiền bạc nằm ở chỗ quan chức ngoại giao Trung Quốc khó có hiểu biết sâu sắc về tình hình nội chính của quốc gia địa phương, hoặc sau khi hiểu sâu rồi, do “ăn sổi”, chỉ thiên về bên chấp chính, khi phe chống đối giành chính quyền lại có sự thay đổi mang tính căn bản về chính sách đối với Trung Quốc.

 

Nhân tố tâm lý tiềm tàng của dân chúng Trung Quốc khi muốn áp dụng biện pháp quân sự tại Biển Đông nằm ở chỗ: Trung Quốc trỗi dậy, về chính trị và kinh tế có đủ năng lực xử lý những xung đột với các nước xung quanh, nếu như Trung Quốc hiện vẫn chưa đủ sức mạnh thách thức Nhật Bản, thì cũng đủ khả năng ra đòn đối với Philippines tại Biển Đông, sau này thậm chí cũng có thể ra đòn với nước khác.

 

Tuy nhiên, nếu tấn công Philippines, hành động này lập tức sẽ mang lại cơ sở vững chắc để các nước Đông Nam Á liên kết với nhau về chính trị và kinh tế để đối phó với Trung Quốc, đồng thời cũng khiến các nước này bắt đầu tính đến việc làm thế nào phát triển một liên minh Đông Nam Á không có Trung Quốc, và tất nhiên cũng mang lại cho các nước lý do tuyệt vời để đẩy mạnh việc nhập khẩu vũ khí.

 

Sai lầm lớn nhất của ngoại giao Trung Quốc kể từ sau năm 1949 là quay mặt gây chuyện với Liên Xô khiến ngoại giao Trung Quốc luôn ở vào cục diện bị động, cho đến tận sau chuyến thăm của Nixon, Trung Quốc mới từng bước chuyển mình.

 

Sau năm 2012, nếu như Trung Quốc quay lại gây chuyện với các nước ASEAN, điều này liệu có lặp lại kịch bản của Liên Xô đánh Afghanistan năm xưa hay không, tức Trung Quốc bắt đầu đi vào giai đoạn suy thoái? Một bài học lịch sử còn nguyên giá trị với người Trung Quốc.

 

 

Theo TPO

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo