Xã hội

Điện Biên: 8 người thương vong vì xuống giếng cứu lợn

Phát hiện con lợn rơi xuống giếng trong sân nhà, 2 người xuống cứu thì bị ngạt khí tử vong, 6 người khác bị thương chảy máu mũi, máu tai.

Cụ thể, vào khoảng 22h ngày 12/5, anh Tòng Văn Doan, sinh năm 1983 cùng bố đẻ là ông Tòng Văn Kiêu, trú tại bản Chiềng Chung, xã Thanh An, huyện Điện Biên phát hiện con lợn khoảng 10kg rơi xuống giếng trong sân nhà, theo tin tức trên báo VOV.

Hiện trường xảy ra vụ tai nạn ngạt khí đau lòng khiến 2 người chết. 6 người bị thương. Ảnh VOV.

Ngay khi phát hiện, anh Doan đã dùng thang, buộc dây vào người để trèo xuống giếng kéo lợn lên, song dây buộc người bị đứt. Thấy anh Doan kêu cứu vì khó thở, chú ruột Tòng Văn Hương đã tiếp tục trèo xuống cứu và cũng bị ngạt khí, ngất xỉu dưới giếng.

Ngay sau đó, 6 người khác trong bản đã lần lượt trèo xuống giếng để cứu người, tuy nhiên, khi xuống đến nơi, cả 6 người đều phải gọi người kéo lên ngay vì ngạt thở, thậm chí, có người bị chảy máu mũi, máu tai.

Khi lực lượng chức năng đến hiện trường thì anh Doan và ông Hương đã tử vong dưới giếng. Đến khoảng 24h cùng ngày, các nạn nhân mới được kéo lên mặt đất.

Tại bệnh viện huyện Điện Biên, anh Lường Văn Lâm kể lại: “Khi thấy Doan và anh Hương bị chìm dưới đó, tôi leo thang xuống để cứu. Nhưng xuống đến nơi thấy đầu choáng váng, không thở được, chân tay tê cứng rồi không biết gì nữa, khi tỉnh lại thì thấy đã nằm ở trong bệnh viện rồi., báo TTXVN đưa tin.

Bác sĩ Vũ Hồng Vương, Trưởng kíp trực tại bệnh viện huyện Điện Biên cho biết: Nạn nhân Lường Văn Lâm sau khi sơ cứu đã được đưa vào bệnh viện trong tình trạng tím tái, chân tay co quắp, tinh thần hoảng loạn không tự chủ được. 

 

Sau khi điều trị tích cực, đến hôm nay (15/5), anh Lâm đã cơ bản bình phục. Những người khác do được sơ cứu kịp thời tại chỗ, nên đã phục hồi, nên gia đình không đưa vào bệnh viện điều trị.

Tại hiện trường xảy ra tai nạn, phóng viên chứng kiến giếng sâu tới trên 10m, từ mặt nước tới mặt đất khoảng 5m, trong khi lòng giếng hẹp với đường kính chưa tới 1m.

Theo ông Nguyễn Văn Cương, Chủ tịch UBND xã Thanh An, do khu vực này mực nước ngầm thấp, nên người dân phải đào giếng khá sâu, từ 10- 15m. Ông Cương khuyến cáo người dân còn sử dụng giếng khơi cần vệ sinh, cải tạo giếng ít nhất mỗi năm 1 lần. 

Khi có việc cần leo xuống giếng, kinh nghiệm dân gian là buộc 1 bó cành cây lớn, thả xuống và kéo lên liên tục trong khoảng 5- 10 phút để lùa ô xi xuống đẩy khí độc bay lên.

Sau khi sự việc xảy ra, chính quyền địa phương đã tổ chức xuống gia đình người bị nạn động viên thăm hỏi; đồng thời làm thủ tục để hỗ trợ kinh phí cho gia đình người bị nạn. 

 

Nên đọc
Hiền Minh (Tổng hợp theo báo TTXVN, VOV)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo