Xã hội

Điện Biên Phủ - bản hùng ca bất diệt

Điện Biên Phủ những ngày này nhộn nhịp lạ thường. Hàng vạn du khách trong nước và nước ngoài, những cựu chiến binh ngực đeo đầy huy chương… đã tề tựu về đây, ngay trong thành phố mang tên chiến dịch chấn động địa cầu, ngay trên con đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới được đổi tên từ đường 7.5 cách đây chưa đầy hai tuần.

Trong ánh mắt, trong nụ cười của những người con Điện Biên và những du khách về đây dường như đều hướng về một ngày trọng đại: Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - lễ kỷ niệm cấp quốc gia diễn ra hôm nay (7.5).

“Tôi tới chào đồng đội lần cuối”
 
Người cựu chiến binh già Nguyễn Văn Tạo quê ở Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc) thoăn thoắt nhảy qua nhảy lại qua giao thông hào rộng gần 1 mét quanh căn hầm của tướng De Castries. Ông quá nhanh nhẹn so với cữ tuổi 88. “Mỗi lần về đây, tôi như được trở lại tuổi 28 của mình khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ" - ông Tạo nói. Người chiến binh già từng là chỉ huy cấp tiểu đoàn ở binh chủng pháo binh bồi hồi nhớ: “Tôi nhập ngũ năm 1946, đến năm 1954 là lên Điện Biên. Đời tôi mấy cái may, thứ nhất là trời cho sống đến tuổi này, gần 90 rồi. Thứ hai làm lính cả đời mà vẫn lành lặn. Một may mắn nữa là được làm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.
 
Nhớ về Đại tướng, ông Tạo bùi ngùi: “Pháo binh chúng tôi lúc đầu được lệnh đánh nhanh thắng nhanh, được mấy ngày, nhận lệnh Đại tướng kéo pháo ra để đánh chắc, thắng chắc. Cái tài tình của Đại tướng chính là chỗ này, chứ nếu cứ đánh thì thương vong nhiều lắm, mà còn chưa chắc vào được Điện Biên. Đó là thời kỳ gian lao mà anh hùng, chúng tôi ai cũng tin chắc vào chiến thắng. Lúc ấy không đói cơm, chỉ đói đạn. Sau này, chúng tôi lấy đạn của Pháp để đánh Pháp, cả mặt trận lấy được 6.000 viên...”.
 
Chương trình míttinh, diễu binh, diễu hành diễn ra sáng nay (7.5) đã được trù liệu quy mô rất hoành tráng (ảnh chụp trong buổi tổng duyệt). ảnh: Giang Huy
 
Cựu binh Nguyễn Văn Tạo khi rời quân ngũ với hàm đại tá, khi lên Điện Biên, ông không đeo chiếc huân chương nào. “Tôi về lại Điện Biên Phủ với bạn bè đã nằm xuống, với tư cách là một người lính, vậy thôi” - ông tâm sự. Từ 1994, cứ 10 năm một lần, ông Tạo lại lên Điện Biên thăm bạn, lần này đi cùng ông có cô con gái lớn tháp tùng, vì sợ bố già cả, lỡ có việc gì. “Lần này kỷ niệm 60 năm là rất to đấy, vì có lẽ đây là chót mà thế hệ cựu binh Điện Biên Phủ còn sống mà đến đây, bởi tất cả đều trên dưới 80 tuổi rồi. 
 
Thôi coi như lần này, tôi tới chào đồng đội lần cuối, rồi sau đó có thể lại tụ hội với anh em ở dưới kia” - người lính già cao niên cười hiền lành. Người con gái cũng hơn 50 tuổi len lỏi đi tìm mộ của những người lính lê dương để thắp mấy nén nhang. “Họ chỉ là những người lính đánh thuê, đi lính để có lương nuôi gia đình, nên đâu có thù hằn gì với mình...” - chị lý giải việc làm của mình.
 
Bố con cựu binh Nguyễn Văn Tạo cũng giống như hàng ngàn gia đình chiến binh khác đến hầm của tướng De Castries rồi tản bộ của cầu Mường Thanh, đi trên đường Võ Nguyên Giáp thong dong rồi bách bộ qua những chứng tích lịch sử như cụm đề kháng Him Lam, đồi A1, E1, E2, D1 - vị trí đặt tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ - và nghĩa trang A1 - nơi yên nghỉ của 600 anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh góp phần làm nên chiến thắng lịch sử lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
 
60 năm, mọi con tim đều hướng về Điện Biên Phủ, dành trọn tình cảm cho một ngày trọng đại.
 
Các bạn đang sống ở một đất nước tuyệt đẹp
 
TP.Điện Biên Phủ lại rạo rực tấp nập trong thời khắc chuẩn bị cho ngày đại lễ. Khánh thập phương đổ về Điện Biên. Bà con dân tộc thiểu số quanh vùng cũng khăn áo rộn ràng về với thành phố. Bà Lò Thị Then - người dân tộc Thái ở huyện Điện Biên Đông - nói: “Năm nay vui hơn và có bắn pháo hoa, duyệt binh, diễu hành. Từ mấy hôm trước, cả bản chúng tôi hẹn nhau về Điện Biên”.
 
Trong sự đông vui, nhộn nhịp và đầy màu sắc trên các con đường ở TP.Điện Biên, người ta không chỉ thấy những cựu chiến binh VN tới đây, mà còn có những cựu chiến binh nước ngoài tới Điện Biên Phủ thăm các chiến tích lịch sử. Đó là sĩ quan hải quân Bruno - đến từ Brazil với bộ quần áo trắng muốt, là anh Khamvay người đeo đầy huy chương - đến từ Campuchia...
 
Tác giả cùng cựu chiến binh Nguyễn Văn Tạo tại hầm De Castries.
 
Trò chuyện với PV  trên đỉnh đồi D1, cựu chiến binh người Thụy Sĩ có tên Bruchez nói: “Đoàn chúng tôi gồm 19 người, là những cựu chiến binh đến từ Thụy Sĩ, chúng tôi tham gia quân đội từ cuối những năm 60 nên đều biết về chiến thắng Điện Biên Phủ bởi tiếng vang của nó. Đó là một chiến thắng thần kỳ. Đây là lần thứ hai tôi tới Điện Biên và tôi thật sự khâm phục sự dũng cảm của cả những người lính VN lẫn những người lính Pháp. 
 
Thắng hay thua trong cuộc chiến oanh liệt này, họ đều là những anh hùng. Chúng tôi cũng đã đi dọc chiều dài VN, qua những chiến tích chiến tranh như Quảng Trị, ngã Ba Đồng Lộc... và bây giờ là Điện Biên Phủ. Các bạn đang sống ở một một đất nước đáng tự hào và tuyệt đẹp. Tôi sẽ còn trở lại nhiều lần, chắc chắn là như thế...”.
 
Trước khi chia tay, người cựu chiến binh từ Thụy Sĩ xa xôi nói: “Với riêng tôi, tướng Võ Nguyên Giáp là một người phi thường...”.
Báo Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo