Xã hội

Điện thoại di động thải bỏ phải mang đến điểm thu hồi

Từ ngày 1/1/2015, người tiêu dùng phải chuyển trực tiếp điện thoại di động, máy tính bảng cũ không dùng được nữa đến điểm thu hồi hoặc chuyển cho cơ sở thu gom, xử lý chất thải hoặc người thu gom.

Đây là quy định mới đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra trong dự thảo Thông tư thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ.

Danh mục có sáu nhóm sản phẩm gồm ắc quy, pin; thiết bị điện tử, điện dân dụng và công nghiệp; hóa chất sử dụng trong công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản và thuốc sử dụng cho người; dầu nhớt, mỡ bôi trơn. Giai đoạn tiếp theo từ năm 2016 các sản phẩm máy sao chụp giấy (photocopier), tivi, tủ lạnh, máy điều hòa nhiệt độ, máy giặt thuộc nhóm thiết bị điện tử, điện dân dụng và công nghiệp cùng nhóm sản phẩm săm, lốp sẽ bắt đầu thu hồi. Đối với nhóm sản phẩm phương tiện giao thông cũng phải mang đến điểm thu gombắt đầu từ 1/1/2018.

Quyết định này áp dụng đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ.

Theo đó, các chủ doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phải tiếp nhận sản phẩm thải bỏ của mình và được tiếp nhận sản phẩm thải bỏ cùng loại của các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu khác tại điểm thu hồi.

Chủ doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phải vận chuyển sản phẩm thải bỏ từ điểm thu hồi đến nơi xử lý và phải chịu trách nhiệm về những ảnh hưởng gây tác động xấu đến môi trường trong quá trình vận chuyển. Mọi hoạt động vận chuyển sản phẩm thải bỏ ra nước ngoài phải tuân thủ quy định pháp luật của Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Ngoài ra, các chủ doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phải xử lý sản phẩm thải bỏ đã thu hồi được tại nơi xử lý có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải.

Đặc biệt, quy định mới nêu rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp, người tiêu dùng phải chuyển trực tiếp sản phẩm thải bỏ đến điểm thu hồi hoặc chuyển cho cơ sở thu gom, xử lý chất thải hoặc người thu gom.

Chủ cơ sở phân phối phải phối hợp với chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thiết lập điểm thu hồi và tiếp nhận sản phẩm thải bỏ tại cơ sở của mình theo đề nghị của chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Chủ cơ sở thu gom, xử lý chất thải khi thực hiện hợp đồng với chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ phải tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Người thu gom khi tiếp nhận sản phẩm thải bỏ từ người tiêu dùng phải chuyển đến điểm thu hồi.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng, người thu gom khi chuyển sản phẩm thải bỏ đến điểm thu hồi được thỏa thuận với chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ về quyền lợi được hưởng.

Các chủ cơ sở phân phối khi tham gia thu hồi sản phẩm thải bỏ được tạo điều kiện thuận lợi trong việc lựa chọn địa điểm kinh doanh phù hợp. Chủ cơ sở thu gom, xử lý chất thải khi thực hiện hợp đồng thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ thì được hưởng ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

Theo dự thảo thông tư , chủ doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phải báo cáo lần đầu về việc thiết lập hệ thống điểm thu hồi đến Tổng cục Môi trường và Sở Tài nguyên và Môi trường nơi mình có trụ sở chính theo mẫu quy định trước ngày 1/7/2015

Trước ngày 30/1 hàng năm, chủ doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu và cơ sở thu gom, xử lý chất thải phải báo cáo kết quả việc thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ đến Tổng cục Môi trường và Sở Tài nguyên và Môi trường.

Hồng Trang
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo