Thị trường

Điệp khúc buồn "được mùa mất giá, được giá lại mất mùa"

(DNVN) - Hiện nay, cử tri, nhất là nông dân vẫn đang rất lo lắng trước thực trạng sản lượng cao, dẫn đến nguồn cung dư thừa và điệp khúc buồn, được mùa rớt giá luôn lặp đi, lặp lại.

Phát biểu tại phiên thảo luận ngày 9/6, đại biểu Quốc hội Đoàn Văn Việt (Lâm Đồng) cho rằng, mô hình tăng trưởng nông nghiệp hiện nay đang bộc lộ nhiều điều đáng lo ngại về chất lượng và giá trị của hàng nông sản. Cử tri, nhất là nông dân vẫn đang rất lo lắng trước thực trạng sản lượng cao, dẫn đến nguồn cung dư thừa và điệp khúc buồn, được mùa rớt giá luôn lặp đi, lặp lại.

Theo vị đại biểu, trong thời gian qua, các biện pháp tình thế, giải cứu hàng nông sản lại được đặt ra nhưng chưa thể làm yên lòng bà con nông dân, có một số nông sản khác được giá xong mất mùa do tình trạng sâu bệnh hoành hành và chúng ta không kịp thời giải quyết, khắc phục. Tình trạng trên có phần do đa số bà con nông dân sản xuất quy mô nhỏ lẻ, tự phát không theo quy hoạch, trong khi công nghiệp hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch của nước ta còn nhiều hạn chế dẫn đến giá trị nông sản thấp thu nhập của một bộ phận nông dân chủ yếu vẫn là lấy công làm lời.

Đại biểu Quốc hội Đoàn Văn Việt.

Đồng ý với điều này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng, hiện trạng nông nghiệp vẫn còn nhiều điều đáng suy ngẫm, đa số nông dân vẫn chật vật lo toan với nhiều nỗi gian truân, bài ca "được mùa mất giá, được giá mất mùa" đã quá quen thuộc được nông dân và đại biểu Quốc hội hát đi, hát lại qua nhiều nhiệm kỳ, mặc dù bài ca đó không được ai cấp phép.

Nhiều năm qua hết thanh long, dưa hấu, tỏi, hành tím, hạt tiêu, giờ lại đến thịt lợn, trứng gà, bí đỏ, chuối và tới đây danh sách nông sản ế thừa chắc còn kéo dài nữa. Hiện nay, chúng ta đang chứng kiến nỗi đau của người chăn nuôi, đáng tiếc trong báo cáo của Chính phủ không đánh giá cụ thể về việc này.

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) lại cho rằng, trong vấn đề tăng trưởng kinh tế hiện nay, nút thắt lớn nhất chủ yếu vẫn do tăng trưởng không tốt từ khu vực sản xuất, đặc biệt là khâu chế biến. Với thực trạng hiện nay, giá một số mặt hàng không ổn định như giá thịt lợn hơi, giá tiêu, giá trứng giảm mạnh gây thiệt hại lớn cho người sản xuất. Giải pháp của Chính phủ là đẩy nhanh tiến độ thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trong đó có giải pháp giải cứu ngành chăn nuôi lợn là giải pháp tức thời, để ngành nông nghiệp phát triển bền vững, Chính phủ cần có giải pháp căn cơ, đồng bộ hơn.

Trước thực trạng của ngành nông nghiệp hiện nay, để góp phần tháo gỡ những khó khăn cho nông nghiệp, nông dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các đại biểu Quốc hội đưa ra nhiều giải pháp và kiến nghị để giúp nông dân giải quyết bài toán này.

Đại biểu Quốc hội Đoàn Văn Việt (Lâm Đồng) đề nghị, Chính phủ cần có chính sách mạnh mẽ và cụ thể hơn nữa để hỗ trợ xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Tạo bước chuyển biến trong sản xuất và kinh doanh nông sản như ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, nông nghiệp đã từng đề xuất doanh nghiệp hóa nông dân, doanh nghiệp hóa nông nghiệp. Chính sách này để phát triển kinh tế tư nhân, trong đó có các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ các mô hình sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt phải có cơ chế để phát triển công nghiệp chế biến nông sản. Đây là khâu quan trọng để chúng ta giải quyết bài toán về giá trị hàng nông sản, một trong những giải pháp căn cơ để giải quyết bài toán được mùa mất giá mà chúng ta thường gặp trong thời gian vừa qua.

 

Đồng thời, theo đại biểu, cần xây dựng khung chính sách rõ ràng tạo điều kiện cho các địa phương đẩy mạnh các hoạt động liên kết nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông và ngân hàng. Mục tiêu là làm sao quy hoạch được vùng nguyên liệu đủ để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến các loại nông sản theo đó việc tập trung tích tụ đất đai liên kết giữa các hộ nông dân là những giải pháp cần phải tính đến. Đồng thời cần có chính sách mạnh mẽ trong khuyến khích thu hút đầu tư, đẩy mạnh việc phát triển công nghệ chế biến, đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng xúc tiến quảng bá thương hiệu, tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước để chúng ta tiêu thụ sản phẩm có tính đến các thị trường có yêu cầu cao về chất lượng nông sản.

Cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cho rằng, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai quyết liệt hơn nữa việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó, tập trung vào công tác quy hoạch ngành, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm an toàn có tiềm năng xuất khẩu tốt, có chính sách hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp, ứng dụng kĩ thuật công nghệ hiện đại, đẩy mạnh phát triển các hợp tác xã kiểu mới để thực hiện liên kết giữa nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và ngân hàng để giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của nông dân Việt Nam, góp phần giảm dần sản xuất manh mún, tự phát của hộ gia đình, phát triển nền nông nghiệp Việt Nam bền vững.

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo