Môi trường

Điệp khúc… chờ giải quyết

Không chịu nổi tình trạng ô nhiễm nặng nề, người dân phản kháng - mà theo cách gọi của những người có trách nhiệm là hành vi quá khích, gây rối trật tự công cộng.

Hậu quả, những người tự bảo vệ cuộc sống của mình lại vướng vào vòng lao lý. Nhưng sự chịu đựng của con người cũng có giới hạn.



5.000 hay 40.000 con?



Xin trở lại “địa danh” trại lợn Thái Dương (Nghệ An). Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đại Sơn – ông Đặng Văn Toàn - đã vào tận trại lợn chiều 25/4 để lập biên bản vi phạm. Tuy nhiên, vẫn là điệp khúc “giám đốc đi vắng, tôi không có thẩm quyền”. Theo ông Toàn, nước thải đã tràn lên bể biogas chảy ra ngoài theo các ống cống làm bằng nhựa, có chỗ ngấm qua chân tường rào. Tuy lưu lượng không nhiều nhưng lại tràn qua nhiều điểm, nên có thể nguồn nước thải này là nguyên nhân làm chết cá.



Ông Toàn không nói nhiều đến chuyện cá chết, vì theo ông là không phải lần đầu. Ông cũng không nhiều lời về tình hình ô nhiễm do trại lợn Thái Dương gây ra, vì quá nghiêm trọng và ai cũng đã biết. Ông rất gay gắt khi nói về thái độ của Công ty Thái Dương: “Chỉ đến khi bà con có hành động quá khích thì phía Công ty mới có thái độ hợp tác. Trước đây, chúng tôi đến làm việc với họ là thể nào cũng cãi nhau, rồi lại bực tức xách cặp ra về. Có bữa, họ còn xúc phạm: “Dốt nhất là cán bộ xã”.



Bà con nhân dân nói rằng muốn khắc phục được ô nhiễm, giải quyết được mâu thuẫn giữa người dân với Công ty thì trước hết phải xác định tổng đàn lợn là bao nhiêu con. Theo phê duyệt của Ủy ban Nhân dân tỉnh, tổng đàn là 5.000 con. Nếu chỉ như thế thì có thể giải quyết được ô nhiễm.



Ngặt nỗi, phía Công ty TNHH Thái Dương lại cho rằng, 5.000 con là lợn nái, từ 5.000 con nái sẽ đẻ ra tổng đàn khoảng gần 40.000 con. 5.000 con hay 40.000 con là vấn đề mà tỉnh và Công ty này đang tranh cãi. Ông Toàn thở dài: “Chính vì 40.000 con mà bà con chúng tôi mới khổ sở như thế này. Thế mà Cục Chăn nuôi lại có công văn nói rằng, 5.000 con lợn nái thì tổng đàn là 38.000 con. Thế có khổ dân không”.



Cty Thái Dương đã thất hứa với chính quyền, với dân năm lần mà lần nào cũng hứa khắc phục, cũng hứa giải quyết, nhưng rồi đâu lại vào đó. Chính vì thất hứa như vậy nên bà con lại càng bức xúc. Ngày 12/6/2010, gần 1.000 người dân “cắm trại”, bao vây trại lợn, yêu cầu Công ty ngừng sản xuất để khắc phục ô nhiễm, trả lại môi trường trong lành cho dân. Chủ tịch tỉnh đã về thị sát, có kết luận, nhưng phía Công ty không nghiêm túc thực hiện. Thêm một lần nữa, ngày 12/10/2011 nhân dân lại tái bao vây. Tình hình rất “nóng”, nên tỉnh và Công ty đã có cuộc đối thoại với dân.



Ông Toàn kể: “Hôm đó, Phó Chủ tịch tỉnh Đinh Viết Hồng mời Tổng Giám đốc công ty lên hứa với dân. Chính ông Lê Quang Thành - Tổng giám đốc - đã hứa: “Chậm nhất là ngày 30/12/2011, chúng tôi sẽ di dời đàn lợn ra khỏi địa bàn”. Nhưng rồi, quá hạn theo lời hứa, trong khi Công ty không động tĩnh, hàng trăm người đã xông vào trại lợn với lý lẽ: Công ty không di dời được lợn thì dân di dời giúp. Thế là chuồng trại bị tháo ra, hàng nghìn con lợn sổng chuồng... Tỉnh Nghệ An đã phải huy động hàng trăm cảnh sát về xã Đại Sơn để vãn hồi trật tự. Đã có 13 người bị khởi tố, bắt giam. “Bây giờ chúng tôi rất khó làm việc, rất khó nói với dân, họ không tin nữa, đã năm lần bảy lượt thất hứa với dân rồi” - ông Toàn buồn bã.



Chia tay ông Toàn dưới cái nắng nóng oi nồng cộng với mùi cá chết tanh tưởi ở Đại Sơn, tôi vẫn chưa quên câu chuyện ông kể: Vừa rồi, có cán bộ đoàn kiểm tra của Hội đồng Nhân dân tỉnh về xã Đại Sơn giám sát tình hình giải quyết ô nhiễm do trại lợn gây ra, phát biểu: Chúng ta phải đứng về nhân dân, không thể để tình trạng ô nhiễm môi trường thế này được. Tôi trả lời ông ấy rằng: “Câu đó chúng tôi đã nghe nhiều rồi, nghe chán tai rồi”!



“Thủ phạm” dẫn nước thải từ trại lợn Thái Dương.

Lấp cống xả vì quá bức xúc



Ròng rã chờ đợi Công ty cổ phần Sonadezi Long Thành (Đồng Nai) bồi thường thiệt hại suốt chín tháng trời, trong khi nguồn nước vẫn bị ô nhiễm đe dọa cuộc sống, nhiều nông dân vì quá bức xúc đã đòi lấp cống xả của Công ty cổ phần Sonadezi Long Thành.



Ông Võ Văn Luật - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tam An - cho biết, đã tròn 9 tháng từ khi cơ quan chức năng phát hiện vụ việc Công ty cổ phần Sonadezi Long Thành xả nước thải sai quy định, người dân phải sống chung với ô nhiễm và sự hoang mang, lo sợ sức khỏe và cuộc sống bị ảnh hưởng rất nhiều. Bởi vậy, sự việc người dân đòi lấp cống của Sonadezi là chuyện “tức nước vỡ bờ” vì quá bức xúc, trong khi các cơ quan chuyên môn lại chậm trễ trong việc đánh giá thiệt hại.



Theo ông Luật, sau khi Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (cơ quan đại diện phía nam - C49B), Bộ Công an bắt quả tang Công ty cổ phần Sonadezi Long Thành xả nước thải ô nhiễm ra rạch Bà Chèo cho đến nay, đã có 250 hộ dân thiệt hại về cây trồng, vật nuôi và thiệt hại ngành nghề như chèo ghe bắt tôm, đánh cá... Số tiền mà người dân hai xã Tam An và Tam Phước đòi bồi thường lên đến gần 20 tỉ đồng.



Ông Nguyễn Văn Trai bức xúc: “Chúng tôi đã quá sợ những lời hứa “suông” rồi! Chúng tôi muốn được đối thoại trực tiếp với Công ty cổ phần Sonadezi Long Thành hay Sở Tài nguyên và Môi trường, chứ không phải là Hội Nông dân huyện Long Thành hay Ủy ban Nhân dân xã Tam An chỉ biết động viên chúng tôi chờ đợi. Cứ hứa lên hẹn xuống hết tháng này đến tháng kia mà cũng không thấy ai giải quyết, riết tức quá nên bà con mới đòi lấp cống không cho xả thải”.



Bà Tùng giải thích, hiện tâm trạng gia đình bà và nhiều nông dân khác rất hoang mang và lo sợ. Vào những ngày trời mưa to, nhà máy Sonadezi vẫn lén lút xả thải ra môi trường, mặc dù không bắt được quả tang nhưng ngày hôm sau nhìn mương nước đen và sền sệt là biết đã có xả thải ra môi trường. “Chính vì lo sợ và quá bức xúc nên nhiều người dân mới đòi lấp cống nhà máy Sonadezi Long Thành”.



Trước đó - vào cuối tháng 2, khoảng 50 người dân xã Tam An đại diện cho hàng trăm hộ dân bị thiệt hại bởi nước thải ô nhiễm của Sonadezi Long Thành đã kéo đến Ủy ban Nhân dân xã Tam An đặt vấn đề bồi thường, nhưng Ủy ban Nhân dân xã không trả lời được.



Đúng một tháng sau, người dân tiếp tục kéo lên Ủy ban Nhân dân xã Tam An đòi bồi thường. Lúc này, Ủy ban Nhân dân xã đề nghị người dân ra về, chờ cơ quan chức năng giải quyết. Suốt từ đó đến nay, do chờ đợi quá lâu mà không thấy cơ quan nào bồi thường, nên ngày 27/4, nhiều người ở khu vực rạch Bà Chèo (xã Tam An) mang những bao tải chứa đầy đất đá, xà bần xây dựng đòi lấp tuyến ống nước thải của khu công nghiệp Long Thành.



Sự việc đòi lấp cống được người dân giải thích không phải vì gây áp lực với Công ty cổ phần Sonadezi Long Thành để đòi bồi thường, mà mong muốn các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc trả lại sự trong sạch cho môi trường sống, để người dân được yên tâm canh tác và sinh sống trên mảnh đất của mình.



Trong buổi tiếp xúc với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai vào ngày 3/5, gần 200 người dân Tam Thái yêu cầu Cty Sonadezi Long Thành đối thoại và xin lỗi người dân. Ông Nguyễn Văn Trai - ấp 2, xã Tam An - bức xúc: “Từ khi xảy ra vụ việc Sonadezi Long Thành xả thải ra môi trường, chúng tôi không bao giờ thấy phía đại diện của Sonadezi tiếp xúc với dân, còn cơ quan chức năng chậm chạp giải quyết, khiến ngày 27/3 bà con đòi lấp cống, cũng không thấy đại diện Sonadezi ra mặt. Như vậy, trách nhiệm của Sonadezi Long Thành ở đâu, dựa vào đâu mà coi thường người dân đến thế!”. Đề nghị Sonadezi hoặc cơ quan có thẩm quyền phải gặp dân để giải quyết chứ không thể “bán cái” cho cấp huyện, cấp xã.



Người dân xã Tam An còn bị thiệt thòi, bị phân biệt khi xin việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Long Thành. Con em xã Tam An khi đi xin việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Long Thành thì không được tiếp nhận làm việc, vì cho rằng người dân xã Tam An “quậy”. Ông Trai cho biết, dân Tam An đã nhường đất để làm khu công nghiệp, phần đất còn lại thì bị ô nhiễm không thể canh tác. Vậy mà bây giờ đi xin việc thì không cho làm việc.



Ông Nguyễn Văn Hải - Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Long Thành - cho biết, mức độ thiệt hại hiện khoảng 114ha và Ủy ban Nhân dân tỉnh đã có chủ trương bồi thường thiệt hại nguồn lợi thủy sản và chỉ đền bù từ năm 2008 đến nay. Riêng cây trồng và vật nuôi sẽ tiếp tục khảo sát. Thời gian bồi thường tới cuối quý II/2012 sẽ bồi thường cho người dân.



Ông Ngô Thế Ân - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Long Thành - cũng giải thích, trách nhiệm của Công ty cổ phần Sonadezi Long Thành giải quyết các vấn đề về giải phóng mặt bằng đã không làm hết trách nhiệm, khiến người dân bức xúc. Huyện cũng đã làm việc với Sonadezi, nhưng từ tháng 10/2010 đến bây giờ, huyện Long Thành cũng chưa nhận được các phúc đáp đền bù của người dân xã Tam An.



Sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, nhưng rồi người dân vẫn mỏi mòn với điệp khúc... chờ giải quyết(!).

 

Theo LĐ

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo