Điều kiện để thanh long Việt Nam thâm nhập vào thị trường Úc
Như tin tức đã đưa, Thương vụ Việt Nam tại Úc cho biết, ngày 24/8/2017, Úc đã chính thức công bố cho phép nhập khẩu trái thanh long của Việt Nam vào nước này. Như vậy, tại thời điểm hiện tại, Việt Nam là nước đầu tiên và duy nhất được cấp phép nhập khẩu (NK) thanh long tươi vào Úc.
Tuy nhiên, để nhập khẩu trái thanh long vào Úc, doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý các điều kiện nhập khẩu rất chi tiết và nghiêm ngặt.
Theo đó, thứ nhất là phải có Giấy phép NK do Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Úc cấp. Theo đó, trước khi NK thanh long vào Úc, DN cần nộp đơn xin giấy phép NK tới Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Úc. DN có thể nộp đơn qua mạng internet.
Thứ hai là có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật gốc do Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam cấp. Cụ thể, trước khi XK, thanh long phải được kiểm dịch và cấp Giấy chứng nhận không bị nhiễm côn trùng trong diện kiểm soát an toàn sinh học. Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật gốc phải đi kèm với mỗi lô hàng và phải điền thông tin một cách chính xác. DN xem thông tin trên trang web của Tổ chức bảo vệ thực vật quốc tế (IPPC).
Thanh long muốn NK vào Úc phải có nguồn gốc, sản xuất từ Việt Nam phù hợp với các điều kiện và chương trình có liên quan.
Để phù hợp với yêu cầu này, trên Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật phải ghi rõ bằng tiếng Anh với nội dung: “Trái cây trong lô hàng này được sản xuất tại Việt Nam phù hợp với các điều kiện nhập khẩu thanh long tươi vào Úc và phù hợp với chương trình “Xuất khẩu trái cây tươi của Việt Nam vào Úc” và đã được kiểm dịch và không có bất kỳ loại côn trùng nào trong diện kiểm soát an toàn sinh học của Úc”.
Thanh long tươi từ Việt Nam phải được xử lý trước khi vận chuyển hàng bằng phương pháp nhiệt hơi (VHT) với thời gian 40 phút ở nhiệt độ 46,5oC, độ ẩm 90% trở lên tại một cơ sở xử lý được Cục Bảo vệ Thực vật Việt Nam phê duyệt.
Bất cứ lô hàng nào không có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật đầy đủ hoặc chứng từ ghi không nhất quán với nhãn hàng thì sẽ bị giữ lại cho đến khi Bộ Nông nghiệp Úc tham vấn với Cục Bảo vệ Thực vật Việt Nam để làm rõ và ra quyết định.
Hàng hoá phải không có côn trùng và bệnh dịch và không được lẫn các chất ô nhiễm, bao gồm lá cây, cành cây, đất, hạt cỏ dại, mảnh vụn và các loại thực vật khác trừ 1cm cuống của quả thanh long.
Bao bì phải được làm từ vật liệu tổng hợp hoặc vật liệu chế biến cao nếu có nguồn gốc thực vật. Bao bì không được làm bằng nguyên liệu thực vật chưa qua chế biến.
Các thùng carton hoặc kiện hàng đơn lẻ phải được dán nhãn với một số nhận dạng duy nhất để thuận tiện cho việc truy xuất nguồn gốc. Kiện hàng phải được buộc chắc chắn. Các thông tin sau phải được nhìn rõ trên mỗi thùng carton: Sản phẩm của Việt Nam cho thị trường Úc; mã cơ sở xử lý; số nhận dạng xử lý (TIN).
Sản phẩm đã được xử lý phải được bảo vệ khỏi các côn trùng gây hại trong quá trình đóng gói và sau khi đóng gói, xử lý, lưu kho và vận chuyển giữa các địa điểm. Sản phẩm đã được kiểm tra và chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam phải được duy trì trong điều kiện an toàn để không bị lẫn với trái cây xuất khẩu đi các thị trường khác hoặc để tiêu thụ tại thị trường trong nước.
Container phải được Cục Bảo vệ Thực vật Việt Nam kiểm tra trước khi xếp hàng để đảm bảo không có côn trùng và các lỗ thông hơi phải được phủ kín không cho côn trùng xâm nhập.
Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Úc có thể lấy mẫu và kiểm dịch bất cứ lô hàng nào. Lô hàng phải được kiểm tra bởi các cán bộ an toàn sinh học tại cảng đến đầu tiên. Không được phép chuyển tiếp bằng đường hàng không hoặc đường bộ cho đến khi lô hàng được thông quan từ điểm kiểm soát an toàn sinh học.
Nếu lô hàng bị phát hiện có côn trùng sống có nguy cơ an toàn sinh học thì sẽ được yêu cầu xử lý, hoặc tái xuất, hoặc tiêu huỷ. Chi phí này do người NK chi trả. Nếu lô hàng bị phát hiện có dấu hiệu của bệnh dịch, lô hàng sẽ bị Bộ Nông nghiệp giữ lại và đánh giá rủi ro về an toàn sinh học để xác định xem hàng hóa của nhà NK được thông quan, xác định thêm hay xử lý, tái xuất, hoặc tiêu huỷ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Việt Nam đứng thứ ba về xuất khẩu gạo sang Singapore
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Giá heo hơi ngày 23/1/2025: Ổn định trên toàn quốc dịp cận Tết
Người dân cần tỉnh táo trước thực phẩm không rõ nguồn gốc trong dịp Tết