Pháp luật

Điều kiện gia nhập thị trường: “Nới” để cạnh tranh

Tính đến nay, trên cả nước có 386 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện nằm rải rác trong các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Tuy nhiên, Luật Đầu tư sửa đổi sẽ có hiệu lực từ 01/7/2015 ấn định con số này chỉ còn 276 ngành, nghề. Như vậy, sức ép sửa đổi hoặc bãi bỏ hàng trăm VBQPPL trong chưa đầy 3 tháng tới là không hề nhỏ.

Luật Đầu tư sửa đổi có hiệu lực từ 01/7/2015 ấn định chỉ còn 276 ngành, nghề trong các văn bản quy phạm pháp luật

 

Trong thời kỳ hội nhập, năng lực cạnh tranh là yếu tố sống còn, phát triển được hay thụt lùi phụ thuộc vào năng lực cạnh tranh quốc gia. Điều kiện về đầu tư kinh doanh thuận lợi là một trong những nội dung cơ bản nâng cao năng lực cạnh tranh. Ý chí chính trị này đã liên tục được Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ thổi vào các bộ ngành.

 

Từ quyết tâm của Chính phủ

 

Thủ tướng Chính phủ cho rằng, Nhà nước kiến tạo phát triển, phục vụ nhân dân, doanh nghiệp (DN). Thủ tướng nêu rõ cơ chế, thể chế rất quan trọng, chính cơ chế tạo ra tham nhũng, do đó cần có cơ chế công khai minh bạch, cần coi cải cách thủ tục là khâu đột phá, là nhiệm vụ trọng tâm. Chính phủ cụ thể hóa, các bộ, ngành cụ thể hóa, tạo đồng thuận, quyết tâm cải cách tới từng cán bộ, công chức.

 

Để nói về thực trạng điều kiện đầu tư kinh doanh quá phức tạp và phiền hà của VN thời gian qua, TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, tại Việt Nam, các quy định về điều kiện kinh doanh chỉ tập hợp riêng đã kéo dài gần 900 trang giấy với 6.000 điều kiện cụ thể; chưa kể hàng nghìn công văn điều hành phát sinh mỗi năm. Vì vậy, chi phí gia nhập thị trường của DN rất cao. Theo ông Cung, “ma trận” điều kiện kinh doanh mà DN đang phải đối mặt giống như người thợ điện đứng giữa mớ dây điện chằng chịt, không biết tháo ở điểm nào. “Cách nhanh nhất là cắt đứt. Đáng chú ý, có những quy định về điều kiện kinh doanh rất vô lý”. Ví dụ, DN muốn được cấp phép kinh doanh xuất khẩu gạo phải có kho chứa 450 tấn thóc trở lên, phải có cơ sở xay xát, có thành tích xuất khẩu 3-4 năm… “Không có kho thóc này thì cũng không ảnh hưởng tới cộng đồng nên đó là điều kiện không phù hợp. Nhưng tại sao lại có điều kiện đó?

 

Đến việc làm cụ thể của từng bộ

 

Sự vận động và phát triển của thị trường diễn ra liên tục đòi hỏi các bộ phải đưa ra những phản ứng nhanh nhưng tích cực, theo hướng khuyến khích cái mới, khuyến khích phát triển. Đơn cử như việc mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng làm việc chính thức với Cty Uber (một loại hình kinh doanh dưới dạng ứng dụng trên điện thoại di động giúp kết nối người có nhu cầu đi xe và tài xế) đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Với tính chất như một phép thử của việc thực thi quyền tự do kinh doanh của công dân, hoạt động của Uber trong thời gian qua đã gây ra những phản ứng trái chiều từ nhiều phía. Đây là phương thức kinh doanh mới, chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam nên các ý kiến cũng rất khác nhau. Tại cuộc làm việc này, Bộ trưởng Thăng đã khẳng định sẽ ủng hộ hoàn toàn việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc hình thành các sàn giao dịch điện tử cho dịch vụ vận tải, trong đó có trường hợp của Uber. Mặc dù chưa thể khẳng định Uber sẽ đem lại những lợi ích thiết thực lâu dài cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc chấp nhận loại hình dịch vụ này với yêu cầu phải tuân thủ pháp luật hiện nên được coi là thái độ ứng xử chuẩn mực theo tinh thần thượng tôn pháp luật. Thái độ này cần phải có của các cơ quan quản lý nhà nước như một hành động cụ thể hóa tinh thần cải cách đã được quy định trong Luật Đầu tư và Luật DN.

 

Tuy nhiên, trong lĩnh vực tài chính, việc đơn giản hóa thủ tục giảm thời gian nộp thuế cũng được đánh giá là những nỗ lực rất đáng ghi nhận. Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, đến hết năm 2014 số giờ tuân thủ về thuế giảm được 370 giờ/năm. Năm 2015, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát để cắt giảm 45,5 giờ nhằm đạt được mục tiêu giảm số giờ nộp thuế xuống còn 171 giờ trong năm 2015 theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 19/NQ-CP. Để đạt được kết quả này, bên cạnh việc sửa đổi, bãi bỏ nhiều thủ tục, quy trình, quy định, Bộ Tài chính đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế. Đến ngày 25/3/2015, đã có trên 97,5% số DN đang hoạt động thực hiện khai thuế điện tử qua mạng 18/63 tỉnh, thành phố.

 

Những nỗ lực của một số người đứng đầu các bộ luôn có ảnh hưởng mạnh mẽ tới toàn ngành. Từ những việc làm cụ thể và thiết thực, các thủ tục, điều kiện trong hoạt động đầu tư kinh doanh của DN đang ngày càng thuận lợi hơn. Quyết tâm chính trị của Chính phủ phải đến từ những việc làm cụ thể của các bộ, ngành.

 

 Qua rà soát tổ liên ngành đã liệt kê được 398 “giấy phép cha”, 2.129 "giấy phép con" và 1.745 "giấy phép cháu". Trong đó, có 110 ngành nghề yêu cầu phải có giấy phép kinh doanh với 171 loại giấy phép kinh doanh. Đồng thời còn có 83 ngành nghề yêu cầu có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh với 62 loại giấy chứng nhận. Bên cạnh đó có 44 loại ngành nghề cần có chứng chỉ hành nghề với 53 loại chứng chỉ hành nghề. Ngoài ra còn có 345 ngành nghề yêu cầu phải có chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

 

Với 68 điều kiện kinh doanh thuộc những ngành nghề kinh doanh do Bộ Công Thương quản lí và ban hành, bộ này đã trở thành "nhà vô địch" về ban hành “giấy phép con”. Sau Bộ Công Thương là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với 58 điều kiện kinh doanh... Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Bộ Tư pháp là hai bộ ít đặt điều kiện kinh doanh nhất, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 4 điều kiện còn Bộ Tư pháp có 7 điều kiện kinh doanh.

Theo diễn đàn doanh nghiệp
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo