Thị trường

Điều tra làm sáng tỏ ngân hàng làm khó doanh nghiệp

Ủy ban Tài chính (TSC) thuộc Hạ viện Anh vừa quyết định mở cuộc điều tra để làm sáng tỏ những cáo buộc rằng một số ngân hàng gây khó khăn cho hoạt động vay vốn sản xuất-kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).

Cuộc điều tra này sẽ tập trung vào ba lĩnh vực chủ yếu là khả năng tiếp cận nguồn vốn vay của SME, vấn đề cạnh tranh và thái độ ứng xử của các ngân hàng đối với SME. Gần đây, đã có ít nhất hai báo cáo riêng rẽ lên tiếng chỉ trích về thái độ của Ngân hàng Hoàng gia Scotland (RBS) đối với SME. Hiện RBS là ngân hàng lớn nhất nước Anh trong lĩnh vực cấp vốn cho đối tượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trong báo cáo công bố tháng 11/2013, ông Lawrence Tomlinson - một cố vấn của Bộ trưởng Kinh doanh, Sáng tạo và Kỹ năng Vince Cable, đã lên án gay gắt RBS với cáo buộc rằng ngân hàng này đã cố tình đẩy các công ty vào chỗ thua lỗ đến nỗi không trả được nợ.

"Muốn duy trì sự phục hồi của nền kinh tế theo hướng bền vững, thì điều quan trọng là thị trường cần phải được vận hành trong một trật tự hợp lý," ông nói.Theo Chủ tịch TSC Andrew Tyrie, SME thường xuyên phàn nàn rằng họ rất khó tiếp cận với nguồn vốn vay để mở mang hoạt động sản xuất-kinh doanh.

Tại Việt Nam, tình trạng doanh nghiệp gặp khó cũng kéo dài suốt thời gian qua. Từ năm 2012 doanh nghiệp đã đánh tiếng về những khó khăn khi tiếp cận vốn vay tại các ngân hàng thương mại.

Kết quả của cuộc khảo sát 100 doanh nghiệp về mối quan hệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng thương mại do Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTC) tiến hành từ cuối tháng 8/2013 cho thấy có tới 50% doanh nghiệp không tiếp cận được vốn vay.

Theo UBGSTC, tỷ lệ này đã giảm đáng kể so với kết quả khảo sát năm 2012 (63,5% doanh nghiệp cho biết họ khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn từ NHTM).

Thậm chí doanh nghiệp thường xuyên phải “lót tay” cho cán bộ ngân hàng để được giải quyết thủ tục vay vốn. Sự việc tại Chi nhánh Bắc Giang – Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam là một trong nhiều ví dụ được xem là “tức nước vỡ bờ” khi doanh nghiệp đường cùng đã phải tố cáo câu chuyện lót tay mà vẫn không được giải quyết vốn.

Hay như câu chuyện của ông Dương Văn Tá (ngụ xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) trước đó cũng gửi đơn tố cáo bà Nguyễn Ngọc Hân, Giám đốc Phòng giao dịch Phước Thới, thuộc Ngân hàng Phương Đông, chi nhánh Tây Đô (tại Cần Thơ).

Theo ông Tá, do có nhu cầu vay tiền, ông được người quen giới thiệu gặp hai ông D. và P. để nhờ làm thủ tục thế chấp, vay tiền tại ngân hàng. Hai anh này nhận lời. Sau vài ngày, ông được hai ông D. và P. thông báo, đã có ngân hàng đồng ý cho vay nhưng ông phải chi 40 triệu đồng tiền “cò” cho họ và chi 200 triệu đồng để “lót tay” cho giám đốc. Ông Tá đồng ý.

Những câu chuyện tương tự thế này không phải là hiếm và dù các doanh nghiệp nhiều lần lên tiếng nhưng đến nay việc khó tiếp cận vốn vẫn chưa có gì thay đổi.Dù nhiều ngân hàng tỏ ra mở rộng cánh cửa nhưng lại đưa ra quá nhiều điều kiện khiến doanh nghiệp cũng chỉ còn biết: hãy đợi đấy!.

Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo