Xã hội

Điều tra thu nhập bác sỹ rồi hãy cải cách

Không nên để thầy thuốc phải tự tìm cách mưu sinh. Nhưng trước khi muốn cải cách chế độ đãi ngộ, cần có điều tra trung thực, khách quan về thu nhập - GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam nhận định.

Trao đổi với chúng tôi về chế độ đãi ngộ cán bộ y tế đang được đông đảo bạn đọc quan tâm, GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng nói:

Cần phải nói rằng trước đây người thầy thuốc làm việc với 2 động cơ: Phục vụ người bệnh và nghiên cứu khoa học. Nhưng nay họ có thêm động cơ khác, đó là mưu sinh.
 
Trong mối quan hệ giữa vấn đề mưu sinh của người thầy thuốc với vấn đề phục vụ người bệnh, bất luận ở thời nào cũng phải đặt tính mạng và chất lượng phục vụ người bệnh lên trên hết. 
 
Trong thời buổi ngày nay, chúng ta không thể không nói đến lợi ích của người thầy thuốc. Vì người ta phải kiếm sống, trong kinh tế thị trường ta coi y tế là dịch vụ, đã là dịch vụ thì phải trao đổi.
 
Hơn nữa, trước đây bao cấp triệt để, người thầy thuốc được Nhà nước nuôi sống, không phải lo cuộc sống, tất cả đều sống như nhau nên thầy thuốc không bị đặt ra vấn đề mưu sinh và tự mưu sinh. Còn bây giờ, Nhà nước không còn bao cấp triệt để nữa, vấn đề mưu sinh của thầy thuốc càng trở nên quan trọng.
 
GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam. Ảnh: Kim Sơn
 
PV: Thưa GS., thầy thuốc cũng cần mưu sinh như những người bình thường khác. Nhưng sự mưu sinh này nên được hiểu như thế nào cho phù hợp, bởi ngành y là ngành đặc biệt?
 
Khi nói đến vấn đề kiếm sống của người thầy thuốc, phải đặt ra mấy câu hỏi: Anh sẽ kiếm sống như thế nào? Anh có làm giàu được bằng nghề này không? Và có nên để thầy thuốc tự mưu sinh hoàn toàn không?
 
Tôi không khẳng định mà chỉ cung cấp bằng chứng: Trên thực tế không có nhà tỷ phú nào trở thành tỷ phú bằng nghề khám chữa bệnh. Dùng nghề thầy thuốc làm động cơ làm giàu thì cực kỳ tai hại. Nếu như vậy, anh sẽ mong người ta ốm nhiều và làm giàu trên sự đau ốm của người khác.
 
Tôi nghĩ rằng Nhà nước cần thể hiện vai trò của mình, không nên để người thầy thuốc tự mưu sinh hoàn toàn. Bởi nếu để tự mưu sinh thì người ta luôn đặt vấn đề kiếm sống lên hàng đầu.
 
Thứ hai, quan trọng hơn, là nếu để việc tự mưu sinh của thầy thuốc đã trở thành thói quen thì sau này, khi những cải tiến và cách mạng về y tế ra đời, chính họ lại là những người phản đối, vì họ đã quen với việc kiếm tiền rồi. Nó giống như việc bạn để cho một đứa con hư rồi mới đưa nó vào nề nếp thì nó sẽ phản ứng với mình. Lúc đó, chính những cán bộ y tế sẽ là lực lượng cản trở sự đổi mới của y tế và dẫn đến nguy cơ đổ bể nền y tế.
 
Không nên tách bạch lương và thu nhập trong BV công
 
PV: Dù chưa có thống kê chính thức nhưng có một thực tế là một bộ phận bác sỹ ở thành phố lương thấp song thu nhập không phải là thấp. Ông đánh giá thế nào về thực tế này? 
 
Lương là do Nhà nước trả còn thu nhập thì có những nguồn ngoài Nhà nước trả. Nếu chỉ nói đến lương thì thầy thuốc nào cũng nói lương thấp, và nói thế là đúng. Vì lương do Nhà nước trả cho thầy thuốc thì chỗ nào cũng thấp. Nhưng thu nhập thì thầy thuốc ở thành phố kiếm được nhiều hơn ở miền nông thôn và miền núi. 
 
GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng cho rằng không nên tách bạch lương và thu nhập trong BV công. Ảnh: Bình Minh
 
Việc bao nhiêu thầy thuốc có thu nhập cao chưa có điều tra nên tôi không có đánh giá (và cũng rất khó điều tra). Cần tiến hành điều tra một cách trung thực mới có câu trả lời. Những khoản thu nhập thêm của thầy thuốc đến từ nguồn nào cũng nên làm cuộc điều tra khách quan chứ không thể nói mò.
 
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng bộ phận ấy ở thành phố dù cho là nhỏ nhưng cũng là mẫu hình có tác động xấu đối với các thầy thuốc khác, khiến mọi người chạy theo họ. 
 
Tôi cho rằng khái niệm lương và thu nhập không nên phân tách, vì tiền nào thì cũng là tiền, thầy thuốc vào làm việc chỉ có một thu nhập do bệnh viện trả tương xứng với cống hiến của họ. Còn hiện giờ tại bệnh viện công mình cứ tách bạch nên ai cũng kêu lương thấp nhưng thu nhập chưa chắc đã thấp.
 
Theo tôi, các bệnh viện công nên học tập mô hình quản lý tài chính của bệnh viện tư để minh bạch hóa vấn đề tài chính, từ đó minh bạch hóa thu nhập của cán bộ y tế.
 
Chỉ khi có sự minh bạch thì mới có những chính sách cải cách đúng đắn, chứ nếu cứ “lẫn lộn” như thế này thì Bộ trưởng có đề xuất nữa về vấn đề đãi ngộ đặc biệt cho cán bộ y tế cũng không giải quyết được gì. Vì Nhà nước lấy tiền đâu mà trả lương? Cần phải giải quyết được vấn đề cơ chế tài chính của các bệnh viện công một cách đồng bộ mới tháo gỡ được những khó khăn hiện nay.
 
Đổi mới cơ chế tài chính, công khai minh bạch
 
PV: GS. có thể chia sẻ một số kinh nghiệm quản lý tài chính của hệ thống y tế tư nhân mà GS. biết? Nếu áp dụng cho các bệnh viện công thì liệu có gặp khó khăn gì không?
 
Cần nhớ rằng bệnh viện tư một mặt vẫn khám chữa bệnh theo đúng quy định của Nhà nước nhưng một mặt vẫn làm công tác từ thiện, xã hội, vẫn có công đoàn, trả lương cán bộ cao, công khai minh bạch, tổng số tài chính bệnh viện đều nằm trong tay giám đốc và chỉ có duy nhất một đầu mối tài chính, bệnh nhân chỉ phải đóng tiền 1 lần và cho 1 người.
 
Trong khi bệnh viện tư trả lương 20-30 triệu/tháng, bác sỹ yên tâm làm việc thì ở bệnh viện công, bác sỹ có tâm trạng không muốn làm vì nghĩ “lương không đủ sống”. Ai cũng kêu nhưng thực chất có những thu nhập vô hình ai cũng biết mà không nói ra. Muốn minh bạch hóa vấn đề lương thì phải điều tra để lấy cơ sở mà đổi mới, cải tiến, nếu không điều tra thì mọi thông tin chỉ là nói mò.
 
PV: Nhưng các giám đốc bệnh viện công nói không thể làm như bệnh viện tư vì họ không được tự chủ 100%?
 
Nhưng thực tế hiện nay đang đặt ra nhu cầu bắt buộc phải đổi mới, đã là quản lý tài chính y tế theo cơ chế thị trường thì phải tuân theo các quy luật của thị trường. Chính sự mập mờ giữa thị trường với bao cấp trong quản lý tài chính y tế đã làm phát sinh tiêu cực trong hệ thống y tế.
 
Cơ chế tài chính này phải giải quyết đồng bộ 6 vấn đề: Vốn, phân bổ, giá thành và giá, tự chủ (tự chủ đến đâu và tự chủ cái gì), chính sách y tế cho người nghèo và thu nhập của cán bộ y tế. Hiện nay mình cứ giải quyết manh mún, chưa đặt ra thành một gói tổng thể thống nhất về tài chính y tế nên chưa có hiệu quả.
 
Chỉ khi có quyết tâm thay đổi, thực hiện thống nhất, đồng bộ các giải pháp trên thì mới có thể thay đổi toàn diện và căn bản hệ thống y tế, từ đó giải quyết những bài toán mà ngành y tế đang phải đối mặt, trong đó có vấn đề về thu nhập của thầy thuốc.
 
PV: Theo GS., vai trò điều tiết của Nhà nước trong vấn đề này được thể hiện như thế nào?
 
Nhà nước cần giáo dục chính trị cho bác sỹ về động cơ làm việc và điều hòa chính sách để tránh khủng hoảng.
 
Ở các nước, thầy thuốc ra trường lương gấp 2-3 lần ngành khác vì thời gian đào tạo và yêu cầu nghề nghiệp cao hơn nên phải đòi hỏi có sự điều hòa (chứ không phải can thiệp). Nếu không điều hòa thu nhập giữa các vùng miền, các bác sỹ ở thành phố kiếm được nhiều tiền khiến bác sỹ nông thôn miền núi đổ xô xuống đồng bằng, vậy ai sẽ phục vụ khu vực đó? Điều đó sẽ dẫn tới khủng hoảng nhân lực giữa các vùng miền.
Vietnamnet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo