Đình chỉ học vì photo 8 giáo trình: Cả tình và lý đều quá nặng tay?
Trường hợp sinh viên N.T.N.A., bị đình chỉ 1 năm học với lý do “Sao in và phát hành các loạt giáo trình, tài liệu học tập trái với các quy định của Nhà trường và của pháp luật” có thể hiểu là Vi phạm nghiêm trọng các hành vi sinh viên không được làm quy định của trường ĐH Luật TP.HCM.
Luật sư Phạm Công Út nêu quan điểm trên báo Tiền Phong:
“Về mặt pháp luật thì tôi ủng hộ việc xử lý vi phạm bản quyền song cách làm của trường Đại học Luật TPHCM là khá nặng tay”.
“Đối với sinh viên học luật xem thường bản quyền tác giả thì sau này chính họ sẽ trở thành nạn nhân nếu họ trở thành những nhà nghiên cứu pháp lý. Nhìn ở 1 góc độ nào đó thì đây là cái lý của nhà trường, phải dùng biện pháp mạnh là quyền quản lý học sinh của họ”, ông Út nói.
Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, ông Út cho rằng Đại học Luật có phần độc tài, hà khắc bởi quy định này là do nhà trường ban hành chứ không có trong quy định của Bộ GD&ĐT.
Nhìn nhận một hướng khác theo báo Giáo dục Việt Nam:
"Xét về góc độ tình cảm thì hình thức xử phạt của lãnh đạo trường Đại học Luật TP.HCM là thiếu tính nhân văn. Thực tế, hoàn cảnh của nhiều sinh viên rất khó khăn và hiện tượng photo giáo trình không phải là hiếm. Việc photo giáo trình sẽ đảm bảo có tài liệu học tập vừa giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình.
Nếu hiểu và phân tích một cách máy móc, rập khuôn như vậy thì nhà trường dễ đào tạo ra những người cầm giữ cán cân công lý thiếu tình người.
Bởi trước khi dạy luật phải là dạy nhân cách con người. Bên cạnh cái lý, còn có cái tình."
Luật sư (LS) Phạm Vũ Khánh Toàn, Trưởng Văn phòng LS Phạm và Liên danh (nơi có kinh nghiệm chuyên sâu về lĩnh vực sở hữu trí tuệ) cũng chia sẻ quan điểm trên báo PL TP.HCM:
Ông khẳng định, việc phôtô sách, giáo trình để học tập là vi phạm bản quyền.
“Tuy nhiên, không phải việc sao chép nào cũng sai. Luật có cho phép một số trường hợp được sao chép, trong đó “tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân” thì không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao (Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ). Sao chép một bản là trọn bản, 100% các trang đều được chấp nhận. Do luật không cho sao chép nhằm mục đích “học tập” nên việc SV sao chép để học là vi phạm bản quyền.
LS Châu Huy Quang (Công ty RAJAH & TANN LCT, chuyên về lĩnh vực sở hữu trí tuệ) phân tích: Đúng là nữ SV này có vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, nặng lắm thì cô cũng chỉ bị xử phạt hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả. Hoặc cô phải bồi thường dân sự nếu tác giả, chủ sở hữu chứng minh được thiệt hại và rằng việc sao chép tác phẩm của nữ sinh này làm ảnh hưởng đến quyền khai thác thương mại của họ. “Việc ĐH Luật TP.HCM căn cứ nội quy riêng để buộc ngưng học một năm là quá khắt khe. Chế tài này cũng không phù hợp để xử lý đối với hành vi vi phạm quyền tác giả” - LS Quang nhận định.
“Một quyết định kỷ luật nếu chưa đạt về tình cũng phải ổn về lý; đằng này cả lý và tình đều chưa ổn thì quyết định ấy cần phải được Bộ GD&ĐT xem lại” - một chuyên gia luật chia sẻ.
Như vậy, theo rất nhiều ý kiến luật sư và các chuyên gia, việc đình chỉ một em học sinh vì lí do photo 8 quyển giáo trình xét về tình và về lý là khá nặng tay. Có thể hội đồng kỷ luật trường ĐH Luật TP.HCM cần xem xét lại vấn đề này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo