Định giá nợ xấu thấp hơn, ngân hàng có chịu "nhả" nợ xấu
Hiện nay, Công ty quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) được phép mua nợ xấu theo giá trị sổ sách (được xác định bởi các ngân hàng) với tài sản đảm bảo được định giá trước đây thường cao hơn giá thị trường hiện nay.
Trả lời phỏng vấn Bloomberg, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch VAMC cho biết, cơ quan này đang có kế hoạch trước cuối năm nay sẽ thí điểm mua nợ xấu theo giá trị hiện tại của tài sản đảm bảo.
“Phương pháp mới sẽ giúp thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu và khuyến khích tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng. Tôi tin rằng, VAMC sẽ có thể mua và bán nợ xấu với tiến độ nhanh hơn trong năm tới khi đã có hơn 1 năm kinh nghiệm và hoàn thiện các bước thực hiện”, ông Hùng nói.
Việt Nam đang nỗ lực đẩy nhanh tiến trình giải quyết nợ xấu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng dưới 6% trong hai năm liên tiếp gần đây. Số liệu của Chính phủ cho thấy, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã giảm mạnh từ 17% năm 2012 xuống còn khoảng 5,4% hiện nay.
Ông Hùng cho biết VAMC đang thẩm định khoảng 100 tỷ đồng (4,7 triệu USD) đến 200 tỷ đồng nợ xấu, và sẽ xác định giá mua sau khi đánh giá lại các tài sản thế chấp theo mức giá trị hiện tại. Dự kiến, VAMC sẽ bắt đầu thí điểm mua nợ xấu theo giá thị trường vào cuối năm nay và sang 2016 sẽ chuyển đổi hoàn toàn sang phương thức này. Cũng theo ông Hùng thì có tới 95% các khoản nợ xấu được VAMC mua vào là nợ có tài sản thế chấp là bất động sản.
Mục tiêu đưa tỉ lệ nợ xấu xuống 3% năm 2015
Đánh giá về phương pháp mới của VAMC, bà Phan Thị Chinh, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, “việc chuyển sang mua nợ theo giá trị thị trường sẽ giúp VAMC đẩy nhanh quá trình mua bán nợ xấu. Tuy nhiên, điều này phải đi kèm với một phương thức thanh toán tốt hơn, chẳng hạn như tiền mặt, chứ không phải chỉ là phát hành trái phiếu cho các ngân hàng như hiện nay”.
Hiện VAMC vẫn đang phát hành trái phiếu đặc biệt để đổi lấy nợ xấu từ các ngân hàng, sau đó các ngân hàng có thể thế chấp trái phiếu này để được vay tái cấp vốn từ NHNN. Theo ông Hùng, cho đến nay, VAMC đã mua vào khoảng 97.000 tỷ đồng nợ xấu và phấn đấu đến cuối năm 2015 sẽ mua được 200.000 tỷ đồng. VAMC dự kiến trong năm nay sẽ bán ra được tổng cộng khoảng 4.000 tỷ đồng nợ xấu. Hiện tại VAMC đã bán được 3.500 tỉ đồng.
Chủ tịch VAMC cũng cho biết, cơ quan này hy vọng sẽ bán được ít nhất gấp đôi số nợ xấu trong năm tới để góp phần vào mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống xuống 3% cuối 2015.
Tăng niềm tin cho nhà đầu tư
Tăng trưởng GDP của Việt Nam đã đạt 5,62% so cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm. Theo dự báo của World Bank, Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 5,4% trong cả năm 2014, thấp hơn so với mục tiêu mà Chính phủ đạt ra là 5,8%.
Giữa bối cảnh NHNN cắt giảm lãi suất điều hành hai lần trong năm nay nhằm khuyến khích cho vay thì tăng trưởng tín dụng đến ngày 24/10 vẫn mới chỉ đạt 7,85% so với cuối năm 2013, trong khi mục tiêu cho cả năm là 12%-14%.
Chuyên gia kinh tế Trinh Nguyễn tại Ngân hàng HSBC đánh giá, nếu NHNN tăng được tốc độ xử lý nợ xấu thì nền kinh tế sẽ phục hồi nhanh hơn. Trong khi hỗ trợ tăng trưởng tín dụng thì Việt Nam cũng cần phải cải thiện môi trường pháp lý để tăng niềm tin cho các nhà đầu tư.
Trước đó, theo ông Hùng, Công ty quản lý quỹ TPG, Standard Chartered và International Finance (thuộc hệ thống World Bank) đã bày tỏ mối quan tâm đến mua lại nợ xấu từ VAMC. Bên cạnh đó, Công ty quản lý tài sản VinaCapital cũng cho biết đang quan tâm đến vấn đề này khi Việt Nam đã được Fitch Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm lên BB- trong tháng này.
“Chúng ta sẽ còn phải chờ xem phương pháp mới này sẽ mở ra những gì, khi mà các ngân hàng có thể sẽ e ngại bán nợ theo giá thị trường. Điều đáng quan tâm là liệu các khoản nợ này có thể thu hồi'', chuyên gia Trinh Nguyễn nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo