Diva Thanh Lam: Đóng cửa Zone 9 chỉ để dọa
Trước sự việc các hộ kinh doanh tại Zone 9 (số 9 Trần Thánh Tông), nơi được coi là Paris giữa lòng Hà Nội nhận được lệnh chính thức đóng cửa từ ngày 15/1/2014, Diva Thanh Lam đã có những quan điểm của riêng mình trước sự việc này.
PV: - UBND Hà Nội vừa quyết định chấm dứt hoạt động của "hợp tác xã" này trước 15/1/2014, bằng biện pháp hành chính hoặc thậm chí là cưỡng chế. Theo đó, các hộ kinh doanh tại Zone 9, nơi vẫn được coi là "quận nghệ thuật", "xóm nghệ thuật" của Hà thành phải di dời tài sản, các vật dụng kinh doanh ra khỏi khu vực này. Là một người đang hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, cảm xúc của chị như thế nào trước sự việc này?
Diva Thanh Lam: - Rất nhiều thanh niên Hà Nội coi đây là một tụ điểm, để các bạn giao lưu văn hóa và thực sự ở đây đã có những nét văn hóa rất văn minh.
Nhưng bên cạnh đó, không thể phủ nhận cả quần thể khu Zone 9 không được đầu tư nhiều, dẫn đến xảy ra những tai nạn đáng tiếc nên phải đóng cửa.
Tất nhiên, về mặt xã hội, văn hóa nghệ thuật thì nơi đây đúng là một nét rất hay, phá cách cho Hà Nội.
Còn nói khách quan, nếu được đầu tư tổng thể, được quan tâm của nhà nước, thì tôi nghĩ sẽ không xảy ra những vụ việc đáng tiếc như vậy.
PV: - Nhiều người cho rằng, việc đóng cửa Zone 9 là một quyết định có trách nhiệm của Hà Nội, vì khu vực này vốn là một tòa nhà cũ kỹ được cải tạo lại, chưa kể đã xảy ra một vụ cháy làm nhiều người chết. Các chuyên gia xây dựng cũng đã lên tiếng công trình xây dựng này không còn tuổi để sử dụng nữa, vì chất lượng công trình đã xuống cấp trầm trọng. Rõ ràng ở đây đã có một sự mâu thuẫn, duy trì không gian sống cho nghệ thuật và quản lý nhà nước có phần khô cứng.
Theo chị, cần phải ưu tiên cho điều nào, đặc biệt trong bối cảnh Thủ đô hiện nay? Xin chị giải thích rõ lý do vì sao?
Diva Thanh Lam: - Nhà nước phải ưu tiên nơi vui chơi cho thanh niên, người có đam mê, cá tính, cần có sự lãnh đạo cụ thể từ cấp trên thì Zone 9 mới hoạt động đúng hướng. Thiết nghĩ nên có cơ chế quản lý tốt hơn chứ không nhất định phải đóng cửa.
Vì hiện nay các chủ quán hầu như là sinh viên có sức sáng tạo, có nhiệt huyết nhưng kinh nghiệm sống rất quan trọng, sự trải nghiệm là thiết yếu. Nếu có người lãnh đạo tốt thì Zone 9 không bao giờ phải đóng cửa, trước khi trách người khác thì hãy trách sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan nhà nước, đã nỗ lực quản lý hay chưa.
Nếu nó không xảy ra tai nạn thì không bao giờ phải đóng cửa cả.
PV: - Được biết, Zone 9 trở thành "quận nghệ thuật" ở Hà thành vì hiếm có khu đất nào đáp ứng được nhu cầu không gian nghệ thuật công cộng khi vừa phải đủ rộng, gần trung tâm mà giá thuê phải thấp như nơi này. Từ trường hợp Zone 9, có thể hiểu rộng hơn rằng, việc hạn chế sáng tạo nghệ thuật của chúng ta hiện nay vì... nghèo không, thưa chị?
Diva Thanh Lam: - Nước ta nghèo, điều này là dĩ nhiên, vì hiện nay so với các nước trên thế giới, chúng ta vẫn còn là một đất nước lạc hậu.
Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng nếu xóa Zone 9 thì thanh niên sẽ không còn những chỗ chơi riêng, không còn môi trường đặc biệt cho giới trẻ. Tôi nghĩ để lứa tuổi trẻ ngoài việc đi đua xe, tìm những trò chơi ngông cuồng, thì Zone 9 là một nơi rất hay và lý tưởng. Bởi vì ở đó giới trẻ giao lưu, học hỏi về văn hóa và cũng là nơi có nét riêng.
Chúng ta nên hiểu rằng đã có giá rẻ thì dĩ nhiên sẽ không có quy hoạch tổng thể, vì với mức giá rẻ mà lại đòi một cái quy hoạch cụ thể thì làm sao được. Chính vì vậy, mọi thứ đều nhận đúng với mức giá phải trả.
Tôi đã đến đây 3 lần và có cảm giác rất nguy hiểm, không cầu thang tay vịn, chúng ta không sửa sang mà chỉ cơi nới, sơn sửa cái bên ngoài, nhưng nền tảng bên trong lại không đảm bảo, dĩ nhiên đây cũng là một kiểu phong cách.
Nhiều người nói quy hoạch này giống của nước ngoài, thật ra ở các nước Anh, Mỹ họ có quy hoạch tổng thể, nhưng trên nền tảng cũ, chứ không xập xệ. Họ vẫn luôn có cách kiểm tra an toàn xã hội về tất cả mọi thứ, nước ta thì mặc kệ, nếu văn minh của chúng ta được như nước ngoài thì sẽ không có vụ cháy giữa trung tâm thành phố.
Thiết nghĩ đáng trách nhất vẫn là cơ quan quản lý, cứ xảy ra rồi mới đi lo giải quyết hậu quả.
PV: - Trong khi đó, có nhiều ý kiến cho rằng việc đóng cửa Zone 9 nên mừng hơn lo. Cần vận động để dành quỹ đất cho các mục đích cộng đồng như công viên, vườn hoa hơn là những hoạt động vui chơi, giải trí như hiện nay. Quan điểm của chị ra sao?
Diva Thanh Lam: - Nếu các bạn trẻ yêu nước, văn minh, tân tiến trong suy nghĩ thì sẽ lựa chọn một nơi phù hợp với giá tiền, môi trường, tổng thể, để thay thế cho Zone 9, các bạn trẻ hãy tìm một nơi đích thực cho mình.
Cơ quan quản lý cần phải có những cơ chế quản lý, hoạt động để góp phần cho hoạt động tốt lên, chứ không nên thích thì cấm.
Tôi nghĩ các nhà lãnh đạo cũng chỉ dọa sẽ đóng cửa thôi, có đóng thì cũng chỉ là tạm thời, để cảnh cáo. Muốn có sân chơi tích cực thì phải nghiêm khắc hơn, đầu tư hơn để vừa an toàn, vừa là nơi ăn chơi được.
PV: - Trước đây đã từng xảy ra trường hợp, một nghệ sĩ nghệ thuật đương đại bị đuổi khỏi bãi giữa sông Hồng vì buổi trình diễn của anh ta làm cản trở hoạt động nông nghiệp của bà con. Trường hợp này có điểm gì tương đồng với vụ Zone 9 không, thưa chị? Và có thể lý giải trường hợp này như thế nào, vì nghệ thuật đích thực không dành cho số đông hay vì nghệ thuật giả cầy thì luôn luôn không được chào đón?
Diva Thanh Lam: - Nghệ thuật thực sự sẽ có sự sinh tồn, những cái giá trị đích thực thì luôn tồn tại bất tử cho dù nó có ở hoàn cảnh nào vẫn phát triển được, chúng ta nên lấy việc này để khẳng định sự thật hiển nhiên đó.
Nếu nói đóng cửa Zone 9 là không ủng hộ nghệ thuật đương đại, nếu hiểu như vậy thực sự là sai. Nếu không có Zone 9 thì sẽ có Zone 3, Zone 5, nhưng phải thuận theo thiên thời, địa lợi.
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo