DN cá ngừ gặp khó vì thiếu nguyên liệu chế biến hàng xuất khẩu
(TBKTSG) Giám đốc một công ty chuyên xuất khẩu cá ngừ đại dương ở tỉnh Bình Định cho biết, hiện công ty chỉ hoạt động khoảng 50% công suất chế biến vì thiếu nguyên liệu. Dù không tiết lộ con số cụ thể lượng xuất khẩu cá ngừ giảm của công ty trong 7 tháng đầu năm 2013, nhưng vị giám đốc này cho biết, lượng xuất khẩu của công ty đã giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một số doanh nghiệp khác xuất khẩu cá ngừ ở tỉnh Phú Yên cũng cho hay, kim ngạch xuất khẩu của công ty giảm do nguồn cung nguyên liệu không ổn định, chất lượng nguyên liệu không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Ngoài ra, một lý do khác ảnh hưởng đến sản lượng xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam là do lượng tồn kho của thế giới cao sau khi tăng mạnh nhập khẩu vào 2012; trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ ở một số thị trường chính như Nhật, Mỹ và châu Âu giảm mạnh.
Lý giải về việc sản lượng đánh bắt cá ngừ giảm, các doanh nghiệp cho rằng, giá nhiên liệu xăng, dầu tăng mạnh trong thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc ra khơi của các chủ tàu đánh cá. Trong bối cảnh xuất khẩu chững lại, nên giá bán cá ngừ đại dương giảm mạnh đã làm nhiều chủ tàu lỗ vốn dẫn đến phá sản.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, từ báo cáo của các địa phương như Bình Định, Phú Yên, sản lượng đánh bắt cá ngừ giảm. Cụ thể, tại Bình Định, sản lượng cá ngừ đại dương 7 tháng đầu năm đạt 5.481 tấn, bằng 97,2 % so với cùng kỳ; Phú Yên sản lượng cá ngừ đạt 4.115 tấn, bằng 68,6% so với cùng kỳ. Nhiều tàu cá của ngư dân Phú Yên đang nằm bờ, chưa tổ chức hoạt động khai thác tiếp, tính đến đầu tháng 7 toàn tỉnh chỉ có 117 tàu/973 tàu trên 90CV đang tham gia khai thác hải sản xa bờ.
Số liệu cập nhật mới nhất của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa công bố cũng cho thấy, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam chỉ tăng nhẹ trong 6 tháng đầu năm do số lượng xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam đã giảm mạnh ở một số thị trường chính. Cụ thể, theo VASEP, 6 tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt 293,7 triệu đô la Mỹ, chỉ tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của cá ngừ Việt Nam khi chiếm đến 37% thị phần, đạt 108,6 triệu đô la Mỹ nhưng giảm đến 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
6 tháng đầu năm 2012, Nhật Bản là nhà nhập khẩu lớn thứ hai của cá ngừ Việt Nam thì nửa đầu năm 2013 Nhật Bản đã tụt xuống vị trí thứ ba khi nhập cá ngừ từ Việt Nam trong thời gian này chỉ đạt 31,6 triệu đô la Mỹ, giảm 18,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ban Mai
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh
Sản phẩm phục vụ thị trường ngày ông Công, ông Táo ưa chuộng 'combo'
Xuất khẩu cá ngừ cần động lực để tăng tốc trong năm 2025