Pháp luật

DN “chết lâm sàng” vì bị ngân hàng chiếm dụng vốn?

Ngày 19/07/2013 Văn phòng Đại diện Vùng Duyên Hải Bắc Bộ của Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập (DNHN) tại thành phố Hải Phòng nhận được Đơn kêu cứu của Công ty CP Cung ứng tàu biển Hải Phòng (CUTB) (địa chỉ: Số 83 (số 30 cũ) phố Trần Phú, phường Lương Khánh Thiện, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng).

Đơn kêu cứu phản ánh về việc: “Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) - Chi nhánh Trần Phú, Hồng Bàng, Hải Phòng chiếm dụng vốn của Công ty hàng tỉ đồng, cụ thể là 1.496.000.000 đồng (Một tỷ bốn trăm chín mươi sáu triệu đồng)?”.

 Theo Đơn kêu cứu, bắt đầu từ ngày 15/08/2011 tại trụ sở công ty CP Cung ứng tàu biển xảy ra việc: “Một nhóm cổ đông (chiếm trên 20% vốn điều lệ) bất chấp luật pháp, dẫn một nhóm người vào công ty, đuổi toàn bộ CBCVN ra khỏi phòng làm việc. Nhóm người này phá két sắt, lục soát tài liệu, bắt giữ người để tra khảo truy tìm con dấu pháp nhân của công ty. Không đạt được mục đích, nhóm người này đã vu khống, làm đơn tố cáo với cơ quan cảnh sát điều tra (PC46) là Công ty CP CUTB làm, sử dụng con dấu giả...sau đó dẫn tới hàng loạt hệ lụy xấu, đặc biệt là việc VIB – Trần Phú, Hải Phòng lợi dụng thời cơ, cố tình chiếm dụng vốn của công ty.

Trong khuôn khổ bài viết, lần này nhóm phóng viên sẽ đề cập trước tiên tới nội dung phản ánh: “Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam(VIB) - Chi nhánh Trần Phú, Hồng Bàng, Hải Phòng chiếm dụng vốn của công ty hàng tỉ đồng?”, trong đơn công ty cho rằng: “Ngân hàng VIB đã lợi dụng việc này, lấy lý do “Con dấu không trùng khớp về kích thước so với con dấu Công ty đã đăng ký khi mở tài khoản tại VIB Trần Phú ” để phong tỏa tài khoản công ty”.

Năm 2008 VIB đồng ý mở cho công ty CP Cung ứng tàu biển tài khoản thanh toán: 043704060000085 VNĐ. Từ đó đến nay, công ty vẫn thường xuyên sử dụng tài khoản này và mẫu dấu đã đăng kí với ngân hàng VIB để hoạt động giao dịch kinh doanh. Ngày 16/08/2012, Ngân hàng VIB gửi công văn số 21/VIB – TP do bà Đoàn Thị Mai Linh –  Giám đốc ngân hàng bán lẻ, phòng giao dịch Trần Phú – Chi nhánh VIB Hải Phòng kí thông báo về việc ngừng giao dịch với Công ty CP CUTB với lý do đã nêu trên.

Khi dòng vốn bị “đóng băng” điều dễ thấy trước mắt là mọi hoạt động kinh doanh doanh nghiệp sẽ bị đình trệ. Vì vậy, công ty đã nhiều lần gửi công văn sang ngân hàng VIB đề nghị cho thực hiện giao dịch bình thường đối với tài khoản của công ty, nhưng không được ngân hàng VIB chấp nhận. 

Ngày 28/09/2012, công ty gửi công văn số 224/CV – CUTB đến cơ quan cảnh sát điều tra (PC46) –  Công an Hải Phòng thông báo về việc ngân hàng VIB Hải Phòng ngừng giao dịch với công ty do liên quan đến con dấu. PC46 gửi VIB – Chi nhánh Hải Phòng công văn số 591/CV – PC46 với nội dung : “Trong quá trình giao dịch, nếu Ngân hàng VIB – Chi nhánh Trần Phú, Hải Phòng phát hiện thấy các hình dấu của công ty gửi cho ngân hàng nghi vấn sử dụng con dấu giả thì cung cấp cho PC46 – CA Thành phố Hải Phòng để điều tra theo quy định, còn các hoạt động giao dịch khác của Công ty CP cung ứng tàu biển Hải Phòng với Ngân hàng VIB giải quyết theo quy định, không để ảnh hưởng đến hoạt động doanh nghiệp”.

Bên cạnh đó, trong Biên bản kiểm tra về việc bảo quản, sử dụng con dấu của PC64 (đơn vị cấp và đổi con dấu) cũng đã kết luận: “Do dùng lâu ngày nên con dấu bị mờ và nhòe, đề nghị công ty làm thủ tục cấp đổi lại con dấu”. Như vậy có thể thấy, phòng PC46 và PC64 đều không đề cập tới việc con dấu của công ty là con dấu giả.

Từ đó có thể thấy, lý do ngân hàng VIB – Trần Phú, Hải Phòng đưa ra, nhằm không chấp nhận mẫu dấu của công ty là không có căn cứ, thiếu cơ sở pháp lý đồng thời ngân hàng VIB cũng gián tiếp phủ nhận kết luận của PC64 – Cơ quan công an chịu trách nhiệm trước pháp luật về quản lý con dấu. 

"Một mặt VIB không chấp nhận mẫu dấu của công ty, cho đóng băng tk 043704060000085, một mặt, VIB lại “ép” công ty chúng tôi làm công văn yêu cầu ngân hàng VIB ký hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn tất cả số tiền có trong tài khoản, nếu không thực hiện ngân hàng sẽ chuyển toàn bộ số tiền này sang hình thức gửi tiết kiệm không kỳ hạn…" (ông Ngô Văn Thẳng – TGĐ Công ty CP CUTB).

Có thể nói đó là đề xuất vô lý của VIB vì nếu chấp nhận mẫu dấu để thực hiện hợp đồng giao dịch “Gửi tiết kiệm có kỳ hạn” thì tại sao VIB lại không chấp nhận mẫu dấu công ty thực hiện giao dịch chuyển tiền đối với tài khoản bị phong tỏa, trong khi tất cả hoạt động giao dịch này đều cùng một mẫu dấu. Trước sự “o ép” của VIB, công ty buộc phải  làm công văn số 23/CV – CUTB “Yêu cầu ngân hàng VIB – Chi nhánh Trần Phú thực hiện ngay việc ký hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn tất cả số tiền của công ty có trong tài khoản” theo “ý đồ” mà VIB “sắp đặt” trước đó.

Hợp đồng tiền gửi gần đây nhất mang số 043040713002/VIB - DN với ngày đến hạn là 05/08/2013. Đồng thời, trong công văn số 4821/2013/CV – VIB gửi cho Văn phòng Đại diện của Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập tại Hải Phòng ngân hàng trả lời: “…VIB Hải Phòng không có quyền phủ nhận con dấu mà Công ty đã đóng trên văn bản xác nhận công nợ (Công nợ tiền thuê nhà của VIB với Công ty CP Cung ứng tàu biển Hải Phòng). Việc sử dụng con dấu trên các giấy tờ giao dịch của Công ty trong quan hệ giao dịch dân sự là do Công ty quyết định và chịu trách nhiệm trước pháp luật”. 

Đây phải chăng là sự mâu thuẫn trong lời nói và việc làm của VIB – Chi nhánh Trần Phú Hải Phòng? Có nguồn tin cho rằng: “Thời điểm VIB – Chi nhánh Trần Phú phong tỏa tài khoản 043704060000085, do bị khách hàng rút tiền ồ ạt, nên VIB dùng cách này để chiếm dụng và sử dụng vốn của doanh nghiệp”? Bà Đặng Thị Hồng Hải – Chủ tịch HĐQT nghi ngờ: “Việc VIB chiếm dụng vốn của chúng tôi nhằm giúp đỡ cho một nhóm cổ đông phá hoại công ty ”? Sự việc diễn tiến ra sao thì cần sự vào cuộc của các cơ quan có thẩm quyền xác minh, làm rõ để cứu doanh nghiệp qua cơn “chết lâm sàng” vì lý do “trên trời” nhưng cách hành xử của VIB không khỏi đáng ngại cho chính các khách hàng đang và sẽ giao dịch tại VIB?.

(Thông tin vụ việc sẽ được nhóm phóng viên tiếp tục điều tra và đăng tải vào những kỳ tiếp theo).

 

 

Nhóm PV


 



 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo