Thị trường

DN lỗ lãnh đạo vẫn có thu nhập “khủng”

Không đồng tình với chủ trương miễn thuế thu nhập cá nhân với DN KH&CN, Bộ trưởng Nguyễn Quân lý giải, để đề phòng tình trạng DN thua lỗ nhưng lãnh đạo đơn vị đó lại có thu nhập rất “khủng”.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân

Đề cập đến chính sách miễn giảm các loại thuế cho DN lĩnh vực KH&CN tại chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tối 16/2, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết, chủ trương này được quy định rõ thông qua Nghị định số 80 năm 2007 của Chính phủ. Thông tư còn quy định, các chế độ ưu đãi về thuế chỉ áp dụng đối với DN có lãi.

Tuy nhiên Bộ trưởng Nguyễn Quân không đồng ý quan điểm miễn thuế thu nhập cá nhân, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, rất nhiều người có thể lợi dụng việc này. Ví dụ DN thua lỗ, nhưng đội ngũ lãnh đạo của DN thu nhập rất “khủng”. Nếu miễn thuế thu nhập cá nhân trong khi DN thua lỗ thì người ta sẽ lợi dụng việc đó, dẫn đến không khuyến khích DN sản xuất và điều tiết bằng thuế thu nhập cá nhân cho hợp lý.
 
“Đương nhiên DN khoa học công nghệ sẽ ứng dụng các nghiên cứu của giới khoa học mà họ được ưu đãi không chỉ chính sách thuế của doanh nghiệp mà còn được ưu đãi khác, ví dụ được thuê đất với giá thấp nhất trong khung giá do Nhà nước quy định, được tiếp cận với các nguồn vốn và các nguồn tài chính. Họ được miễn thuế đối với các hoạt động nghiên cứu, đào tạo trong doanh nghiệp, thông qua việc dành một phần lợi nhuận của doanh nghiệp bằng việc thành lập quỹ phát triển doanh nghiệp” – Ông Quân nói thêm.
 
Chia sẻ về các khu công nghệ cao có thực sự thu hút được DN công nghệ?, Bộ trưởng Quân cho rằng, phải làm sao thu hút được các DN nghệ cao vào các khu công nghệ cao. “Hiện nay, có xu hướng không lành mạnh lắm. Nhiều địa phương xin thành lập các khu công nghệ cao, sẽ làm phân tán nguồn lực. Nhà nước không chỉ đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao mà có thể đầu tư vào DN không phải trong khu công nghệ cao, nhưng đó là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao”.
 
Cũng theo Bộ trưởng, ở đâu sản xuất ra sản phẩm công nghệ cao, công nghệ mới, lần đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam, những công nghệ có giá trị gia tăng cao...đều phải hỗ trợ. Như vậy, nhà nước không phân biệt trong khu công nghệ cao hay ngoài. Nhưng theo ông Quân, chúng ta vẫn phải làm khu công nghệ cao, vì kinh nghiệm các nước phát triển, đặc biệt là các nước mới nổi, các khu công nghệ cao đóng vai trò đầu tàu để lan tỏa những công nghệ mới.
 
Đề cập đến chính sách cụ thể thúc đẩy, phát triển công nghiệp sáng tạo, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, Chính phủ Việt Nam quan tâm đến vấn đề này từ rất lâu rồi. Bộ Khoa học - Công nghệ cũng trình Chính phủ đề án. Tuy nhiên đây là vấn đề mới mẻ đối với Việt Nam. Nghị định 80 được coi như viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho công nghiệp sáng tạo.
 
“Trong gần 8 năm qua, chúng tôi cùng với các bộ, ngành đã xây dựng hệ thống các DN khoa học công nghệ, mặc dù số lượng ít, chưa hùng mạnh nhưng là khởi đầu cho quá trình để chúng ta có hệ thống DN sáng tạo. Có thể kể đến như Công ty Xuất nhập khẩu Hải Phòng, Công ty cấp thoát nước Bà Rịa Vũng Tàu. Họ là những DN có giá trị gia tăng rất lớn, tốc độ tăng trưởng cao và họ tồn tại bền vững ngay cả trong cuộc khủng hoảng kinh tế vừa rồi” – Bộ trưởng Nguyễn Quân cho hay.
 
Ông Quân cũng tiết lộ, Ngân hàng Thế giới đã tài trợ cho một dự án để thúc đẩy phát triển khoa học sáng tạo với giá trị 100 triệu USD. Chính phủ Phần Lan cũng tiếp tục tài trợ cho một dự án đổi mới sáng tạo cho DN trị giá 10 triệu Euro. Chính phủ Việt Nam cũng dành ngân sách đáng kể để phát triển. Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định 592 hỗ trợ các tổ chức khoa học công nghệ của Việt Nam tạo ra các DN khoa học từ kết quả nghiên cứu của các tổ chức khoa học công nghệ.
 
“Chúng tôi hy vọng đến năm 2020 sẽ có khoảng 5.000 DN khoa học công nghệ” – Bộ trưởng Quân kỳ vọng.
InforNet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo