DN viễn thông lãi chục nghìn tỷ vẫn tăng 3G,"luộc" tiền khách
Năm 2013, doanh thu của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) ước đạt 119.000 tỷ đồng, doanh thu của Vietel là 163.000 tỷ đồng, mức lợi nhuận lần lượt là 9.270 tỷ đồng và 26.400 tỷ đồng, gấp 3 lần lợi nhuận của VNPT. Mặc dù lãi lớn nhưng cả Vietel, MobiFone, Vinaphone năm vừa qua đều tăng cước 3G và bị tố ăn chặn tiền của khách hàng.
Vietel, VNPT lãi hàng chục nghìn tỷ
Báo cáo Tổng kết công tác năm 2013 do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố ngày 26/12 cho thấy, tổng doanh thu của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) ước đạt 119.000 tỷ đồng (100% kế hoạch năm), bằng 102,53% so với 2012. Lợi nhuận doanh nghiệp gần 9.270 tỷ đồng, bằng 179% so với năm ngoái.
Tổng giám đốc VNPT Trần Mạnh Hùng chia sẻ, kết quả này là nhờ thực hiện các giải pháp tối ưu hóa mạng lưới, tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh. Trong đó, VNPT đã tiết kiệm chi phí được 1.000 tỷ đồng.
Hai mạng di động thuộc sở hữu của tập đoàn là Vinaphone và MobiFone vẫn giữ vai trò quan trọng trong tổng doanh thu. Lãnh đạo VNPT cho biết năm nay Vinaphone tăng trưởng 8%, cao hơn cả MobiFone. Dịch vụ băng rộng cũng phát triển tích cực, đạt 14%, riêng thuê bao cáp quang tăng 36% so với năm ngoái.
Với tổng doanh thu khoảng 119.000 tỷ đồng VNPT tiếp tục có doanh thu thấp hơn Viettel.
Cụ thể, doanh nghiệp của quân đội thu về gần 163.000 tỷ đồng trong năm 2013, đạt 100% kế hoạch và tăng 15,2% so với năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế là 26.400 tỷ đồng, cao hơn 2012 gần 2.000 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu là 36,56% (năm ngoái đạt 40%).
Dù đạt được những chỉ tiêu đề ra, Phó Tổng giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận 2013 tiếp tục là một năm khó khăn của tập đoàn.
"Đây là năm thứ 3 liên tiếp chúng tôi tăng trưởng chậm lại, chỉ đạt 15% và chậm hơn 2-3 lần so với trước đây", ông nói.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, trong số những khó khăn mà các doanh nghiệp viễn thông đang vấp phải trên thị trường, dịch vụ thoại-nhắn tin qua Internet/3G (OTT) là một phần nguyên nhân gây xói mòn doanh thu.
"Đây là thách thức, sức ép nhưng đồng thời là động lực và cơ hội để các nhà mạng thay đổi chính mình", lãnh đạo Viettel nhấn mạnh.
Vẫn tăng cước 3G và ăn chặn tiền người dùng
Ngày 16/10, giá cước 3G của cả ba nhà mạng lớn Vinaphone, Viettel, MobiFone đã đồng loạt tăng trung bình 20%, trong đó có gói cước tăng 40% thậm chí tăng 300%.
Mặc dù tăng giá nhưng chất lượng 3G tậm tịt khiến người dùng bức xúc, làn sóng tẩy chay 3G diễn ra phổ biến. Sau nửa tháng tăng giá, ngày 1/11, ông Lê Nam Thắng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng thừa nhận, dù giá 3G ở Việt Nam đang khá rẻ nhưng chất lượng 3G lại đang “có vấn đề” vì lúc xem rất tốt, lúc lại chập chờn, thậm chí có lúc 3G “tậm tịt” hẳn.
Việc tăng cước 300% cụ thể, gói cước EZ0 của Vinaphone thay đổi từ mức 60 đồng/MB lên đến 200 đồng/MB, tăng 333,3% so với cước cũ; gói cước FC0 của MobiFone, Laptop Easy của Viettel cũng có mức tăng tương tự từ 60 đồng/MB lên 200 đồng/MB.
Trước đây mỗi thuê bao chỉ phải tốn trung bình 60.000 đồng/tháng cho loại dịch vụ 3G này thì giờ đây họ phải tốn ít nhất 200.000 đồng/tháng.
Đây là loại gói cước không có dung lượng miễn phí và cũng không bị giới hạn tốc độ truy cập, khách hàng dùng bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu, chỉ đơn giản là mua sim 3G chuyên dụng (không có chức năng thoại) gắn vào USB 3G và kích hoạt sử dụng dịch vụ dữ liệu.
Với đại đa số thuê bao trong khoảng 3,4 triệu thuê bao 3G phát sinh lưu lượng, không sử dụng trực tiếp trên điện thoại di động đều không đăng ký dịch vụ trọn gói, sau khi mức cước tăng nhảy vọt, nhà mạng đã bỏ túi thêm 500-600 tỷ đồng mỗi tháng.
Không những thế, 3 nhà mạng Viettel, Vinaphone, MobiFone còn tự ý tích hợp ứng dụng trên sim của các nhà mạng cho phép tải thông tin và tính phí nhưng không niêm yết rõ ràng, chính xác giá cước, không có thông tin cảnh báo về giá cước, không cho phép người sử dụng xác nhận đồng ý, không đồng ý tải dịch vụ với mức phí được đưa ra tồn tại thu về hàng trăm tỷ đồng.
Cụ thể tại Vinaphone, chỉ tính trong một năm (từ tháng 6/2012 đến tháng 6/2013) đã đạt doanh thu hơn 20 tỷ đồng từ ứng dụng IOD; tại MobiFone đạt hơn 150 tỷ đồng từ ứng dụng SuperSim và LiveInfo.
Ở Viettel, tình trạng này cũng tương tự khi nhà mạng cài sẵn phần mềm Viettel Plus do nhà mạng cài đặt sẵn trên sim điện thoại, bán cho người sử dụng có chức năng cho phép tải thông tin và tính phí.
Liên quan đến việc 3 nhà mạng Vinaphone, Viettel, MobiFone, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã 2 lần yêu cầu các nhà mạng giải trình về việc tăng giá cước và lý giải việc có hay không việc 3 nhà mạng chiếm thị phần chủ yếu bắt tay nhau tăng giá cước.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay giá 3G Việt Nam vẫn thấp hơn giá thành và mặt bằng chung của khu vực, thế giới nên tới đây còn phải xem xét lại và đại diện các nhà mạng cũng không loại trừ khả năng 2014 sẽ tiếp tục đưa giá lên cao hơn.
Trong khi cơ quan chủ quản khẳng định việc tăng giá đã dựa trên nhiều yếu tố và hoàn toàn hợp lý, thì Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho rằng Cục Viễn thông giải thích chưa thỏa đáng về việc cho cả 3 mạng đồng loạt tăng cước, "như là luật sư bào chữa cho 3 nhà mạng".
Theo VAFI, giải thích của Cục quá sơ sài, quá trình xét duyệt điều chỉnh đã bỏ qua công đoạn trực tiếp thẩm định giá, thay vào đó chỉ dựa trên báo cáo của doanh nghiệp.
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Doanh nghiệp nước giải khát đẩy mạnh phát triển bền vững
Cột tin quảng cáo