Đổ bùn vào Nam Đình Vũ, môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng
Theo đó, dự án ĐTXD cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng là dự án trọng điểm quốc gia. Mục tiêu của dự án gồm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng giai đoạn khởi động xây dựng 02 bến cho tàu container, tàu tổng hợp có trọng tải đến 50.000 DWT đủ tải và tàu 100.000 DWT giảm tải.
Lượng hàng thông qua cảng theo dự báo giai đoạn 2010 đến 2015 khoảng 6 triệu tấn (gồm 5,5 triệu tấn hàng container và 0,5 triệu tấn hàng tổng hợp), góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của thành phố Hải Phòng nói riêng và của khu vực phía Bắc nói chung, khẳng định vị trí và ưu thế về kinh tế biển, đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt, sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, Dự án gồm hai hợp phần:
Hợp phần A: Xây dựng cơ sở hạ tầng (nạo vét luồng tàu, vũng quay tàu, đê chắn sóng, đê chắn cát, bến công vụ, tôn tạo xử lý nền đất yếu và đường bãi,...), chủ đầu tư là Cục Hàng hải Việt Nam, đại diện chủ đầu tư là Ban quản lý dự án Hàng hải II.
Hợp phần B: Xây dựng hai bến container; chủ đầu tư là Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam và các nhà đầu tư Nhật Bản, thực hiện.
Theo chấp thuận của Ủy ban Nhân dân TP.Hải Phòng và quyết định phê duyệt dự án đầu tư, vị trí đổ đất nạo vét tại khu vực phía sau đê chắn sóng thôi của hai bến khởi động (khu logistics) và tại Khu Công nghiệp Nam Đình Vũ là phương án thứ hai.
Hợp phần A đang được Đoàn Tư vấn của Jica thực hiện thiết kế (viện trợ không hoàn lại). Trong quá trình thiết kế kỹ thuật, tư vấn đã nghiên cứu các vị trí đổ đất nêu trên và đề xuất thêm một vị trí ngoài biển cách dự án khoảng 16 đến 25km.
Đoàn Tư vấn của Jica đã nghiên cứu chi tiết các phương án đổ vật liệu nạo vét: tại vị trí ngoài biển, khu công nghiệp Nam Đình Vũ và phía Nam đảo Cát Hải. Theo số liệu khảo sát địa chất, thủy hải văn khu vực, nghiên cứu mô hình toán, Đoàn tư vấn của Jica đã báo cáo rõ: vật liệu nạo vét chủ yếu là bùn, tỷ lệ cát rất ít (chỉ chiếm khoảng 8%) nên vật liệu này không phù hợp cho việc tôn tạo.
Trên cơ sở so sánh kỹ lưỡng về kinh tế - kỹ thuật, tiến độ, bảo vệ môi trường (ảnh hưởng của sự lan tỏa bùn đất), an toàn hàng hải và tận dụng nguồn tài nguyên đất, tư vấn dự án khẳng định: Việc đổ đất nạo vét vào khu công nghiệp Nam Đình Vũ hoặc Nam Cát Hải là không phù hợp về mặt kỹ thuật do tính chất của bùn, đất nạo vét không đáp ứng được yêu cầu tôn tạo, sau này khi thực hiện san lấp mặt bằng khu công nghiệp cũng sẽ phải đào đổ đi hoặc phải xử lý gia cố rất tốn kém.
Ngoài ra, do khoảng cách từ vị trí nạo vét đến khu công nghiệp Nam Đình Vũ khoảng 14-19 km, biện pháp thi công hiện đại nhất hiện nay cũng không thể trực tiếp đưa bùn đất nạo vét vào thẳng khu công nghiệp Nam Đình Vũ mà bắt buộc phải nạo vét đào luồng công vụ, đào hố trung chuyển dưới biển tại vị trí gần đó để tập kết bùn, đất nạo vét rồi mới có thể phun lên khu công nghiệp Nam Đình Vũ.
Toàn bộ quá trình này sẽ làm kéo dài tiến độ thi công, tổng kinh phí đầu tư tăng lên nhiều (khoảng 300 triệu USD, chưa kể chi phí xây dựng đê bao của khu công nghiệp Nam Đình Vũ).
"Đặc biệt, môi trường khu vực hố trung chuyển và lân cận khu Nam Đình Vũ cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng", thông cáo nhấn mạnh.
Hiện nay, báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đã được Đoàn Tư vấn của Jica hoàn chỉnh, Cục Hàng hải Việt Nam đang hoàn tất hồ sơ trình Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét thẩm định, phê duyệt theo quy định để có cơ sở quyết định lựa chọn phương án đổ vật liệu nạo vét tối ưu.
Trong quá trình chuẩn bị xây dựng Bộ Giao thông Vận tải và Jica luôn thống nhất việc lấy tiêu chí bảo vệ môi trường là điều kiện tiên quyết để lựa chọn phương án đổ đất nạo vét nói rằng và biện pháp thi công xây dựng toàn bộ dự án nói chung, đảm bảo điều kiện bảo vệ tốt nhất đối với môi trường, sinh thái khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh và các vùng biển lân cận.
Nguoiduatin.vn sẽ tiếp tục cập nhật vụ việc nghiêm trọng này.
Theo NĐT
End of content
Không có tin nào tiếp theo