Đổ thừa: Bệnh khó chữa!
Ngày 29-10, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố Báo cáo thường niên môi trường kinh doanh cho năm 2015, Việt Nam bị tụt sáu bậc so với thứ hạng 72 của năm 2014.
Trong đó các chỉ số về nộp thuế, vay vốn, thương mại qua biên giới… tụt bậc. Thế là những người có trách nhiệm trong nhóm bị tụt bậc đổ thừa là do báo cáo có độ trễ, phương pháp đánh giá còn phải bàn cãi, các nước cũng cải cách nên ta không theo kịp…
Có cả đống lý do để đổ thừa, tìm cách chống đỡ, biện bạch, tuy nhiên các nhà đầu tư nước ngoài không cần biết lý do lý trấu của các “nhà biện bạch”. Họ chỉ nhìn vào bảng xếp hạng và tin vào đánh giá của WB hơn là nghe lý giải nguyên nhân.
Chuyện chúng ta “bị” các tổ chức phi chính phủ xếp hạng và vị trí trên “bảng phong thần” không mấy đẹp vẫn hay xảy ra. Trừ một số lĩnh vực bị áp đặt khiên cưỡng thì đa phần là họ đánh giá rất khách quan nhưng thái độ tiếp nhận của những người phụ trách lĩnh vực bị “bêu tên” thường “to còi” phủ nhận theo quán tính.
Không đâu xa, mới đây sau khi The Guide to Sleeping in Airports công bố bảng xếp hạng chất lượng dịch vụ các sân bay, Việt Nam “dính” hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất ở tốp đầu… kém nhất trong khu vực châu Á. Thế là Cục Hàng không phản ứng liền: “Đánh giá đó chưa khách quan, tổ chức đánh giá không chuyên môn…”. Trong khi thực tế tại hai sân bay trên, việc trễ chuyến, dồn chuyến bay để khách gà gật ở sân bay xảy ra hà rầm; chuyện hành lý của khách bị lục tung, vali bị bẻ khóa, giá cả các dịch vụ tại sân bay còn cao ngút lại không chịu nhìn nhận! Rất may là chuyện “to còi” này sớm bị “tịt” vì Bộ trưởng Đinh La Thăng phê bình vì “đánh giá của hành khách là khách quan” và ông cử ngay Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu đi thực địa.
Thông thường, được khen thì “sướng rơn”, còn bị ai đó góp về cái sai, cái chưa tốt của mình thì “xù lông ra thủ” bằng cách chống chế, bao biện. Ở cấp độ nặng hơn là “đì”, là trù dập người góp ý. Khổ nỗi, người bị chê thường có quyền, có tiền nên mới có chuyện...
Thứ hạng ở những vụ việc trên chưa hẳn đã phản ánh đúng bản chất nhưng “không có lửa làm sao có khói?”. Vì vậy chúng ta nên loại bỏ dần bệnh “tại, bị, do, nên…” ăn sâu vào tiềm thức để nghe cho được nhiều chiều về những “ta thán” của người dân, của xã hội chứ đừng bịt tai, “phùng mang trợn mắt” với những góp ý mang tính xây dụng.
Theo Pháp luật TP.HCM
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo