Đổ xô săn gỗ đổi màu
Ba tháng nay, nhiều người dân ở huyện Krông Năng - Đắk Lắk đã đổ xô vào rừng đào tận gốc, trốc tận rễ cây đổi màu. Đây là tên mà người dân tự đặt do đặc tính đổi màu theo ánh sáng và nhiệt độ của loại cây này. Trong giới kinh doanh gỗ, cây đổi màu còn có nhiều tên gọi: trắc xanh, trắc tía, bách xanh, tắc kè, kỳ đà…
Hai xã Ea Tam và Cư Klông ở huyện Krông Năng được xem là “thủ phủ” của cây đổi màu. Trong vai một người mua gỗ, chúng tôi được dân địa phương chỉ đến ông Th. ở thôn Tam Phong, xã Ea Tam.
Nhà ông Th. có một số món đồ làm từ gỗ đổi màu: 2 bức tượng Quan âm và Phật Di Lặc cùng 1 cặp lộc bình, tất cả đều được chế tác rất công phu, cao 1,3 - 1,5 m, đường kính chừng 30 - 50 cm. “Cách đây 2 tháng, tôi mua 4 khúc gỗ đổi màu với giá 9 triệu đồng rồi thuê thợ chế tác 4 món đồ này hết 11 triệu đồng. Điểm đặc biệt của loại gỗ này là màu sắc có thể thay đổi: Đưa ra ánh sáng thì chuyển sang màu hồng, tím; để trong tối lại có màu xanh bích, nâu đậm, đen sẫm… Vân gỗ này đẹp như thủy tùng, láng bóng như trắc, lại không hề bị nứt nẻ” - ông Th. khoe.
Ông Th. bảo chỉ bán cặp lộc bình, còn cặp tượng thì dù ai trả giá cao bao nhiêu cũng không rớ được. Theo ông Th., đã có nhiều người trả giá cặp lộc bình 30 triệu đồng nhưng ông chưa chịu bán. Khi chúng tôi thắc mắc cả tiền gỗ và công chế tác cặp lộc bình chỉ khoảng 4 triệu đồng, ông Th. lý giải: “Đây là hàng hiếm mà, ít bữa nữa không có giá đó đâu!”.
Tại cơ sở mỹ nghệ của ông D. ở xã Cư Klông, chúng tôi được giới thiệu 1 bức tượng Phật Di Lặc cao khoảng 60 cm, đường kính 40 cm và 3 cặp lộc bình cao 20-40 cm cùng vài khúc gỗ đổi màu chưa chế tác. Tuy nhiên, theo ông D., phần lớn các sản phẩm làm từ gỗ đổi màu đều đã có người đặt mua.
Chỉ cặp lộc bình cao 40 cm, ông D. cho biết: “Một cán bộ huyện Krông Năng đã đặt mua. Khoảng 3 tháng trước, một số người đi rừng vô tình phát hiện đặc tính đổi màu của loài cây này. Sau đó, hàng trăm người dân các xã khác cũng đổ xô vào rừng tìm kiếm nên hiện nay, gỗ đổi màu không còn nhiều”.
Trước việc người dân đổ xô vào rừng khai thác gỗ đổi màu, Hạt Kiểm lâm Krông Năng đã tăng cường tuần tra, xử phạt. Trong tháng 9 và 10/2012, cơ quan này đã phát hiện 10 vụ vận chuyển, tàng trữ trái phép gỗ đổi màu, phạt hành chính mỗi trường hợp 6,5 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Kiểm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Krông Năng, giải thích: “Chúng tôi chưa xác định chính xác tên loại gỗ này. Vì vậy, khi bắt được đối tượng vận chuyển, chúng tôi chỉ tạm xếp vào nhóm gỗ tạp - nhóm V để xử lý”.
Theo ông Kiểm, người dân huyện Krông Năng khai thác gỗ đổi màu từ Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, huyện Ea Kar rồi vận chuyển về huyện qua lâm phần của ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng. Hạt đã đề nghị các bên liên quan tăng cường tuần tra, kiểm soát để ngăn chặn lâm tặc vận chuyển gỗ đổi màu nhưng không mấy hiệu quả.
Khi thị trường có nhu cầu cao về loại cây rừng nào đó, chúng sẽ đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Ông Lê Đắc Ý, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, khẳng định cây đổi màu hiện rất hiếm. “Chúng tôi đã cử đoàn công tác đến khu vực có cây đổi màu để tìm hiểu. Đoàn đã lấy lá, vỏ, hoa quả để gửi mẫu đến Trường Đại học Tây Nguyên xác định tên loài, giá trị của loài cây này” - ông Ý cho biết.
Đối với cây đổi màu, cơ quan chức năng cần đánh giá đầy đủ về tên loài, vùng phân bố, mật độ, giá trị thẩm mỹ… để đưa ra phương án xử lý, tránh tình trạng khai thác quá mức, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học. PGS-TS Bảo Huy (Trường Đại học Tây Nguyên) |
Đoàn Huế (Theo NLĐ)
End of content
Không có tin nào tiếp theo