Doanh nghiệp “ba không”
Chỉ giao kết miệng
Anh Bổn cho biết anh vào làm việc tại công ty từ tháng 12/2011. Theo thỏa thuận, thời gian làm việc của anh trong ngày bắt đầu từ 9 giờ đến 18 giờ, có khi kéo dài đến 21 giờ, 22 giờ và công việc làm thường xuyên, liên tục, hết dự án này đến dự án khác.
“Tôi đã nhiều lần đề nghị công ty ký hợp đồng lao động lao động với tôi và những nhân viên khác nhưng công ty không giải quyết. Theo tôi biết, hiện có gần 400 nhân viên làm việc cho công ty cũng không được ký hợp đồng lao động”- anh Bổn bức xúc.
Do không được ký hợp đồng lao động và tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nên khi ốm đau bệnh tật, người lao động không được hưởng các chế độ theo quy định.
Khi trả lời bức xúc của người lao động, công ty chẳng những không có thiện chí mà còn thách thức: Nếu người lao động chứng minh làm việc liên tục sẽ được ký hợp đồng lao động. Tuy nhiên, lại “đe dọa”: Nếu ký hợp đồng thì tính hiện tại, còn thời gian làm việc trước đó thì không được tính (nhiều người đã làm việc từ 1 năm đến 3 năm).
Công ty cho rằng những người lao động làm trước đây là giao kết miệng. Nếu ai chứng minh làm việc liên tục tại công ty trên 3 tháng, công ty sẽ ký hợp đồng thời vụ 3 tháng, nếu hết hợp đồng thời vụ 3 tháng, công ty sẽ ký tiếp hợp đồng 3 tháng thời vụ!
Bà Tôn Nữ Tố Vy, trưởng phòng hành chính nhân sự công ty, cho biết công ty tuyển người lao động vào làm việc theo từng dự án; khi dự án kết thúc, người lao động không còn làm việc tại đơn vị. Khi có dự án mới, công ty sẽ mời người lao động vào làm việc trở lại. Nếu người lao động chứng minh được đã làm việc liên tục sẽ được công ty ký kết hợp đồng lao động và tham gia bảo hiểm xã hội đầy đủ.
Ông Lê Văn Mười, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh - Xã hội quận 3, cho biết đơn vị này mới chuyển về hoạt động trên địa bàn quận. Phòng Lao động - Thương binh - Xã hội quận sẽ tiến hành kiểm tra, nếu phát hiện sai phạm thì xử lý theo thẩm quyền; nếu vượt quá thẩm quyền, sẽ kiến nghị Thanh tra Sở Lao động - Thương binh - Xã hội kiểm tra, xử lý.
Không ai được ký hợp đồng lao động
Tương tự, gần 400 lao động đang làm việc tại Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Thiên Phước (huyện Hóc Môn-TP.Hồ Chí Minh) cũng bức xúc về việc không được ký hợp đồng lao động, không được tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.
Chị Phan Thị Kim Chi cho biết: “Tôi vào làm việc tại công ty từ tháng 12-2011 nhưng đến nay vẫn không được ký hợp đồng lao động; tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Chúng tôi rất lo lắng, nếu có chuyện không hay xảy ra như bị đuổi việc, tai nạn lao động… công ty sẽ thoái thác trách nhiệm. Bên cạnh đó, các quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cũng bị mất”.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.Hồ Chí Minh: Vi phạm pháp luật Việc doanh nghiệp lấy lý do người lao động làm việc từng dự án để không ký kết hợp đồng lao động là không đúng, bởi vì người lao động đã làm việc ở các dự án thường xuyên liên tục thì phải ký hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12 tháng trở lên. Trường hợp thứ hai, khi doanh nghiệp đi vào hoạt động, phải tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật lao động; trong đó có việc ký kết hợp đồng; đăng ký lao động; tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Doanh nghiệp viện lý do “mới thành lập” nên không thực hiện quyền lợi cho người lao động là vi phạm pháp luật. Để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật lao động, trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước về lao động tại địa phương. |
Theo NLĐ
End of content
Không có tin nào tiếp theo