Thị trường

Doanh nghiệp cần ngành thuế nghe, giải quyết

Phải lắng nghe ý kiến doanh nghiệp thì mới cải thiện được thủ tục, hoàn thiện được quy định, chính sách.

Nhân Tuần lễ Lắng nghe ý kiến người nộp thuế năm 2012 do Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh tổ chức, nhiều doanh nghiệp đã chỉ ra một số điểm bất hợp lý trong quy định về thuế, gửi gắm Cục Thuế tìm cách tháo gỡ cho doanh nghiệp.

 

Phạt trước, nhận hồ sơ sau

 

Nhiều doanh nghiệp tỏ ý bức xúc việc nhân viên thuế không chịu nhận hồ sơ của doanh nghiệp, cứ “ép” doanh nghiệp chịu bị xử phạt.



Tôi nghe có doanh nghiệp than rằng phải đưa tiền thì mới được nhận hồ sơ. Doanh nghiệp nào bị vòi vĩnh thì phản ánh ngay. Nhân viên thuế không nhận thì doanh nghiệp cứ về gửi hồ sơ qua đường bưu điện

Ông Nguyễn Trọng Hạnh, Cục phó Cục Thuế TP.HCM

 

Cụ thể, nhiều doanh nghiệp nộp báo cáo sử dụng hóa đơn trễ hơn quy định, bị nhân viên thuế từ chối nhận hồ sơ. Nhân viên thuế bắt doanh nghiệp đến phòng quản lý thuế lập biên bản vi phạm trước rồi mới chịu nhận hồ sơ.

 

Một trong các lý do dẫn đến tình trạng này là Nghị định 51/2010 về hóa đơn có quy định phạt 2-10 triệu đồng đối với trường hợp “không nộp báo cáo hóa đơn đã sử dụng”. Nghị định 51/2010 lại không phạt trường hợp chậm nộp.

 

Vì vậy, nhân viên thuế không chịu nhận hồ sơ để làm áp lực “ép” doanh nghiệp đi lập biên bản vi phạm về hành vi “không nộp”. Tính đến thời điểm lập biên bản thì doanh nghiệp chưa nộp hồ sơ nên coi như “không nộp”, nhờ vậy cơ quan thuế mới phạt doanh nghiệp được.

 

Tuy nhiên, cách hành xử trên cần phải thay đổi. Nếu cảm thấy quy định hiện hành bị thiếu thì ngành thuế cần nghĩ cách chỉnh sửa Nghị định 51/2010 chứ không nên “bẫy” doanh nghiệp.

 

Hướng dẫn bất lợi

 

Một doanh nghiệp cho biết từng có một khoản thu nhỏ, vì nhân viên bỏ lỡ nên quên khai thuế cho khoản thu này. Gần cả năm sau doanh nghiệp phát hiện ra và mang hồ sơ đi nộp cho cơ quan thuế.

 

Nhân viên thuế viện dẫn Thông tư 61/2007 hướng dẫn xử lý vi phạm về thuế, cho rằng doanh nghiệp nộp trễ quá 90 ngày thì xem như trốn thuế. Nhân viên thuế không chịu nhận hồ sơ, bắt doanh nghiệp phải lập biên bản vi phạm.



Vấn đề là lãnh đạo của các cơ quan thuế phải lắng nghe góp ý của doanh nghiệp để chấn chỉnh nhân viên của mình. Doanh nghiệp thì khó nói thẳng mặt nhân viên thuế, vì ngại lần sau nộp hồ sơ lại bị nhân viên đó “hành”. Doanh nghiệp chỉ có thể phản ánh với lãnh đạo nếu họ tin tưởng rằng lãnh đạo đó sẽ chấn chỉnh nhân viên. Vì vậy, điều quan trọng nhất trong cải cách là lãnh đạo cơ quan thuế có lấy được lòng tin của doanh nghiệp hay không.

Ông Nguyễn Văn Quốc, Giám đốc Công ty TNHH Đa Quốc

 

Doanh nghiệp này nghiên cứu kỹ Thông tư 61/2007 mới thấy rằng quy định “trốn thuế” chỉ áp dụng cho trường hợp vi phạm “bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện”. Trường hợp của doanh nghiệp là tự phát hiện nên không thể xử phạt trốn thuế được.

 

Lẽ ra nhân viên thuế nên hướng dẫn đúng, không nên hướng dẫn bất lợi cho doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp đồng ý lập biên bản trước khi nộp hồ sơ thì chẳng khác nào biến tình hình thành “cơ quan thuế phát hiện” vi phạm.

 

Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang, hướng dẫn doanh nghiệp không được cơ quan thuế nhận hồ sơ thì cứ ôm hồ sơ về rồi gửi hai bộ hồ sơ qua đường bưu điện (để tránh rủi ro nếu một bộ bị trục trặc).

 

Một bộ gửi chuyển phát nhanh có hồi báo, một bộ gửi bảo đảm có hồi báo. Doanh nghiệp giữ tờ hồi báo này làm bằng chứng là mình đã nộp hồ sơ cho cơ quan thuế rồi.

 

Thiếu thông tin

 

Nhiều doanh nghiệp cho rằng phải nhanh chóng công khai thông tin. Hiện nay những vướng mắc, thắc mắc hằng ngày được giải quyết bằng công văn, doanh nghiệp rất quan tâm và cũng cần được biết. Thế nhưng những công văn này lại không được công khai.

 

Luật sư Trần Xoa ví dụ, cụ thể trong năm 2011 có cả trăm công văn của doanh nghiệp cùng hỏi một nội dung về cách xử lý hóa đơn có ghi chú ngoại tệ. Cơ quan thuế ra hàng trăm công văn trả lời cùng một nội dung là hóa đơn này bị coi là hóa đơn bất hợp pháp…

 

Nếu như cơ quan thuế công khai các văn bản trả lời, chia thành các cụm vấn đề mà doanh nghiệp thường thắc mắc thì doanh nghiệp không mất công đánh công văn hỏi, nhân viên thuế khỏi mất công đánh văn bản trả lời. Doanh nghiệp thắc mắc cứ lên website xem các hỏi-đáp trước đó là được. Có công khai thông tin thì mới tiết kiệm được thời gian, công sức cho xã hội.

 

Theo PL TPHCM

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo