Doanh nghiệp “chết” chính đáng và nên... “chết” đi
Trong quý 1/2012, số lượng doanh nghiệp tuyên bố phá sản và dừng hoạt động xấp xỉ 12.000 trong khi đó số DN đăng ký mới lại nhiều hơn, lên đến 15.000. Liệu đây có phải là một tín hiệu tốt?
Trả lời Kienthuc.net.vn về câu hỏi này TS. Lê Đăng Doanh cho rằng: Số doanh nghiệp đăng ký mới vẫn thấp hơn con số bình thường so với các năm trước. Việc các doanh nghiệp đăng ký mới là một chuyện, các doanh nghiệp đã hoạt động và dừng hoạt động lại là một chuyện khác và đó mới là điều đáng lo ngại.
Những doanh nghiệp mới đăng ký phải cần ít nhất một đến hai năm mới có thể gia nhập các hoạt động của thị trường, gia nhập các hoạt động sản xuất được.
Cũng theo TS. Lê Đăng Doanh con số doanh nghiệp báo ngừng hoạt động mà các cơ quan thuế cho biết cao hơn hẳn so với con số mà các cơ quan kế hoạch đầu tư đưa ra.
Đánh giá về các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng tính chuyên nghiệp của một số doanh nghiệp rất thấp. Sau khi gia nhập WTO, số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh đã tăng rất nhanh, đó là do cơ hội của thị trường tạo ra với nguồn tiền lớn lao. Lúc đó, doanh nghiệp mua sắm phát triển nhanh nhẹn và nghĩ là mình tài giỏi, kinh doanh được.
Đến bây giờ có khó khăn mới nghĩ, mới chợt phát hiện ra là mình không có chiến lược.
“Trong số những DN giải thể vừa qua, có những DN là “chết” chính đáng, nên “chết” đi bởi vì kinh doanh vung tay quá trán, kinh doanh trên những lĩnh vực mà mình không có độ chuyên nghiệp gì cả. Thấy người ta làm là nhảy vào làm mà không có bài bản gì cả. Cho nên việc điều chỉnh đó là thích hợp”, ông nhấn mạnh.
Sâu hơn về việc phá sản doanh nghiệp, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng: Trong kinh tế học thì phá sản là một sự tàn phá sáng tạo. Tức là nhà máy vẫn còn, thiết bị vẫn còn, người lao động vẫn còn.
Chỉ có ông chủ mới giỏi hơn, nhiều vốn hơn đến kinh doanh. Lúc bấy giờ doanh nghiệp có thể khôi phục lại được hết. Cho nên phá sản trong kinh tế học không phải là ngày tận thế. Mà phá sản là cơ hội để vươn lên. Điều đó cũng là điều mà các doanh nghiệp Việt Nam cần phải học.
“Thế nên bây giờ phải tăng thêm tính chuyên nghiệp. Phải xem mảng thị trường nào mình có thể hoạt động được. Mà muốn hoạt động được như vậy thì đòi hỏi phải có công nghệ gì, kỹ năng gì chứ không phải cứ trời sinh voi, trời sinh cỏ là có thể kinh doanh được”, TS. Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.
Kienthuc.net.vn
End of content
Không có tin nào tiếp theo