Doanh nghiệp chủ động hàng hoá phục vụ Tết 2013
Nắm bắt được nhu cầu tiêu thụ hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh sẽ tăng cao vào dịp cuối năm, đặc biệt là Tết Quý Tỵ 2013 nhiều doanh nghiệp của thành phố đã tích cực chuẩn bị nguồn hàng, góp phần bình ổn giá trên thị trường.
Trong đó, mặt hàng thực phẩm được các doanh nghiệp, nhà phân phối chuẩn bị khá tốt. Nhiều đơn vị cũng cho biết sẽ cố gắng giữ giá hàng Tết, vì yếu tố quan trọng ở thời điểm này không phải là lợi nhuận mà là bán được hàng.
Phục vụ Tết nguyên đán Quý Tỵ 2013, các doanh nghiệp trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh đã chuẩn bị một lượng hàng hoá tăng khoảng 10% đến 20% so với Tết năm ngoái. Theo đó, tổng nguồn vốn hàng hóa cung ứng cho ba tháng trước, trong và sau Tết được các doanh nghiệp chuẩn bị hơn 6.600 tỷ đồng, tăng hơn 1.200 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn dành cho hàng bình ổn là hơn 3.436 tỷ đồng, tăng gần 606 tỷ đồng so với tết 2012. Các mặt hàng bình ổn được chuẩn bị chiếm hơn 50% nhu cầu thị trường là dầu ăn, đường, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến...
Căn cứ sức mua của thị trường và tình hình nguồn nguyên liệu dự trữ, ông Văn Đức Mười - Tổng giám đốc Công ty Vissan cho biết, Công ty chuẩn bị nguồn hàng bình ổn Tết hơn 1.000 tỷ đồng và dự kiến nguồn hàng của Vissan trong dịp cuối năm sẽ tăng hơn 10% so với năm trước: “Chúng tôi đã ký hợp đồng với các đơn vị lớn có nguồn cung cấp ổn định từ tháng 6. Trước hết, họ phải đảm bảo với chúng tôi về sản lượng nguyên liệu, còn giá cả chúng tôi sẽ trả cho họ theo giá thị trường. Tuy nhiên vẫn đảm bảo ổn định giá cho người tiêu dùng. Điều này được thể hiện qua việc chuẩn bị tốt nguồn nguyên liệu và không để phân phối bị ách tắc”.
Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong mùa cao điểm mua sắm cuối năm và dịp Tết Quý Tỵ, những hệ thống siêu thị lớn ở TP.Hồ Chí Minh như Co.opMart, Big C và VinatexMart cũng ra những kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng rất sớm và cụ thể.
Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.Hồ Chí Minh cho biết: Saigon Co.op đã chuẩn bị lượng hàng trị giá hơn 3.350 tỷ đồng, trong đó vốn chuẩn bị cho hàng bình ổn là trên 912 tỷ đồng. Các đơn vị khác như Marximart, Citimart, BigC... cũng có kế hoạch chuẩn bị lượng hàng Tết tăng gấp 2 - 3 lần tháng thường. Cùng với việc chuẩn bị hàng hóa, các doanh nghiệp trong chương trình bình ổn đã tập trung phát triển nhanh và mạnh các chuỗi cửa hàng tiện lợi bán đủ các mặt hàng bình ổn thị trường. Hiện nay, tổng số điểm bán của 4 chương trình bình ổn trên địa bàn thành phố hơn 5.270 điểm, tăng 900 điểm so với thời điểm 1/4/2012.
Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op nói: “Chúng tôi có liên kết với các nhà cung cấp, đặc biệt là các đối tác chiến lược của mình trong việc sản xuất và dự trữ. Trong tình hình này chúng tôi đã ứng vốn cho các nhà cung cấp để họ đảm bảo giá tốt nhất cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó chúng tôi cũng tối ưu hóa nguồn lực của mình để mang lại giá tốt nhất cho người tiêu dùng”.
Theo nhận định của bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh: Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, sức mua thị trường chậm, các doanh nghiệp tuy còn lo ngại về khả năng tiêu thụ hàng trong thời điểm tết nhưng vẫn chuẩn bị kế hoạch cung ứng hàng hóa đầy đủ và cam kết đảm bảo nguồn cung với giá cả ổn định, không để thiếu hàng, tăng giá đột biến.
Theo kế hoạch, từ nay đến Tết Quý Tỵ 2013, các sở - ngành chức năng và UBND 24 quận - huyện phấn đấu phát triển 100 điểm bán, trong đó tập trung phát triển khu vực ngoại thành và các quận ven, khu chế xuất - khu công nghiệp. Tăng cường phối hợp để kiểm tra chặt chẽ tiến độ thực hiện kế hoạch tạo nguồn và cung ứng hàng hóa từ nay đến Tết, chủ động, kịp thời điều phối hàng hóa, không để xảy ra khan hiếm hàng hóa, tăng giá đột biến.
Có thể nói, trong tình hình kinh tế còn rất nhiều khó khăn, người tiêu dùng đều thắt lưng buộc bụng trong chi tiêu dẫn đến sức mua chậm, thì việc các doanh nghiệp của TP.Hồ Chí Minh nỗ lực chủ động chuẩn bị hàng hóa để đảm bảo cung ứng đầy đủ, và cam kết giá cả ổn định là điều đáng mừng. Về phía thành phố cũng giám sát chặt chẽ giá cả các mặt hàng bình ổn mà doanh nghiệp đã đăng ký, bên cạnh đó sẽ không để tình trạng đầu cơ tích trữ, tăng giá đột biến các mặt hàng có sức mua mạnh trong dịp Tết, giúp người dân đón Tết vui tươi, tiết kiệm, an toàn.
Đoàn Huế (Theo VOV)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển