Thị trường

Doanh nghiệp chưa quen với bảo hiểm rủi ro

Doanh nghiệp xuất nhập khẩu có thể tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với tài sản thế chấp là hợp đồng bảo hiểm tín dụng.

Ngay sau hội thảo “Nâng cao hiệu quả đầu tư vốn tín dụng và giải pháp quản lý tài chính” (VCCI tổ chức ngày 31-7, tại TP.HCM), khi người viết trao đổi, phần lớn các doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu, nhất là lĩnh vực nông sản, đều không biết về hình thức bảo hiểm tín dụng xuất khẩu.

 

Quan hệ mật thiết bảo hiểm - ngân hàng

 

Ông Nguyễn Đức Thanh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chế biến Nông sản Thực phẩm Xuất khẩu Tân An, nói thật: “Tôi chỉ mới nghe mang máng về bảo hiểm tín dụng xuất khẩu chứ chưa được tiếp cận”.

 

Tại hội thảo, GS Lobez Frédéric, khoa Tài chính Ngân hàng tại Đại học Lille 2 (Pháp), phân tích: Chi phí tài chính là một trong những trở ngại lớn nhất đối với DN vừa và nhỏ. DN vừa và nhỏ thường được vay vốn từ ngân hàng ít hơn 10% so với nhu cầu đầu tư. Việc thiếu vốn và không vay được vốn gần như là “thử thách nhân đôi”, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của DN vừa và nhỏ. Do đó, DN cần lưu ý việc bảo hiểm rủi ro tín dụng. “Một khi đã có hợp đồng bảo hiểm tín dụng thương mại, DN hoàn toàn có thể mang đến ngân hàng để thế chấp, được hưởng thêm ưu đãi cho vay” - ông nói.

 

GS Lobez Frédéric gợi ý rằng DN nên thiết lập một mối quan hệ thân thiết với một ngân hàng chính, đồng thời chuẩn bị một số ngân hàng khác để phòng bị. “Hơn nữa, DN cần chuẩn bị đầy đủ các thông tin “mềm” và “cứng”. “Thông tin cứng” là các bản hạch toán, chiến lược phát triển kinh doanh…, còn “thông tin mềm” chính là uy tín của ban giám đốc điều hành để giới thiệu đến ngân hàng. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng cần trao thêm quyền cho các cán bộ tín dụng khi thẩm định tình trạng của DN, tránh trường hợp thông tin không còn nguyên vẹn do đã qua nhiều tầng lớp xét duyệt của chính ngân hàng” - ông nói.

 

Khỏi lo bị quỵt nợ

 

Bà Vũ Hồng Vân, Giám đốc Bảo hiểm Hàng hải và Tín dụng Thương mại Công ty TNHH Bảo hiểm Chartis Việt Nam, cho biết trên thực tế, rất nhiều DN Việt Nam chưa tham gia vào loại hình bảo hiểm tín dụng, do đó dễ gặp rủi ro trong giao dịch. Chẳng hạn, nhiều DN có khách hàng ở xa nên DN khó nắm thông tin về khách hàng cũng như hàng hóa, thị trường thì khả năng được thanh toán của DN rất thấp. “Đặc biệt, đối với DN chủ yếu giao dịch qua mạng Skype, họ thường thành công với những lô hàng đầu tiên nhưng những lô hàng sau thì cứ bị đối tác thất hẹn dần”.

 

Theo bà Vân, một trong những nguyên nhân chính là DN chưa biết về bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, chưa nhận thức được tầm quan trọng, đặc biệt là chương trình hỗ trợ vốn 20% của Chính phủ dành cho DN khi tham gia bảo hiểm tín dụng xuất khẩu. “Gần đây thì mới có nhiều DN tỏ ý quan tâm vì họ cần có người hỗ trợ sau lưng để yên tâm hơn khi giao dịch xuất nhập khẩu. Các ngân hàng như VietinBank, Vietcombank bắt đầu đề nghị DN mua bảo hiểm tín dụng xuất khẩu để tăng khả năng cho vay vốn. Các DN cần lưu ý khi tham gia bảo hiểm phải xem xét thật kỹ các điều khoản trong hợp đồng nhằm tránh những tranh chấp không đáng có” - bà Vân lưu ý.

 

Mới đây, Công ty CP Thương mại Đầu tư Hợp Long xuất khẩu tám container điều sang Thụy Sĩ, cập cảng Rotterdam (Hà Lan) chuẩn bị giao hàng thì nhà nhập khẩu “giở trò”, cho rằng chất lượng hàng không đạt nên họ không nhận. DN buộc phải phái giám đốc điều hành sang tận nơi “chạy” thủ tục cho hàng ra khỏi cảng, tránh chịu tổn thất lớn. Ông Lê Chí Hùng, Tổng Giám đốc Công ty, chia sẻ: “Nếu tôi biết sớm về bảo hiểm tín dụng xuất khẩu thì đã khác”.

 

Đã thí điểm từ năm 2011

Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu là loại hình bảo vệ các khoản phải thu thương mại của DN, từ các tổn thất không mong đợi do thảm họa, do người mua hàng mất khả năng thanh toán hoặc không/chậm thanh toán và các sự kiện chính trị (cấm vận, chính sách bất ngờ từ chính phủ). Ở Việt Nam, Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu là đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai thí điểm từ năm 2011 đến cuối năm 2013 với mục tiêu nâng tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu được bảo hiểm tín dụng xuất khẩu là 3%.

Nhà nước phải coi bảo hiểm tín dụng là công cụ hỗ trợ

Tại các nước phát triển, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu đã được triển khai từ rất sớm và phần lớn đều có tổ chức chuyên về loại hình bảo hiểm này. Đặc biệt, châu Âu chiếm trên 80% thị phần doanh thu phí bảo hiểm tín dụng xuất khẩu toàn thế giới. Nhà nước phải coi bảo hiểm tín dụng xuất khẩu là công cụ hỗ trợ đắc lực cho hoạt động xuất khẩu, giúp DN trong giai đoạn khó khăn. DN cũng cần phải chứng tỏ uy tín của mình. Đồng thời, phía ngân hàng và bảo hiểm phải liên kết với nhau để bảo hiểm cho DN, cảnh báo những nhà nhập khẩu làm ăn bất tín cho DN.

Giáo sư LOBEZ FRÉDÉRIC, khoa Tài chính Ngân hàng
- Đại học Lille 2 (Pháp)


Theo PL TPHCM

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo