Xã hội

Doanh nghiệp còn thờ ơ với luật lao động

Nhiều dạng vi phạm làm doanh nghiệp thường thua kiện trong các tranh chấp lao động do vi phạm pháp luật lao động. PV đã trao đổi với Thẩm phán Trần Thị Thanh Mai, Chánh tòa Lao động TAND TP.HCM.

(phapluattphcm) Thưa bà, những dạng tranh chấp lao động nào mà gần đây tòa giải quyết nhiều nhất? Vì sao những dạng tranh chấp này ngày càng gia tăng?

Năm 2012, ngành tòa án TP.HCM đã thụ lý tổng cộng 1.458 vụ án lao động (tăng gần 22% so với năm trước). Trong đó, những dạng tranh chấp lao động gần đây các tòa giải quyết nhiều nhất là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, đòi tiền lương, đòi nợ bảo hiểm xã hội (do cơ quan Bảo hiểm Xã hội khởi kiện đối với các DN).

Những dạng tranh chấp này ngày càng gia tăng có hai nguyên nhân: Thứ nhất, về chủ quan là do người lao động và DN - người sử dụng lao động không chấp hành nghiêm túc pháp luật lao động, không tôn trọng sự thỏa thuận giữa các bên. Thứ hai, về khách quan là do tình hình kinh tế thị trường toàn cầu bị suy thoái nên các DN gặp nhiều khó khăn, phải thay đổi cơ cấu  sản xuất, cơ cấu  tổ chức, dẫn đến việc phải tinh giản biên chế hoặc chấm dứt hoạt động và không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội.

Các tranh chấp đòi bảo hiểm xã hội giữa người lao động với DN cũng như đòi nợ bảo hiểm xã hội giữa cơ quan bảo hiểm xã hội với DN thường rất phức tạp do thời gian nợ bảo hiểm xã hội kéo dài trong nhiều năm, chính sách tiền lương của người lao động có nhiều biến động. DN ngừng hoạt động, đại diện theo pháp luật của DN bỏ trốn ra nước ngoài… nên các tòa gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập chứng cứ, triệu tập đương sự.

Thưa bà, trong thực tiễn xét xử của Tòa Lao động, DN khi bị người lao động kiện ra tòa thường vi phạm những quy định pháp luật nào dẫn đến bị thua kiện?

Bộ luật Lao động 2012 chỉ mới có hiệu lực từ ngày 1-5-2013. Trước đây, khi giải quyết tranh chấp lao động, các tòa áp dụng Bộ luật Lao động 1994 (được sửa đổi, bổ sung năm 2002).

Thông qua quá trình xét xử, chúng tôi nhận thấy khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hay sa thải người lao động, DN thường không thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định tại khoản 2 Điều 38 Bộ luật Lao động 1994 (được sửa đổi, bổ sung năm 2002). Cụ thể, DN không trao đổi với ban chấp hành công đoàn cơ sở trước khi ra quyết định hoặc chỉ trao đổi với chủ tịch công đoàn cơ sở.

Cạnh đó, DN không tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động hoặc có họp nhưng không đúng thành phần tham gia như không đủ các thành viên ban chấp hành công đoàn lâm thời (nếu DN có công đoàn cơ sở thì chỉ cần người đại diện ban chấp hành công đoàn cơ sở tham gia). Việc này vi phạm Điều 87 Bộ luật Lao động 1994 (được sửa đổi, bổ sung năm 2002).

Ngoài ra còn một số vi phạm khá phổ biến khác như DN họp xử lý kỷ luật lao động nhưng không có sự tham gia của người lao động bị xử lý kỷ luật; không thực hiện đúng việc thông báo về việc xem xét xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động; người ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, quyết định kỷ luật lao động sa thải không đúng thẩm quyền...

Về nội dung thì nhiều DN không chứng minh được lỗi của người lao động hoặc không chứng minh được thiệt hại mà người lao động gây ra cho DN khi họp xét kỷ luật lao động…

 Bà đánh giá sao về thực trạng này, thưa bà?


Tòa Lao động chúng tôi nhận thấy việc chấp hành pháp luật lao động của một số DN hiện nay chưa được nghiêm túc. Nguyên nhân của tình trạng này là do các DN chưa quan tâm đến quyền lợi của người lao động và chưa chú trọng trong việc tìm hiểu, nghiên cứu pháp luật lao động hoặc có nhưng chưa đầy đủ.

 Xin cảm ơn bà!

 

 

Hoàng Yến

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo