Tài chính - ngân hàng

Doanh nghiệp da giày: Nguy cơ mất thị trường nội

Trái với tâm lý trông đợi của doanh nghiệp (DN) xuất khẩu, các DN sản xuất giày dép tiêu thụ nội địa đang lo lắng trước nguy cơ hàng ngoại, giá rẻ tràn vào thị trường khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hình thành.

Giày dép nội đang bị cạnh tranh gay gắt

 

Đáp ứng 40% nhu cầu

 
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân- Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) - nhu cầu tiêu thụ nội địa sản phẩm giày dép khoảng 150 triệu đôi/năm. Tuy nhiên, sản xuất trong nước mới đáp ứng được 40% nhu cầu. Sản phẩm giày dép nội chủ yếu thuộc phân khúc trung cấp và phục vụ cho vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa - nơi có thu nhập thấp.
 
Cũng theo bà Xuân, sở dĩ sản phẩm giày dép nội “kém vế” trên thị trường là do dung lượng thị trường nhỏ, trong khi đầu tư cho mẫu mã đòi hỏi nguồn vốn rất lớn. Sản phẩm đòi hỏi phải đa dạng phong phú nhưng số lượng lại ít, tồn kho cao, khả năng quay vòng vốn chậm… vì vậy tiềm ẩn nhiều rủi ro cho DN. “Trên thị trường hiện nay, những DN có quy mô lớn thường chọn “giải pháp an toàn” tập trung sản xuất hàng xuất khẩu, sản xuất hàng tiêu thụ nội địa chỉ dành cho DN nhỏ và vừa” - bà Xuân nói.
 
Sự “kém vế” của giày dép nội trên thị trường cũng một phần do hạn chế về nguồn nguyên, phụ liệu; không có hệ thống tiêu chuẩn, kỹ thuật kiểm soát đầu vào; thiếu nhân lực, nhất là lao động trong khâu thiết kế mẫu mã sản phẩm. Tuy nhiên, chính sự thờ ơ, sự thỏa mãn chính mình của DN mới thực sự là “tảng đá” kéo chậm sự phát triển của giày dép nội.
 
Việt Nam vốn được biết đến là một quốc gia sản xuất giày nổi tiếng khi đứng trong top 5 quốc gia xuất khẩu giày dép nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên, các DN lại đang bỏ ngỏ sân nhà. Trên thế giới vẫn có những quốc gia xuất khẩu giày, dép nổi tiếng không kém Việt Nam như: Brazil, Trung Quốc… nhưng họ vẫn làm chủ được thị trường trong nước. Và rõ ràng "sân nhà" đã hậu thuẫn rất tốt cho các quốc gia này khi tiến ra thị trường thế giới.
 
Bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng thư ký Lefaso: Hiệp hội sẽ liên tục cập nhật và cung cấp thông tin về AEC cho DN. Hiện Lefaso cũng đang phối hợp với Viện Da giày Việt Nam và các đơn vị liên quan xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng sản phẩm nhằm bảo vệ thị trường và sản xuất trong nước.
 
Nguy cơ mất thị trường
 
Theo lộ trình giảm thuế của AEC, đến cuối năm 2015, thuế xuất khẩu một số chủng loại giày dép trong nội khối sẽ về 0%. Đây được coi là cơ hội vàng cho DN mở rộng thị trường xuất khẩu. Thế nhưng, đây lại là nguy cơ đối với thị trường giày dép nội địa.
 
Bà Xuân phân tích, khi hàng rào thuế quan được phá bỏ, các nước sẽ dựng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước và thị trường nội địa. Hiện tại các nước trong khối AEC đã dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm giày dép nhập khẩu. Trong khi đó, Việt Nam chưa xây dựng được hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn này. Cũng có nghĩa Việt Nam chưa dựng được rào cản bảo vệ thị trường nội địa.
 
Cũng do chưa có hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, các DN sản xuất hàng tiêu thụ nội địa không theo một quy chuẩn cụ thể… khiến chất lượng giày dép nội không đồng đều, rất khó cạnh tranh với hàng ngoại nhập, giá rẻ.
 
Để tăng sức “đề kháng” cho sản phẩm nội, bà Xuân cho rằng: Thời gian cho các DN chuẩn bị không còn nhiều, các DN nên tập trung đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhằm chắc chân ngay trên thị trường nội địa. Bên cạnh đó, DN cần nắm bắt thông tin kịp thời về AEC, các chủng loại, lộ trình giảm thuế để tìm kiếm, phát triển sản phẩm thế mạnh có sức cạnh tranh cao. 
 
 
Theo Công Thương
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo